MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng lớn đang dự báo thế nào về Brexit?

04-04-2019 - 13:46 PM | Tài chính quốc tế

Dự báo của các ngân hàng như Goldman Sachs, Citibank, UBS… về các kịch bản mà Brexit đang đối mặt...

Tình trạng "rối tung" hiện nay xung quanh việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đang gây nhiều băn khoăn.

Thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May đạt được với EU đã bị Quốc hội nước này từ chối 3 lần. Nhưng cũng chính các nghị sỹ Anh cũng chưa thể thông qua được một giải pháp nào khác thay thế cho thỏa thuận của bà May.

Ngày 2/4, bà May đã tiến hành họp nội các để cố gắng tìm ra một kế hoạch Brexit sao cho được Quốc hội chấp nhận trước thời hạn 12/4 mà EU đặt ra.

Tất cả các lựa chọn được đặt ra cho nước Anh hiện bao gồm: Brexit không thỏa thuận, tiến hành bầu cử sớm, Brexit với một thỏa thuận "mềm" hơn, và hủy bỏ Brexit.

Dưới đây là dự báo của một số nhà băng hàng đầu thế giới về Brexit được hãng tin CNBC điểm lại:

Goldman Sachs

Goldman Sachs từng nói rằng Brexit đã khiến nước Anh thiệt hại 600 triệu Bảng, tương đương 783 triệu USD mỗi tuần, kể từ cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế Anh đã giảm khoảng 2,5 điểm phần trăm.

"Tình trạng bấp bênh của mối quan hệ chính trị và kinh tế trong tương lai với EU đã gây tổn hại thực sự đối với nền kinh tế Anh, từ đó ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác", một báo cáo tuần này của Goldman nhận định.

Báo cáo cho rằng khả năng Brexit không thỏa thuận là 15%, và đồng Bảng sẽ mất giá 17% nếu điều này xảy ra. Bên cạnh đó, khả năng Brexit bị hủy là 35%.

JPMorgan Chase

Rất có thể bà May sẽ đưa thỏa thuận Brexit ra trước Quốc hội Anh lần thứ tư để thuyết phục các nghị sỹ chấp nhận. Tuy nhiên, theo quy định của Quốc Anh hội là thỏa thuận được mang ra bỏ phiếu lần tiếp theo phải có điểm khác về bản chất so với trong những lần bỏ phiếu trước, nên JPMorgan cho rằng có thể sẽ có một cuộc bỏ phiếu phụ.

Trong số những lựa chọn mà các nghị sỹ Anh đang cân nhắc, JPMorgan dự báo Quốc hội nước này sẽ thống nhất giải pháp "Brexit mềm hơn" trong tuần này.

Tuy nhiên, JPMorgan Chase đặt ra khả năng cao nhất là Anh sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới, ở mức 30%. Trong khi đó, khả năng bà May nhất trí kéo dài việc hoãn Brexit là 20%. Khả năng tiến hành trưng cầu dân ý lại hoặc Brexit không thỏa thuận là thấp nhất, chỉ ở mức 15% mỗi khả năng.

Citibank

Citibank không đánh giá khả năng của từng kịch bản Brexit. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng Đảng Bảo thủ cầm quyền có vẻ như đang đẩy mọi chuyện đi theo hướng Brexit không thỏa thuận.

Một số nguồn tin nói rằng 200 nghị sỹ Bảo thủ đã ký một lá thư gửi bà May đề nghị Brexit không thỏa thuận nhưng "có kiểm soát". Mặc dù vậy, Citibank vẫn hy vọng Chính phủ Anh sẽ không để Brexit không thỏa thuận xảy ra.

Theo Citibank, một cuộc tổng tuyển cử sớm sẽ chỉ làm gia tăng sự bấp bênh, và có thể củng cố sức mạnh cho Đảng Dân tộc Scotland (SNP), chính đảng theo đường lối ly khai.

Về việc bà May có thể đưa thỏa thuận Brexit của bà quay trở lại Quốc hội để bỏ phiếu, Citibank cho rằng thỏa thuận này sẽ một lần nữa bị các nghị sỹ bác bỏ.

Deutsche Bank

Theo Deutsche Bank, khả năng Anh rời EU không thỏa thuận vào ngày 12/4 đã tăng lên mức 25%.

Trong một báo cáo ra hôm thứ Hai, ngân hàng Đức này bày tỏ bi quan về triển vọng tỷ giá đồng Bảng trong bối cảnh Brexit tiếp tục là một "mớ hỗn độn". Deutsche Bank cho rằng tình trạng này sẽ khiến đồng Bảng sớm giảm giá về mức 1 Euro đổi 0,9 Bảng, từ mức 1 Euro đổi gần 0,86 Bảng vào đầu tuần.

Kịch bản chính của Deutsche Bank về Brexit, với khả năng 30%, là bất kỳ giải pháp nào mà Quốc hội Anh đưa ra cho Brexit cũng bị Chính phủ phản đối, và một cuộc tổng tuyển cử được tiến hành. Tuy nhiên, bầu cử sớm không được ngân hàng này xem là giải pháp tích cực, bởi tình trạng bế tắc tại Quốc hội có thể quay trở lại và cũng bởi một chính phủ cánh tả của Công Đảng có thể ra đời.

UBS

Phân tích mới nhất của UBS cho rằng một cuộc tổng tuyển cử sớm ở Anh giờ đây đã trở thành điều tất yếu. Bầu cử ở Anh chỉ diễn ra sau mỗi 5 năm, trừ phi Chính phủ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, hoặc 2/3 số nghị sỹ ủng hộ tổ chức bầu cử sớm.

Ngân hàng Thụy Sỹ cho rằng kịch bản Quốc hội Anh muốn bầu cử sớm có thể xảy ra, bởi các nghị sỹ Bảo thủ đang tin rằng thông qua đó họ có thể thu hút được mức độ ủng hộ lớn hơn của cử tri, theo đó sẽ giúp bà May đưa được thỏa thuận Brexit qua "cửa ải" Quốc hội.

Phân tích của Brexit cũng cho rằng một cuộc bầu cử như vậy sẽ giúp ích nhiều hơn cho Đảng Bảo thủ thay vì Công đảng.

Theo Bình Minh

VnEconomy

Trở lên trên