MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nước giàu liệu có thể cùng hợp tác để hạ giá đồng USD?

20-09-2022 - 21:45 PM | Tài chính quốc tế

Các nước giàu liệu có thể cùng hợp tác để hạ giá đồng USD?

Năm 1985, Mỹ, Pháp, Tây Đức, Anh và Nhật cùng đưa ra một thỏa ước tập thể biết đến với cái tên Plaza Accord nhằm kéo hạ giá trị của đồng USD bởi lo ngại về tác động lên kinh tế toàn cầu.

Đồng USD mạnh hơn khiến cho nợ vay bằng đồng USD của chính phủ của các nước mới nổi và doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn. Chính phủ các nước mới nổi có tổng giá trị các khoản nợ bằng đồng USD ước tính khoảng 83 tỷ USD đáo hạn vào cuối năm sau, theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) theo dõi và tính toán với 32 nước.

“Bạn sẽ cần phải nhìn vào thực tế này thông qua góc nhìn từ ngân sách. Bạn bước vào năm 2022 và bất ngờ đồng tiền bạn đang nắm giữ mất giá 30%. Bạn chắc chắn sẽ buộc phải cắt giảm ngân sách y tế, giáo dục nhằm đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ”, chuyên gia kinh tế tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển – ông Daniel Munevar nhận định.

Sự tăng giá của đồng USD đã khiến cho các nước nhỏ đương đầu với nhiều khó khăn hơn bởi nó khiến cho hàng hóa thực phẩm và nhiên liệu nhập khẩu tính theo đồng USD trở nên đắt đỏ hơn.

Nhiều nước phải sử dụng đến dự trữ đồng USD và nhiều loại ngoại tệ khác để có thể có đủ tiền nhập khẩu hàng hóa và bình ổn tỷ giá đồng tiền. Và khi mà giá hàng hóa đã giảm từ những mức cao nhiều tháng gần đây, áp lực lạm phát mà các nước này phải đương đầu cũng không bớt đi nhiều.

“Nếu đồng USD tăng giá lên hơn nữa, chắc chắn tình hình sẽ còn khó khăn hơn. Hiện giờ nhóm các thị trường mới nổi đã tiến gần hơn đến khủng hoảng và như vậy điều cuối cùng họ cần chính là một đồng USD mạnh”, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi tại Oxford Economics – ông Gabriel Sterne phân tích.

Ngân hàng trung ương các nước mới nổi đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh tay để ngăn đồng nội tệ và trái phiếu suy giảm. Argentina nâng lãi suất trong ngày thứ Năm lên 75% để kiềm chế lạm phát phi mã và bảo vệ đồng peso sau khi đồng tiền này đã mất giá đến 30% so với đồng USD. Ghana trong khi đó vào tháng trước cũng khiến cho nhà đầu tư ngạc nhiên khi nâng lãi suất lên mức 22%, tuy nhiên đồng nội tệ của nước này vẫn không ngừng suy giảm.

Không chỉ riêng các nước đang phát triển phải đương đầu với đồng nội tệ yếu. Tại châu Âu, sự suy yếu của đồng euro đang làm tồi tệ hơn tình hình lạm phát gây ra bởi căng thẳng địa chính trị tại Ukraine, giá khí đốt và giá điện tăng vọt.

Trong cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 8/9/2022, chủ tịch Christine Lagarde đã thể hiện nỗi lo lắng khi đồng euro mất giá đến 12% bởi nó khiến cho áp lực lạm phát leo thang hơn nữa. ECB đang tính đến việc sẽ áp dụng định hướng chính sách tiền tệ cứng rắn hơn, nhà đầu tư tin rằng lãi suất sẽ tăng lên mức 2,5%. Tuy nhiên ngay cả như vậy cũng khó khăn giá trị đồng tiền đi xuống sâu hơn nữa.

Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại quỹ Pictet Wealth Management, ông Frederik Ducrozet, khẳng định: “ECB hoàn toàn bất lực với sự mạnh lên của đồng USD. Việc liệu ECB có trở nên cứng rắn hay không, triển vọng kinh tế có sáng sủa hơn hay không, dù điều gì có xảy ra đi nữa, nhìn chung nó vẫn được bù đắp lại bởi sự mạnh lên của đồng USD”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận rằng sự mạnh lên của đồng USD sẽ có thể tạo ra nhiều thách thức với nhóm các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt nhóm các nền kinh tế có các khoản nợ định giá bằng đồng USD. Tuy nhiên vào tháng 7/2022, bà cho biết bà không lo ngại về quá trình điều chỉnh đang làm chững lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Sự mạnh lên của đồng USD đã ảnh hưởng đến toàn bộ phố Wall, gây sức ép lên lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ kiếm được ở nước ngoài, đồng thời nó gây tổn hại đến các khoản đầu tư liên quan đến thị trường hàng hóa như vàng hay dầu.

“Đồng USD mạnh khiến cho tất cả các loại tài sản đều chịu ảnh hưởng tiêu cực. Nó là một khía cạnh khác của điều kiện tài chính chặt chẽ hơn và nó ảnh hưởng đến mọi thứ”, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu tài sản tại quỹ BlackRock – ông Russ Koesterich phân tích.

Nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế đang nói đến khả năng toàn cầu cùng hành động để làm yếu đồng USD dù họ cho rằng khả năng có sự can thiệp kiểu như vậy không nhiều. Năm 1985, Mỹ, Pháp, Tây Đức, Anh và Nhật đã cùng đưa ra một thỏa ước tập thể biết đến với cái tên Plaza Accord nhằm kéo hạ giá trị của đồng USD bởi lo ngại về những tác động của nó lên kinh tế toàn cầu.

Giám đốc bộ phận chiến lược tiền tệ tại tổ chức quản lý quỹ Amundi US, ông Paresh Upadhyaya, khẳng định: “Người ta có thể có những lý do cho sự can thiệp nhằm hạ giá đồng USD. Bên ngoài nước Mỹ, đồng USD mạnh đang gây ra quá nhiều tác động tiêu cực cho các ngân hàng trung ương”.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cố gắng nâng giá đồng nhân dân tệ bằng cách bơm thêm thanh khoản USD vào thị trường. Trung Quốc đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà các ngân hàng cần phải nắm giữ tương ứng với dự trữ ngoại hối, đồng thời không ngừng điều chỉnh tỷ giá hàng ngày lên mức cao hơn so với tính toán của thị trường.

Các nhà quản lý Trung Quốc nhấn mạnh đến sự suy giảm của tỷ giá đồng nhân dân tệ có thể bắt nguồn từ nỗi lo của họ về khả năng đồng nhân dân tệ sẽ có thể sụt giảm sâu hơn gây tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược Trung Quốc đại lục tại ngân hàng OCBC – ông Tommy Xie phân tích.

Tại Nhật, sự suy yếu của đồng nhân dân tệ đã đẩy thâm hụt thương mại của Nhật tháng 8/2022 lên mức cao kỷ lục 2,82 nghìn tỷ yên, tương đương khoảng 20 tỷ USD, giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng đến 50% so giá năng lượng tăng và đồng yên hạ giá.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida vào ngày thứ Tư nói rằng Nhật cần tính đến những cách để cân đối và tận dụng những điểm tốt của việc đồng USD hạ giá. Một giải pháp quan trọng: Đón thêm khách du lịch quốc tế đến Nhật.

Theo Trung Mến

Nhịp Sống Kinh Doanh

Trở lên trên