MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nhà lãnh đạo nên làm gì để hỗ trợ những nền kinh tế mới nổi vượt qua khủng hoảng Covid-19?

02-04-2020 - 13:38 PM | Tài chính quốc tế

Theo ông Alfonso Prat-Gay, các quốc gia này cần cân bằng các khoản nợ trong trường hợp nền kinh tế của họ bước vào giai đoạn "tắt máy và khởi động lại" nhằm đối phó với dịch bệnh.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Alfonso Prat-Gay, cựu Bộ trưởng Tài chính và thống đốc NHTW Argentina

"Rất đơn giản. Hãy tắt đi và khởi động lại!" Bạn có thể đã nghe được câu nói "đáng sợ" này từ bộ phận IT rất nhiều lần. Tuy nhiên, công thức tương tự đang được khuyến nghị áp dụng trên quy mô toàn cầu. Nhà dịch tễ học ở khắp nơi đang thuyết phục các nhà lãnh đạo chính trị nhấn và giữ nút "nguồn" của các nền kinh tế. 

Một vấn đề rõ ràng là các nền kinh tế phải mất nhiều thời gian để tái khởi động hơn là máy tính. Hơn nữa, hy vọng rằng, "liều thuốc" này sẽ không khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn so với những gì dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, vấn đề trên lại đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển, khi một làn sóng lây lan dịch bệnh thứ 2 có thể quay lại. Tuy nhiên, nếu các nhà hoạch định chính sách nhanh chóng vào cuộc, thì có thể sẽ có một giải pháp hiệu quả nhưng tốn kém.

Ở các nước phát triển, việc phong toả được thực hiện nhằm "làm phẳng đường cong" hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Để đối phó với cuộc suy thoái lớn có thể xảy ra, chính phủ các nước đã tung ra những biện pháp kích thích lớn chưa từng có. Dù không đưa ra cùng một lúc, nhưng quy mô của những gói hỗ trợ cũng cực kỳ lớn.

Tuy nhiên, những biện pháp này không hề dễ dàng thực hiện đối với các nền kinh tế mới nổi. Thứ nhất, người lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ rất lớn trong lực lượng lao động tại những nước này, thu nhập của họ có thể bị đe doạ bằng những biện pháp cách ly, phong toả. Liệu Ấn Độ và Pakistan có thực sự phong toả được 1/5 dân số thế giới hay không? Việc phong toả đối với các khu dân cư nghèo – nơi các gia đình "chen chúc" trong 1 căn phòng, cũng có thể tăng khả năng lây lan của virus.

Hơn nữa, các chính phủ của những nền kinh tế đang phát triển khó có thể huy động được một gói kích thích kinh tế để hỗ trợ người dân và các công ty trong thời gian cách ly cho đến khi dịch bệnh kết thúc. Hầu hết các chính phủ đều không thể đi vay với mức lãi suất thấp nhất. Các NHTW và hệ thống thanh toán cũng không có được sự tín nhiệm như nhau, điều này làm hạn chế khả năng cân nhắc về chính sách đổi mới của họ.

Họ còn phải đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn nữa, đó là có thể một "đường cong" thứ ba sẽ xuất hiện – cuộc khủng hoảng thanh toán nợ trở nên mất cân bằng, gây nguy hiểm cho các chính phủ của thị trường mới nổi khi đang nỗ lực "san phẳng 2 đường cong" trước đó. Thực tế, Covid-19 đã tạo ra một chiếc hố tại các thị trường mới nổi, nó sâu hơn bất kỳ nơi nào kể từ khi nhóm tài sản trên được tạo ra vào đầu những năm 1990.

Các thị trường mới nổi đang chứng kiến 80 tỷ USD dòng vốn bị rút ra, tức là gần gấp 4 lần mức rút vốn trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Giá hàng hoá cũng rớt xuống mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1970. Điều này đã khiến một số quốc gia rơi vào bờ vực của cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Không chỉ Lebanon, Ecuador hay Zambia đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài, nhiều quốc gia sẽ rơi vào tình cảnh tương tự nếu những khó khăn hiện tại vẫn tiếp diễn.

Vậy các nhà lãnh đạo nên làm gì?

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) gần đây đã tăng gấp đôi quy mô của hạn mức hoán đổi đồng USD đối với các NHTW ở các thị trường mới nổi lớn nhất. IMF và WB cũng đang nỗ lực giảm nợ cho những quốc gia nghèo nhất. Tuy nhiên, còn quá nhiều quốc gia khác không được chú ý đến. Những gì các tổ chức lớn đề xuất vẫn còn quá nhỏ so với những gì họ cần. 

IMF nên "mượn" ý tưởng gần đây của Fed nhằm mục đích ngăn chặn các vấn đề thanh khoản biến thành những vấn đề về khả năng thanh toán. Giống như Quỹ thương phiếu – Commercial paper funding facility (CPFF) và Secondary Market Corporate Credit Facility (SMCCF), thì tổ chức này có thể thiết lập một Công cụ Đầu tư Đặc biệt (SIV), để đảm bảo rằng nghĩa vụ trả nợ bằng ngoại tệ của tất cả các thị trường mới nổi (trừ Trung Quốc) sẽ đáo hạn vào cuối năm 2021. Mỗi quốc gia trong chương trình này sẽ thiết lập một tài khoản ký quỹ đặc biệt mà trong đó IMF sẽ giải ngân. 

Quy mô của cam kết này sẽ tăng thêm gần 200 tỷ USD, tương đương 1/5 khả năng vốn cho vay nhàn rỗi của IMF và thấp hơn 5% so với nguồn lực mà Mỹ cam kết thực hiện tại "quê nhà". Quan trọng hơn, biện pháp này sẽ có hiệu quả ngay lập tức và trên diện rộng, không như nhiều công cụ khác của IMF. Nếu cần, SIV có thể được mở rộng thêm 300 tỷ USD và bao gồm các khoản đáo hạn chính của những công ty phi tài chính. Rủi ro vỡ nợ và hiệu ứng khuyếch đại sẽ biến mất sau 1 đêm.

Một câu hỏi được đặt ra là, gói trợ cấp này sẽ không cung cấp tiền cho những quốc gia ít nghiêm túc tuân thủ quy định? Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, cuộc khủng hoảng này được châm ngòi bởi những nhà hoạch định chính sách liều lĩnh và những nhà đầu tư đầy tham vọng. Hơn nữa, liệu biện pháp này có quá tốn kém hay không? Lịch sử cho thấy rằng, khi nói đến rủi ro hệ thống, thì không có gì đắt đỏ hơn là việc chần chừ. Ngoài ra, ở đây còn có một vấn đề về thực tế, ví dụ như SIV này có thuộc bộ công cụ của IMF không? Hãy biến điều này thành có thể. Việc đưa ra những hạn chế về quota cũng không thể ngăn chặn những vấn đề khẩn cấp gần đây, ví dụ như ở Ukraine và Hy Lạp.

Rõ ràng rằng, phương pháp này sẽ không giải quyết được toàn bộ những vấn đề về tài chính sắp tới tại các thị trường mới nổi. Nhưng có rất nhiều nguồn lực nhàn rỗi có thể giải quyết những trường hợp này thông qua những phương pháp truyền thống hơn của IMF. Điều cần thiết ở đây là cần đưa ra hành động cấp bách. Một đại dịch như Covid-19 sẽ không chấm dứt hoàn toàn cho đến khi kết thúc ở mọi nơi. Vậy mục đích của các tổ chức tài chính như IMF là gì nếu họ không thể hỗ trợ đối với những người cần nó nhất trong cuộc khủng hoảng quốc tế lớn như vậy? 

Tham khảo Financial Times

Các nhà lãnh đạo nên làm gì để hỗ trợ những nền kinh tế mới nổi vượt qua khủng hoảng Covid-19? - Ảnh 1.

Giang Ng

Trở lên trên