Các ngân hàng Trung Quốc mạnh tay bơm tiền cứu kinh tế trong đại dịch
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, các ngân hàng thương mại đã gia hạn các khoản nợ trị giá gần 3,34 nghìn tỷ nhân dân tệ (477 tỷ USD) trong tháng 1 - gần như tương đương với tổng dư nợ tín dụng ngân hàng của nước này trong cả năm 2007.
- 20-02-2020Sau khi hạ lãi suất cho vay trung hạn, Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất cho vay cơ bản để "cứu" nền kinh tế
- 17-02-2020Trung Quốc hạ lãi suất cho vay trung hạn để hỗ trợ nền kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19
- 17-02-2020Trung Quốc tiêu hủy tiền mặt có nguy cơ lây nhiễm covid-19
Dư nợ tín dụng tại các Ngân hàng thương mại Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục vào đầu năm 2020. Đây là một động thái nhằm góp phần bảo vệ nền kinh tế nước này trước bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.
Hôm 20/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết, các Ngân hàng thương mại đã gia hạn các khoản nợ trị giá gần 3,34 nghìn tỷ nhân dân tệ (477 tỷ USD) trong tháng 1. Con số này gần như tương đương với tổng dư nợ tín dụng ngân hàng của cả nước trong năm 2007.
Mức tăng ròng của các khoản vay trung và dài hạn đối với các doanh nghiệp đạt 1,66 nghìn tỷ nhân dân tệ, cho thấy sự hỗ trợ của các ngân hàng cho các dự án đầu tư lớn. Trong khi đó, các khoản cho vay thế chấp trung và dài hạn đối với hộ gia đình đạt mức 749,1 tỷ nhân dân tệ (107 tỷ USD). Dư nợ các khoản tài trợ tài chính cũng đạt mức cao 5,07 nghìn tỷ nhân dân tệ (724 tỷ USD), tăng thêm 388,3 tỷ nhân dân tệ (55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung tiền M2 đã tăng 8,4%, vượt mức 202 nghìn tỷ nhân dân tệ (28,9 nghìn tỷ USD) vào cuối tháng 1, mức cao nhất mọi thời đại, gần gấp đôi quy mô của nền kinh tế Trung Quốc.
Raymond Yeung, chuyên gia về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc tại tập đoàn tài chính ANZ cho rằng những số liệu trong tháng 1 không phản ánh đầy đủ tác động của đại dịch Covid-19 vì nhiều khoản vay đã được giải ngân trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Điều này sẽ dẫn đến mức dư nợ tín dụng cao trong năm nay và trong dài hạn, những lo ngại về nợ xấu chắc chắn sẽ quay trở lại. Nếu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa (GDP) ở mức thấp trong khi lạm phát dương, quốc gia này sẽ dễ rơi vào bẫy thanh khoản như Nhật Bản.
Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới theo dự báo của Standard Chartered sẽ chỉ là 2,9% trong quý đầu tiên, xấp xỉ 1/2 tốc độ tăng trưởng vào cuối năm 2019 do virus Covid-19 đã khiến phần lớn các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc rơi vào tình trạng gián đoạn, trì trệ. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 của Trung Quốc cũng đạt mức tồi tệ nhất trong gần 3 thập niên là 6,1%, có thể đe dọa đến mục tiêu lâu dài là xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện, mà đòi hỏi phải tăng ít nhất 5,6% trong năm nay.
Do vậy, các biện pháp luân chuyển linh hoạt dòng vốn tín dụng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được coi là một phần trong kế hoạch tổng thể của Trung Quốc nhằm thúc đẩy sản xuất và đưa nền kinh tế nước này trở lại đúng hướng sau khi kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán buộc phải kéo dài hơn mọi năm do sự lây lan của virus.
Đầu tháng 2, Ngân hàng này đã bơm 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 171 tỷ USD) vào các thị trường chỉ trong vòng một ngày để duy trì "sự thanh khoản hợp lý và dồi dào" trong hệ thống ngân hàng, cũng như sự ổn định của thị trường tiền tệ trước nguy cơ kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Động thái này hoàn toàn trái ngược với việc rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống mà Ngân hàng này vẫn thường thực hiện sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hằng năm.
PBOC cũng cung cấp thêm các khoản vay trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (42,9 tỷ USD) cho các ngân hàng lớn và một số ngân hàng địa phương ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng như tâm dịch Hồ Bắc, nhằm giảm chi phí tài chính, đặc biệt là cho hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hạ lãi suất 10 điểm cơ bản đối với khoảng 200 tỷ nhân dân tệ (28,65 tỷ USD) giá trị các khoản vay trung hạn có kỳ hạn một năm (MLF) tức từ 3,25% trước đây xuống 3,15% hôm 17/2, lãi suất cơ bản của thị trường cũng đã được điều chỉnh giảm. Cụ thể, lãi suất cơ bản cho vay một năm (LPR) đã giảm 10 điểm cơ bản từ 4,15% xuống còn 4,05%/năm. Trong khi đó, LPR kỳ hạn 5 năm - thường được sử dụng để đánh giá các khoản vay thế chấp của doanh nghiệp, đã bị cắt giảm 5 điểm cơ bản xuống mức 4,75%/năm.
Mặc dù đích đến của các khoản này vẫn chưa rõ ràng, nhưng những lo ngại vẫn ngày một gia tăng về việc liệu các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể có đủ vốn để tránh phá sản hay không. Trong quá khứ, dư nợ cho vay trong tháng 1 cũng đã từng tăng đột biến trước những đợt suy thoái kinh tế, tháng 1/2009 với gói 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (571 tỷ USD) để bù đắp cho cuộc khủng hoảng tài chính, và đạt mức cao mới vào tháng 1 năm ngoái trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.
Chuyên gia cao cấp về kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, Julian Evans-Pritchard nhận định, việc nới lỏng chính sách tiền tệ dự kiến sẽ được thực hiện trong những tuần tới bởi Bắc Kinh cần phải được thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và hoạt động kinh tế. Nhiều dự báo cũng chỉ ra rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ cắt giảm 100 điểm cơ bản trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc và giảm 10 điểm cơ bản lãi suất MLF trong quý III năm nay. Và nếu dịch bệnh không được ngăn chặn vào cuối tháng 3 như giả định, PBOC có thể sẽ xem xét cắt giảm cả lãi suất tiền gửi cơ bản.
Tham khảo: South China Morning Post