MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các "ông lớn" giảm lãi suất cho vay, ngân hàng khác liệu có theo?

11-01-2019 - 16:19 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank giảm lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ tác động lớn tới thị trường bởi đây là những ngân hàng có thị phần cho vay lớn nhất hiện nay.

Mở đầu năm mới 2019, tương tự như năm ngoái, các "ông lớn" ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục tiên phong trong mục tiêu giảm lãi suất, tạo điều kiện vay vốn cho các doanh nghiệp.

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tuyên bố giảm lãi suất cho vay, theo đó, nhà băng này sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, áp dụng trên phạm vi rộng cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Các khoản vay được giảm lãi suất hiện chiếm khoảng 30% tổng dư nợ tín dụng hiện hữu bằng VND của ngân hàng này.

Cụ thể, Vietcombank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức tối đa là 6%/năm, giảm 0,5% so với mức trần quy định của NHNN, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay đang còn dư nợ và các khoản cho vay mới phát sinh trong năm 2019. Ngoài ra, Vietcombank giảm đồng loạt 0,5%/năm trong năm 2019 đối với các khoản vay trung dài hạn hiện tại của doanh nghiệp.

3 ngân hàng còn lại là BIDV, Agribank, VietinBank cũng đã có động thái tương tự. BIDV và VietinBank cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, trung và dài hạn của khách hàng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agibank, ông Trịnh Ngọc Khánh cũng cam kết giảm lãi suất cho vay, bước đầu là 0,5%/năm lãi vay với các đối tượng ưu tiên, bao gồm cả cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn. Năm 2018, Agribank đạt mức lợi nhuận trước thuế hơn 7.525 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Lãnh đạo ngân hàng này cũng khẳng định, lợi nhuận tăng cao so với năm trước không phải từ tăng lãi suất cho vay.

Động thái tuyên bố giảm lãi suất cho vay của những ngân hàng lớn khiến thị trường không khỏi bất ngờ bởi theo nhiều dự báo cho rằng lãi suất sẽ khó giảm trong năm 2019 và gặp nhiều sức ép, trước mắt là cho đến hết Tết Nguyên đán. Chưa kể, bản thân những ngân hàng này cũng đã phải chạy đua tăng lãi suất huy động trong thời gian vừa qua.

Như vậy, có thể hiểu rằng những ngân hàng lớn có thể phải hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay. Như lãnh đạo Vietinbank cho biết, với mức giảm thêm lãi suất 0,5%/năm sẽ làm giảm khoảng 700 tỷ đồng lợi nhuận nhưng việc giảm là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay ở các "ông lớn" được cho rằng sẽ tạo một áp lực không nhỏ cho các ngân hàng tư nhân, đặc biệt là các ngân hàng cổ phần có quy mô nhỏ đang phải huy động tiền gửi với lãi suất cao hơn rất nhiều. Nếu giảm theo các ngân hàng lớn thì sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, nhưng không giảm lại rất khó cạnh tranh, dẫn tới dễ bị mất khách hàng.

Hơn nữa, năm nay NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 14%, đồng nghĩa room tín dụng cho các ngân hàng thậm chí còn có thể thấp hơn năm ngoái, chỉ một số ngân hàng thực sự có tiềm lực vốn mạnh và quản trị rủi ro tốt mới được ưu tiên mức tăng trưởng cao hơn. Trong khi tín dụng vẫn đang là nguồn thu nhập chủ yếu ở các ngân hàng nhỏ, với tỷ trọng thường trên 80%.

Dẫu vậy, lãi suất cho vay giảm ở các ngân hàng lớn là tin tốt với doanh nghiệp và nền kinh tế vì đây là những nhà băng có thị phần lớn nhất trên thị trường. Nhiều người kỳ vọng động thái này sẽ tạo nên xu hướng giảm lãi suất trong thời gian tới, tác động tới các ngân hàng khác.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng hạ nhiệt sau thời điểm 1/1/2019, đặc biệt sau thời điểm Tết Nguyên Đán. Lãi suất cũng còn có cơ hội giảm mạnh hơn khi nhu cầu chi trả cao điểm cuối năm qua đi và tiền nhàn rỗi quay trở lại hệ thống. Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng nhỏ 2 tuần gần đây đã tạm lắng, lãi suất liên ngân hàng mặc dù vẫn neo ở mức cao nhưng cũng không leo thang thêm nữa.

Hai yếu tố chi phối đến việc điều hành lãi suất của Việt Nam là lạm phát và sức ép tỷ giá năm 2019 thì đều không quá lớn. Do vậy, BVSC cho rằng không có quá nhiều rủi ro đối với diễn biến lãi suất trong năm 2019.

Theo khảo sát mới nhất của Vụ Dự báo thống kê (NHNN Việt Nam), mặt bằng lãi suất tiền gửi - cho vay được các TCTD kỳ vọng tiếp tục duy trì xu hướng ổn định trong năm 2019. Dự báo về tốc độ trưởng tín dụng năm 2019, các TCTD kỳ vọng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng bình quân 15,27% tính đến cuối năm 2019, trong đó tín dụng VND luôn được kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn so với tín dụng ngoại tệ.

Hải Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên