MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng Trung Quốc "bán mình" để giải quyết nợ xấu

07-09-2016 - 16:28 PM | Tài chính quốc tế

Theo tin mới nhất từ Bloomberg, cả ngân hàng cho vay và các công ty được thành lập để mua lại các tài sản xấu đang bắt đầu nỗ lực cải thiện tình hình tài chính của mình.

Trong nhiều ngày qua, Qũy tiền tệ quốc tế IMF liên tục cảnh báo và bày tỏ sự quan ngại về số nợ xấu đang phình to trong hệ thống tín dụng của Trung Quốc. Theo quan điểm của IMF, đây là vấn đề rất nghiêm trọng không chỉ đối với Trung Quốc mà còn với nền kinh tế toàn cầu. Hiện nợ xấu của Trung Quốc đã ở mức cao nhất trong vòng 11 năm qua.

Với tình trạng cấp bách, hàng loạt ngân hàng Trung Quốc và các công ty quản lý tài sản đang có kế hoạch nâng vốn để đối phó với núi nợ xấu đang gia tăng.

Theo tin mới nhất từ Bloomberg, cả ngân hàng cho vay và các công ty được thành lập để mua lại các tài sản xấu đang bắt đầu nỗ lực cải thiện tình hình tài chính của mình. Vào tháng trước, ngân hàng China Citic công bố kế hoạch tăng thêm 40 tỷ nhân dân tệ (6 tỷ USD) vốn.

Các ngân hàng khác, bao gồm Agricultural Bank of China (ngân hàng nông nghiệp), Industrial (ngân hàng công nghiệp) và China Zheshang cũng đang gấp rút kế hoạch gia tăng vốn. Tương tự, các công ty quản lý tài sản, mua lại nợ xấu như China Cinda, China Huarong cũng đang sẵn sàng để gọi vốn từ các nhà đầu tư.

“Các ngân hàng tại Trung Quốc đang tập trung huy động vốn với mức giá ưu đãi để giải quyết khiếm khuyết về mức nợ đang tăng cao”, Nicholas Yap, một nhà phân tích tín dụng tại Mitsubishi UFJ Securities trụ sở tại Hồng Kông cho biết. “Ngoài ra, những ngân hàng cho vay trung và ngắn hạn cũng cần phải tăng vốn một khi tài sản trong bảng cân đối đã gia tăng nhanh chóng, chủ yếu đến từ các khoản phải thu”.

Tình trạng “căng thẳng” tài chính nổi lên trong nửa đầu năm nay khi các ngân hàng Trung Quốc liên tục thả nổi việc cho vay, mặc dù nợ xấu đã đạt mức cao nhất trong vòng 11 năm. Tuy nhiên, lượng cổ phiếu ưu đãi được phát hành để huy động vốn lại giảm 38% sau hai năm liên tiếp huy động vốn kỷ lục.

“Chúng ta nhận thấy nhu cầu phát hành thêm chứng khoán và mong đợi họ sẽ huy động thêm nhiều nguồn vốn cấp 1 trong năm này hoặc năm tới”, Charles Chang, chuyên gia hàng đầu về tín dụng tại châu Á cho biết. “Nợ vay tiếp tục tăng khá mạnh cùng với tỷ lệ nợ xấu”.

Vốn cấp 1 là thước đo chủ yếu đánh giá sức mạnh, tiềm lực tài chính của một ngân hàng từ quan điểm của cơ quan quản lý, bao gồm các loại nguồn lực tài chính có độ tin cậy cao nhất và có tính thanh khoản tốt nhất như cổ phiếu thường.

Ngân hàng China Zheshang cho biết sẽ bán số cổ phần ưu đãi trị giá 15 tỷ nhân dân tệ cho nhà đầu tư nước ngoài, tương đương việc bổ sung vốn cấp 1. Trong tháng 7, ngân hàng công nghiệp Trung Quốc cho biết họ có kế hoạch tăng thêm vốn khoảng 26 tỷ nhân dân tệ qua việc tư nhân hóa, hình thức chuyển đổi về tính chất sở hữu từ nhà nước sang tay tư nhân. Mới nhất, vào tháng 8, ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc dự định sẽ bán lượng chứng khoán trị giá 80 tỷ nhân dân tệ trong vòng 3 năm để bổ sung vốn cấp 2. So với vốn cấp 1, vốn cấp 2 được coi là có độ tin cậy, an toàn thấp hơn.

“Phần lớn việc việc huy động vốn cũng là để hỗ trợ sự tăng trưởng trong bảng cân đối kế toán”, Liao Qiang, nhà phân tích tại S&P Global Ratings cho biết. “Đó cũng là lý do tại sao các công ty quản lý tài sản được tham gia vào việc huy động vốn ngay từ bây giờ. Họ cần thêm vốn để hỗ trợ việc mua bán nợ xấu”.

Công ty quản lý tài sản China Cinda đã gửi một yêu cầu đến các ngân hàng để đề xuất việc chào bán lượng cổ phần ưu đãi trị giá 30 tỷ nhân dân tệ, theo một nguồn tin thân cận cho biết. Một công ty khác, China Huarong cũng đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu vô thời hạn trong tháng này.

Nếu kế hoạch gọi vốn thành công, Cinda sẽ trở thành công ty quản lý tài sản Trung Quốc đầu tiên bán cổ phần ưu đãi. Cho đến thời điểm này trong năm 2016, các doanh nghiệp tài chính Trung Quốc đã bán 24,1 tỷ USD cổ phiếu gọi vốn, giảm 38% so với cùng kỳ, theo số liệu được biên soạn bởi Bloomberg.

Trung Quốc đã đưa vào các yêu cầu chặt chẽ hơn về vốn sở hữu để đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel 3 trong tháng 1/2013 và Bank of China là ngân hàng đầu tiên tại Trung Quốc bán cổ phiếu ưu đãi trong năm 2014.

Đinh Lộc

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên