Các ngân hàng đang làm gì sau sự cố tại Vietcombank?
Với sự phát triển ngày một nhanh chóng của dịch vụ ngân hàng điện tử, không thể phủ nhận những ưu điểm mang lại cho khách hàng như: tính tiện ích, tiện lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, đây cũng là một con dao hai lưỡi, nói một cách nôm na là càng hiện đại thì đâu đó sẽ... hại tiền.
- 16-08-2016Xử lý khủng hoảng kiểu Vietcombank: 4 lỗi sai căn bản
- 16-08-2016Tình tiết mới nhất vụ Vietcombank: Ngân hàng đã gửi mã OTP vào điện thoại của khách hàng
- 16-08-2016Khách hàng Vietcombank mất 500 triệu đồng: Liên quan đến đối tượng cả trong nước và nước ngoài
- 15-08-2016Vietcombank "xuống nước", thừa nhận chưa thể nói do lỗi khách hàng
- 15-08-2016Vụ Vietcombank: Hiện đại thì...hại tiền?
Trong thời gian gần đây, tại một số ngân hàng đã ghi nhận các hình thức lừa đảo, giả mạo giao dịch ngân hàng điện tử với nhiều cách thức khác nhau. Nhiều trường hợp, tiền của khách hàng bỗng dưng không cánh mà bay nhưng phải đến sự việc vừa qua của Vietcombank, dư luận mới thực sự dấy lên những lo ngại về vai trò bảo mật của ngân hàng.
Nhận thức được vấn đề trên, để bảo vệ khách hàng và nâng cao độ tin cậy cho các dịch vụ trực tuyến, hàng loạt ngân hàng đã phát đi những thông tin cảnh báo, khuyến cáo người dùng thận trọng như VietinBank, Sacombank, VIB, Vietcombank, TPBank,... về việc cảnh báo thủ đoạn lừa đảo dịch vụ ngân hàng điện tử.
Một số ngân hàng đã ghi nhận các trường hợp giao dịch giả mạo ngân hàng điện tử dưới nhiều hình thức khác nhau, như giả mạo cán bộ ngân hàng gọi điện/nhắn tin cho khách hàng thông báo khách hàng có khoản tiền chuyển vào tài khoản khách hàng, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập và mã OTP để nhận tiền hoặc nhận khuyến mại/quà tặng/trúng thưởng...
Giả mạo thông báo tài khoản Ebanking của khách hàng bị xâm nhập trái phép hoặc sắp hết hiệu lực và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận lại thông qua đường link độc hại;
Giả mạo người thân gửi tin nhắn qua mạng xã hội thông báo có tiền chuyển từ nước ngoài về hoặc cần sự hỗ trợ về tài chính và yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật cá nhân để nhận tiền;
Giả mạo màn hình ứng dụng, màn hình đăng nhập bằng cách gửi email từ một địa chỉ email mạo danh ngân hàng tới khách hàng trong đó chứa đường link giả mạo nhằm lừa khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật sử dụng dịch vụ.
Ngân hàng VietinBank cảnh báo khách hàng cần thận trọng, hạn chế sử dụng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng để đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử. Không nên truy cập vào các trang web lạ (các trang web lạ tải phần mềm không có bản quyền, key crack, tải nhạc, hình ảnh miễn phí...), các website nghi ngờ giả mạo, các liên kết đính kèm thư điện tử vì các website/liên kết này có thể đính kèm virus vào các link download, link hình ảnh mà người sử dụng không nhận biết được.
Trường hợp buộc phải truy cập để tải dữ liệu, nên bật phần mềm antivirus, antispyware trước khi tải. Cẩn trọng trước các đường link lạ, các tập tin không rõ nguồn gốc (đặc biệt chú ý các tập tin có đuôi *.exe, *.com, *.bat, *.scr, *.swf, *.zip, *.rar, *.js...).
Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng nêu 4 bước để khách hàng bảo vệ an toàn thẻ. Nhà băng này khuyến cáo, khách hàng chỉ cung cấp thông tin cho các website có địa chỉ bắt đầu với https:// hoặc có biểu tượng hình chìa khoá ở đầu thanh địa chỉ. Ngoài ra, đơn vị cũng khuyên không nên thực hiện giao dịch thẻ trên các thiết bị kết nối Internet công cộng và khách hàng có thể khoá tính năng thanh toán trực tuyến của thẻ nếu không có nhu cầu sử dụng.
Còn tại Sacombank, đơn vị này đã đưa ra hàng loạt khuyến cáo với khách hàng. Nhà băng này cho biết, khi nhận số điện thoại lạ, khách hàng cần bình tĩnh để phán xét tình hình và tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản của người lạ. Đồng thời, khách hàng cũng không nên đứng tên hộ người khác để mở tài khoản ngân hàng.
Ngay cả Vietcombank - ngân hàng đang trong cơn bão của dư luận về việc khách hàng bỗng dưng mất nửa tỷ trong tài khoản cũng đã đưa ra những thay đổi và cảnh báo cho khách hàng. Từ 15/8, ngân hàng điều chỉnh hạn mức chuyển tiền trên Internet banking đối với loại giao dịch chuyển tiền từ thẻ qua thẻ với hạn mức tối đa mỗi giao dịch 30 triệu đồng, thay vì 50 triệu đồng; tối đa trong ngày là 60 triệu đồng, thay cho mức 100 triệu đồng. Các loại giao dịch chuyển tiền khác vẫn áp dụng hạn mức như trước đây.
Dịch vụ Smart OTP của Vietcombank chỉ được kích hoạt tại quầy giao dịch, chứ không chấp nhận hình thức đăng ký trực tuyến như trước (trừ các khách hàng đang sử dụng dịch vụ Smart OTP trên thiết bị cũ vẫn được thực hiện trực tuyến).
Cụ thể, với khách hàng đã sử dụng dịch vụ Smart OTP và muốn tiếp tục dịch vụ này trên thiết bị đang sử dụng, ngân hàng khuyến cáo nên đăng ký lại trên chương trình Internet Banking của Vietcombank. Những ai chưa đăng ký sử dụng phần mềm Smart OTP hoặc đã đăng ký sử dụng dịch vụ nhưng có nhu cầu chuyển sang cài đặt và sử dụng trên thiết bị mới cần đến các điểm giao dịch của Vietcombank để đăng ký. Người dùng cài phần mềm Smart OTP trên Google Play Store hoặc Apple Store về thiết bị của mình trước khi đến đăng ký sử dụng dịch vụ.
Khách hàng cũng được nhắc nhở phải nâng cao cảnh giác bảo mật thông tin cá nhân và thông tin giao dịch.