Các ngân hàng giảm mạnh lương, thưởng vì Covid-19
Ngân hàng SHB cắt giảm 20 - 50% lương của cán bộ cấp cao; HDBank cũng giảm 10-25% lương của người có thu nhập từ 10 triệu đồng/tháng tở lên; một số ngân hàng khác thì đang cắt giảm các chi phí không cấp thiết...
- 04-04-2020Thanh khoản ngân hàng ổn, giá USD tăng mạnh vì đâu?
- 04-04-2020Cổ phiếu của một ngân hàng vẫn tăng gấp đôi bất chấp dịch Covid-19 nhấn chìm TTCK
- 31-03-2020NHNN yêu cầu: Các ngân hàng xem xét cắt giảm chi phí hoạt động và lương thưởng, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung giảm lãi suất
Ngày 31/3 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Một trong các nội dung được người đứng đầu ngành ngân hàng yêu cầu các thành viêntrong hệ thống là chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông. Ngoài ra thống đốc còn yêu cầu trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Sau chỉ thị của Thống đốc, các ngân hàng đã bắt đầu có kế hoạch hành động.
HDBank là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống gửi thông báo tới người lao động về việc cắt giảm lương từ ngày 01/4. Việc điều chỉnh bắt đầu luôn từ kỳ lương tháng 4 cho đến khi có thông báo thay thế.
Cụ thể với những người lương 80 triệu đồng/tháng trở lên sẽ thực hiện cắt giảm 25%; từ 40 – 80 triệu đồng cắt giảm 20%; lương từ 20 – 40 triệu sẽ giảm 15% còn lương từ 10 – 20 triệu là giảm 10%. Cán bộ nhân viên có thu nhập dưới 10 triệu sẽ không bị cắt giảm thu nhập.
Tiếp theo đến lượt SHB công bố điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mức giảm lợi nhuận tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, đồng thời thực hiện rà soát toàn bộ các chi phí hoạt động và tổ chức triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động với mức giảm tối thiểu 10%. Các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của ngân hàng tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch. Các cấp quản lý toàn hệ thống từ cấp Phó phòng trở lên và các chức danh tương đương giảm từ 10%- 30% tùy theo mức thu nhập.
Một ngân hàng khác đề nghị giấu tên cũng cho biết đã hoàn tất kế hoạch cắt giảm chi phí. Theo đó các lãnh đạo ngân hàng cấp cao đều tự nguyện giảm lương với khoảng 40 - 50% trong đó cấp cao nhất giảm 50%. Chỉ có 3 cấp nhân viên thấp nhất của nhà băng này là không phải thực hiện cắt giảm. "Nhân sự cấp càng cao thì tỷ lệ cắt giảm càng cao, còn nhân viên nhóm lương thấp chúng tôi muốn hỗ trợ để họ không bị ảnh hưởng cuộc sống giữa lúc dịch bệnh, khó khăn"- một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này chia sẻ.
Cũng theo vị lãnh đạo trên, việc cắt giảm lương là điều không ai mong muốn, tuy nhiên khi ngân hàng gặp khó, khách hàng gặp khó, cả nền kinh tế gặp khó thì họ phải chia sẻ khó khăn với ngân hàng và chung tay cùng cộng đồng. Ngoài ra, ngân hàng còn dừng chi các khoản mục không quá cần thiết, đồng thời dừng cả các dự án, kế hoạch chưa cấp thiết để giảm chi phí tối đa.
Tại một ngân hàng đề nghị giấu tên khác có quy mô vừa và có trụ sở chính ở Hà Nội, một quản lý cấp cao của ngân hàng cho biết ngay từ sau Tết Nguyên đán, nhận định tình hình dịch bệnh sẽ căng thẳng nên lãnh đạo ngân hàng đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm các chi phí không cần thiết, bao gồm cả một số hạng mục liên quan đến tiếp thị, marketing để giảm chi phí. Ngoài ra ngân hàng cũng tạm dừng việc quyết toán chi thưởng kinh doanh theo quý.
Khảo sát của chúng tôi với một số ngân hàng khác, bao gồm cả ngân hàng thuộc nhóm Big4, thì hiện tại chưa có kế hoạch cắt giảm lương hàng tháng. Tuy nhiên theo đại diện một số ngân hàng, việc lương nhận hàng tháng của cán bộ nhân viên chỉ là tạm tính (theo phương án dự thu, dự chi), đến cuối quý, bán niên và cuối năm mới bổ sung, quyết toán để tính toán lại, và có thể khi ấy sẽ thực hiện việc cắt giảm phù hợp.
"Việc cắt giảm lương hiện tại chưa thấy thông báo nhưng tình hình này chắc chắn lương, thưởng kinh doanh trong các đợt quyết toán sẽ giảm mạnh, chưa kể doanh số bị ảnh hưởng nặng nề bởi doanh nghiệp, khách hàng và nền kinh tế khó khăn", một cán bộ phụ trách về nhân sự của một ngân hàng chia sẻ.
Số liệu tổng hợp từ mùa báo cáo tài chính 2019 ở các ngân hàng cho thấy, trong năm 2019 vừa qua thu nhập của cán bộ nhân viên ngân hàng hầu hết tăng so với năm trước.
Dẫn đầu hệ thống về việc chi trả lương thưởng hiện nay là Vietcombank khi thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên tới 34,3 triệu đồng/tháng. Trong năm 2018, thu nhập bình quân của nhà băng này là 33,5 triệu đồng/người/tháng.
Đứng thứ hai là Techcombank khi thu nhập năm vừa qua cũng tới bình quân 34 triệu đồng/người/tháng, tăng trên 13% so với 2018. Thứ ba và thứ 4 đang thuộc về MBBank và TPBank. Năm qua bình quân cán bộ nhân viên MB hưởng thu nhập gần 29,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 12,7% so với 2018 còn ở TPBank là trên 28 triệu đồng/người/tháng.
Lương và phụ cấp của nhân viên VietinBank năm qua đạt trung bình 27,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 37% so với năm trước. BIDV trong khi đó cũng tăng từ 24,65 triệu đồng/người/tháng ở năm 2018 lên 27,1 triệu đồng/người/tháng trong năm vừa qua.
Tại các ngân hàng khác, nhất là những ngân hàng ăn nên làm ra, thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng đều trên 20 triệu đồng/người/tháng, chẳng hạn ACB, VPBank, HDBank, VIB, Nam A Bank...Một số ngân hàng nhỏ thì thu nhập thấp hơn, bình quân chỉ từ 13 - 17 triệu đồng/người/tháng.