MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nước giàu mua thêm hàng tỷ liều vaccine Pfizer, Moderna cho 2 năm tới

03-06-2021 - 22:55 PM | Tài chính quốc tế

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), thăm một nhà máy sản xuất vaccine Pfizer hồi tháng 4 - Ảnh: WSJ.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), thăm một nhà máy sản xuất vaccine Pfizer hồi tháng 4 - Ảnh: WSJ.

Những thoả thuận mới ký cho thấy loại vaccine gồm hai mũi tiêm của Pfizer và Moderna đã trở thành vaccine được các nước giàu lựa chọn...

Liên minh châu Âu (EU), Canada và các nước phát triển khác đã ký thoả thuận mua thêm hàng tỷ liều vaccine Covid-19 trong 2 năm tới, khiến khoảng cách vaccine giữa các nước giàu và các nước nghèo càng thêm lớn – tờ Wall Street Journal cho hay.

Tờ báo này nói rằng theo những thoả thuận ký gần đây, Pfizer nhất trí cung cấp cho EU tới 1,8 tỷ liều vaccine trong thời gian đến hết năm 2023, đồng thời nhất trí cung cấp cho Canada tới 125 triệu liều vaccine.

Australia, Thuỵ Sỹ và Israel sẽ được mua vaccine Covid của Moderna trong năm 2022, riêng Thuỵ Sỹ có thêm quyền chọn mua vaccine này trong năm 2023.

Những thoả thuận này đảm bảo cho các quốc gia ký kết có đủ nguồn cung vaccine để tiêm chủng và tiêm nhắc lại cho người dân, theo đó đạt tới miễn dịch cộng đồng và chống lại những biến chủng mới. Những hợp đồng béo bở này cũng mang lại doanh thu khổng lồ cho các hãng dược. Nhưng một lần nữa, nhiều quốc gia đang phát triển sẽ gặp khó khăn trong việc tìm mua vaccine để kiềm chế sự lây lan của virus.

Moderna nói rằng Covax – sáng kiến toàn cầu nhằm tạo nguồn cung vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình – là kênh chính để hãng cung cấp vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình. Tháng trước, hãng này nói sẽ giao 34 triệu liệu vaccine cho Covax trong quý 4 năm nay. Covax cũng có quyền chọn để mua thêm 466 triệu liều vaccine từ Moderna trong năm tới.

Về phần mình, Pfizer đã cam kết sẽ cung cấp khoảng 2 tỷ liều vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong thời gian 18 tháng tới. Ngoài ra, Pfizer đã nhất trí giao 40 triệu liều vaccine cho Covax trong năm nay.

Theo dữ liệu mới nhất từ Đại học Duke, gần 30 nước giàu và EU đến nay đã mua khoảng 6 tỷ liều vaccine Covid-19. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới mới mua được hơn 3 tỷ liều.

Đến hết năm 2022, vaccine Covid dự kiến mang về cho Pfizer 70 tỷ doanh thu và Moderna 27 tỷ doanh thu – theo Bernstein Research. Bernstein ước tính Pfizer bán được vaccine với giá 18-19,5 USD/liều tại các thị trường phát triển, so với mức chỉ 7,5 USD/liều tại các thị trường đang phát triển. Đối với Moderna, mức giá vaccine là 17-20 USD/liều tại các nước phát triển và 8 USD/liều tại các nước đang phát triển.

Với doanh thu khổng lồ, vaccine Covid của Pfizer có thể trở thành một trong những loại thuốc bán chạy nhất mọi thời đại. Kỷ lục gần đây nhất thuộc về thuốc chống viêm Humira của hãng dược AbbVie, với doanh thu gần 20 tỷ USD trong năm 2018.

Mỹ hiện chưa ký thêm hợp đồng mua vaccine với Pfizer và Moderna, nhưng các thoả thuận đã có của Chính phủ Mỹ với hai hãng này bao gồm quyền chọn mua thêm vaccine trong tương lai. Mỗi hãng cũng dự kiến sẽ giao thêm cho Mỹ 300 triệu liều vaccine nữa trong thời gian từ nay đến hết tháng 7.

Nguồn cung vaccine sử dụng công nghệ mRNA, gồm vaccine của Pfizer và Moderna, trở nên khan hiếm sau khi một số nước hạn chế sử dụng vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson vì mối lo an toàn. Những thoả thuận mới ký cho thấy loại vaccine gồm hai mũi tiêm của Pfizer và Moderna đã trở thành vaccine được các nước giàu lựa chọn.

Pfizer và Moderna cho biết nhiều nước đang phát triển đang đàm phán với hai hãng dược này để mua vaccine, đồng thời cũng đợi nguồn cung từ Covax và kêu gọi Chính phủ Mỹ chia sẻ phần vaccine dư thừa.

Các chuyên gia y tế nói rằng các nước đang phát triển cần được cung cấp thêm vaccine để tiêm cho người dân nhằm kiềm chế sự lây lan của virus và chống lại nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới. Các nước giàu sẽ không thể mở cửa hoàn toàn trở lại trừ phi các nước đang phát triển tiêm phòng được cho một tỷ lệ đủ dân số.

Theo chuyên gia Prashant Yadav thuộc Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD), với việc các nước giàu ký hợp đồng mua thêm một lượng lớn vaccine, các nước thu nhập thấp và trung bình nhiều khả năng sẽ phải phụ thuộc vào việc các nước giàu có sẵn sàng chia sẻ lại nguồn vaccine hay không. Nếu không, nhiều nước sẽ phải ký hợp đồng mua vaccine từ Trung Quốc và Nga - hai nước đang rất sẵn sàng bán vaccine mà họ sản xuất.

Theo Kiều Oanh

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên