MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng lớn trên toàn cầu giải quyết tình trạng làm việc quá tải của nhân viên như thế nào?

01-05-2021 - 15:55 PM | Tài chính - ngân hàng

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Không ít người đã phải xin nghỉ chỉ sau một thời gian ngắn làm việc vì bị quá tải, kiệt sức lao động, sa suát tinh thần...

Văn hóa làm việc của các tập đoàn tài chính toàn cầu đã trở nên đáng chú ý trong những tháng gần đây khi Covid-19 đã ‘quét sạch’ các tòa tháp văn phòng ở New York, London và hơn thế nữa và ngành công nghiệp này đã trải qua một trong những năm bận rộn nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Tháng trước, một bài thuyết trình nội bộ của các nhà phân tích tại Goldman Sachs về khối lượng công việc của họ đã khiến Phố Wall xôn xao khi tài liệu được đưa lên internet. Làm việc hơn 100 giờ/tuần, thiếu ngủ trầm trọng, kiệt quệ sức lực và sa sút tinh thần là những gì các nhân viên mới miêu tả về công việc của họ tại ngân hàng Goldman Sachs. Và điều đó dẫn tới việc không ít người phải xin nghỉ chỉ sau một thời gian ngắn làm việc.

Một người chia sẻ: "Từng có thời điểm tôi không ăn, không tắm hay làm bất cứ việc gì khác ngoài làm việc từ sáng cho tới sau nửa đêm. Cơ thể tôi đau mỏi mọi lúc và tinh thần tôi như đang ở một nơi thực sự tối tăm."

Trong khi đó, giới ngân hàng cũng được phen dậy sóng vì một nhân viên HSBC - Frostick - lên cơn đau tim nhưng việc đầu tiên nghĩ tới là cuộc họp với sếp vào sáng mai chứ không phải gia đình mình.

Frostick đang là trưởng nhóm, quản lý 20 nhân viên làm việc trong các dự án dữ liệu của HSBC. Ông đã kể về trải nghiệm suýt chết của mình trong một bài đăng Linkedin và ngay lập tức nó được lan truyền mạnh mẽ với gần 8 triệu lượt xem. Người đàn ông 45 tuổi này là nhân viên mới nhất trong ngành tài chính khiến mọi người phải đặt câu hỏi về văn hóa làm việc cho tới khi kiệt sức, khiến mối liên hệ giữa văn phòng và cuộc sống gia đình của người lao động bị đứt gãy.

Trước thực trạng này, một số ngân hàng lớn, bao gồm HSBC, JPMorgan và Goldman, đã hứa sẽ giảm tải khối lượng công việc.

Cụ thể, hôm 20/4 vừa qua, JPMorgan đã phát đi thông báo đang bổ sung gần 190 nhân viên vào hàng ngũ ngân hàng đầu tư của mình khi các ngân hàng này ở Phố Wall tìm cách giảm bớt gánh nặng cho các nhân viên cấp dưới đang ngập trong công việc trong thời kỳ đại dịch.

Ngân hàng lớn nhất của nước Mỹ này đã thuê 65 nhà phân tích và 22 cộng sự trên toàn cầu, và đang có kế hoạch thuê thêm 100 nhân viên ngân hàng và nhân viên hỗ trợ.

Ngoài kế hoạch tuyển dụng thêm, ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp bao gồm khuyến khích mọi người rời văn phòng trước 7 giờ tối các ngày trong tuần, thực thi tối thiểu ba tuần nghỉ phép mỗi năm và tiến hành đánh giá hàng quý về cách các nhân viên ngân hàng cấp dưới sử dụng thời gian của họ.

Tương tự, HSBC cũng đang lên kế hoạch tăng lương cố định cho nhân viên ngân hàng đầu tư cấp trung tại các trung tâm chính và tăng quy mô tuyển dụng chuyên viên phân tích với nỗ lực giảm bớt khối lượng công việc, trở thành ngân hàng toàn cầu mới nhất thực hiện các bước để giải quyết tình trạng kiệt sức của người lao động.

Ngoài ra, ngân hàng sẽ rút ngắn chương trình liên kết bốn năm cho một số nhóm nhân viên nhất định tại các địa điểm trung tâm, bao gồm Hồng Kông, London và Mỹ, theo thông tin nội bộ được Bloomberg đưa tin. Theo đó, các cộng sự có kinh nghiệm ba năm sẽ được xem xét để thăng chức lên cấp phó.

Về phần mình, Goldman đã đưa ra biện pháp bảo toàn ngày cuối tuần cho các nhân viên cấp thấp bằng "quy tắc thứ 7", yêu cầu họ không có mặt ở văn phòng từ 9 giờ tối thứ 6 đến 9 giờ sáng Chủ nhật, trừ một số trường hợp hiếm hoi. Tuy nhiên, những quy tắc đó không phải lúc nào cũng được tuân theo.

Tham khảo: Bloomberg

Thái Bích Phương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên