Các ngân hàng giảm lãi suất gần 60.000 tỷ đồng với các khoản vay cũ cho hơn 3.300 doanh nghiệp
Đây là một trong những kết quả mà hệ thống các TCTD đã thực hiện trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính năm vừa qua...
- 27-05-2019Cắt giảm hàng loạt thủ tục liên quan đến vay vốn ngân hàng
- 09-05-2019Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Sẽ hỗ trợ các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả
- 04-05-2019Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tỷ lệ CAR của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã xuống mức xấp xỉ 9%
- 02-05-2019Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Hơn 50% dư nợ là tín dụng trung dài hạn, đang gây rủi ro rất lớn với hệ thống ngân hàng
NHNN lần thứ 4 liên tiếp xếp thứ Nhất bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 (PAR INDEX 2018) với kết quả là 90,57%.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú - Thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ - Thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đã có những chia sẻ với báo giới xung quanh kết quả này.
Ông có thể chia sẻ một số kết quả CCHC trong ngành ngân hàng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp?
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện tăng 13 bậc (so với năm 2016); cũng tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 (Doing Business 2019) công bố ngày 31/10/2018, Chỉ số "Tiếp cận tín dụng" của Việt Nam hiện xếp hạng 32/190 (đạt 75/100 điểm), đứng thứ 3 trong khu vực và ngang bằng với Singapore và Malaysia - các nước đứng đầu trong nhóm ASEAN 4. Đồng thời, Chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam là 1 trong 2 chỉ số của Việt Nam đạt trung bình của ASEAN 4 (cùng với Chỉ số Tiếp cận điện năng).
Thông tin trên có thể thấy sự cải thiện rõ nét về môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và cải thiện môi trường kinh doanh nói chung. Ngay trong tháng 5, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị trong toàn ngành Ngân hàng để đánh giá những kết quả CCHC đặc biệt là kết quả trong hoạt động cải cách để hỗ trợ DN, người dân vay vốn, tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, tôi cũng cung cấp đánh giá sơ bộ. Thứ nhất hoạt động cải cách tại NHNN được tổ chức triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước. Đã cắt giảm 31% điều kiện kinh doanh, 20% chế độ báo cáo định kỳ đảm bảo thực chất; toàn bộ TTHC được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đảm bảo yêu cầu công khai minh bạch; công tác xử lý, quản lý văn bản, tổ chức hội nghị, cuộc họp, đào tạo trong toàn Ngành được điện tử hóa… phần nâng cao hiệu quả công việc, cắt giảm đáng kể giấy tờ, chi phí đi lại.
Thứ hai, theo định hướng, kế hoạch của NHNN, hệ thống các TCTD đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều TTHC tạo thuận lợi cho người dân, DN vay vốn và sử dụng các dịch vụ.
Năm 2018 hệ thống các TCTD đã chủ̉ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý; đồng thời cung cấp gần 100 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ DN với nguồn vốn ưu đãi, trong đó có 15 chương trình áp dụng đối với DNNVV, DN khởi nghiệp.
Các quy trình cung cấp dịch vụ, biểu phí, lãi suất được công bố công khai và cập nhật liên tục trên trang tin điện tử của ngân hàng; các phần mềm tiện ích sử dụng trên điện thoại được cung cấp giúp khách hàng tra cứu thông tin, trao đổi về chất lượng, giá cả dịch vụ… Các ngân hàng đã tổ chức hơn 420 cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN trên toàn quốc; đã cho vay mới hơn 50.000 DN; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của hơn 3.300 DN.
Những kinh nghiệm trong hoạt động cải cách của NHNN là gì thưa ông?
Những kết quả cải cách trong ngành Ngân hàng nhờ sự tập trung triển khai đúng hướng và sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành địa phương. NHNN luôn bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ DN, NHNN đã thống nhất tư tưởng chỉ đạo trong toàn Ngành, CCHC là nhiệm vụ trọng tâm hết sức quan trọng.
Thứ hai, NHNN thường xuyên theo dõi và có nhiều hình thức tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị trong toàn Ngành để đánh giá sát tình hình triển khai. Định kỳ, lãnh đạo NHNN đều trực tiếp đi kiểm tra tại các địa phương, các đơn vị trong Ngành về việc tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch CCHC.
Thứ ba, về phạm vi CCHC, NHNN đã tập trung chỉ đạo toàn diện, đồng thời 6 nội dung CCHC nhà nước trong hệ thống NHNN; đồng thời từ nhiều năm nay NHNN đã chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục vay vốn và dịch vụ ngân hàng cho DN, người dân tốt hơn. Mặc dù, TCTD là DN, nhưng cải cách, đổi mới, các thủ tục có tính chất hành chính, nhất là trong quan hệ tín dụng, tiền tệ, thanh toán… cũng là nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành Ngân hàng.
Thứ tư, NHNN đã chủ động đề xuất với Chính phủ và chủ động phối hợp với các bộ, ngành địa phương để thực hiện các hoạt động cải cách TTHC, về triển khai giải pháp thanh toán điện tử đối với dịch vụ công và thanh toán các nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.
Thứ năm, để triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch CCHC, phải có bộ máy thường trực và mạng lưới đầu mối công chức làm công tác CCHC, chỉ cần mỗi đơn vị bố trí đầu mối một công chức có tinh thần trách nhiệm, quyết liệt và có năng lực. Đây cũng là một yếu tố quan trọng góp phần tổ chức triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ CCHC.
Thời gian tới ngành ngân hàng sẽ định hướng cải cách hành chính như thế nào?
NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh CCHC trọng tâm là các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và hỗ trợ phát triển DN. Những mục tiêu này tôi tin chắc rằng sẽ không bị giảm sức nóng hoặc trì hoãn khi người đứng đầu NHNN rất quan tâm, sâu sát và chỉ đạo xuyên suốt quyết liệt.
Những nỗ lực CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh vì thế sẽ không chỉ là yếu tố giảm bớt các điều kiện kinh doanh mà quan trọng hơn là việc củng cố một ngành, lĩnh vực hiện đại, hội nhập và con người hành chính mang tính phục vụ. Đây là yếu tố cốt lõi thực hiện mục tiêu kép vừa thúc đẩy sự phát triển của hệ thống DN, phục vụ người dân, giảm thiểu chi phí thời gian và nhân lực trong việc thực hiện các TTHC, điều kiện kinh doanh đồng thời giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh bền vững.
Xin cảm ơn Phó Thống đốc!