MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ông lớn trong ngành ô tô sẽ "bắt tay nhau" để đáp trả thuế quan của ông Trump

31-07-2018 - 09:02 AM | Tài chính quốc tế

Các nhà sản xuất ô tô của Mỹ đã hạ dự báo lợi nhuận cả năm của họ do các xung đột thương mại, và giá cổ phiếu cũng giảm mạnh khi nhà đầu tư cho rằng các tranh chấp đó sẽ làm giảm lợi nhuận và doanh số bán hàng.

Canada, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mexico và Hàn Quốc sẽ gặp nhau tại Geneva trong tuần này để thảo luận cách đối phó với các lời đe dọa đánh thuế ô tô và phụ tùng nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, những nguồn tin thân cận cho biết.

Chính quyền Trump đã phải chịu sự chỉ trích nặng nề từ các nhà sản xuất ô tô, chính phủ nước ngoài và những tổ chức khác vì đang xem xét mức thuế lên đến 25%, một mức thuế mà những người chỉ trích cảnh báo rằng sẽ làm tăng chi phí, làm tổn thương doanh số ô tô và số lượng việc làm trên toàn cầu.

Một số quốc gia lớn trong ngành sản xuất ô tô đã nói chuyện với nhau trong những ngày gần đây về nỗi sợ của họ và có thể sẽ có một phản ứng "phối hợp" nhằm đáp trả lại cuộc điều tra xem "các ô tô nhập khẩu có phải là một mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ hay không" do chính ông Trump ra lệnh vào ngày 23/5 vừa qua.

Hiện chưa rõ các nước này đang xem xét phản ứng gì, mặc dù Canada, EU và Mexico đã trả đũa bằng thuế quan riêng của họ sau khi Trump áp đặt mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu hồi tháng Ba. Một lựa chọn khác có thể có là "đấu" với Mỹ tại trụ sở của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Các Thứ trưởng sẽ tập trung tại Geneva vào ngày 31/7 để lắng nghe quan điểm của nhau, một quan chức Canada và một quan chức Mexico nói với Reuters. Bộ trưởng kinh tế Mexico đã xác nhận rằng Thứ trưởng Kinh tế Juan Carlos Baker sẽ tới Geneva để "họp về một số vấn đề", trong đó có việc gặp gỡ ông Roberto Azevedo, Trưởng ban Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), còn Bộ Ngoại giao Canada từ chối đưa ra lời bình luận.

Theo trang web của WTO, ông Azevedo sẽ gặp ông Baker, tiếp theo là Thứ trưởng Bộ Thương mại Canada, Timothy Sargent, và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, Kazuyuki Yamazaki. Các quan chức Mexico cho biết các cuộc họp này là có liên quan đến vấn đề thuế ô tô.

Mức thuế cuối cùng lên ô tô có thể gây ảnh hưởng đến nhiều công ty, gồm Hyundai của Hàn Quốc, Toyota của Nhật Bản và BMW của Đức, cũng như các nhà máy trên toàn cầu của các thương hiệu General Motors, Ford, và Fiat Chrysler Automobiles NV của chính nước Mỹ.

Thỏa thuận của ông Trump hồi tuần trước để tránh áp thuế ô tô lên EU nhằm giảm bớt rào cản thương mại đối với các sản phẩm của Mỹ đã giúp làm dịu bớt các lo ngại về một cuộc chiến thương mại, nhưng quyết định cuối cùng của ông sẽ không được biết đến cho tới khi cuộc điều tra an ninh kết thúc, mà có lẽ là trong vài tháng tới.

Thứ Tư tuần trước, các nhà sản xuất ô tô của Mỹ đã hạ dự báo lợi nhuận cả năm của họ do các xung đột thương mại trên, và giá cổ phiếu của họ cũng giảm mạnh khi nhà đầu tư cho rằng các tranh chấp đó sẽ làm giảm lợi nhuận và doanh số bán hàng.

Mặc dù các hy vọng về một sự đột phá trong những cuộc đàm phán thương mại Mỹ-EU khiến các nhà sản xuất ô tô lạc quan trở lại vào thứ Năm tuần trước, nhưng các cuộc họp sắp diễn ra này rõ ràng là một dấu hiệu cho thấy những quốc gia sản xuất ô tô muốn chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

"Giao thương bị quản lý"

"Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada, ông Chrystia Freeland, đã làm dấy lên nhu cầu hợp tác với các quốc gia có sự quan tâm lớn đến cuộc điều tra ô tô của Mỹ trong một cuộc họp tại Ottawa với Bộ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong tuần trước", Bộ trưởng Hàn Quốc cho biết.

"Trong một chuyến công du Mỹ, ông Kim đã đưa ra ý tưởng cùng nhau hợp tác để đối mặt với thuế quan tại cuộc họp của khối thương mại Liên minh Thái Bình Dương ở Mexico", một quan chức Mexico và một nhà ngoại giao có kiến thức về vấn đề này cho biết, đồng thời yêu cầu được giấu tên vì họ không được phép nói về nó.

Các quan chức được Reuters hỏi thăm ý kiến tại Canada, Mexico và Hàn Quốc đều nói rằng những cuộc thảo luận như vậy là sơ bộ, còn một quan chức Canada khác thì mô tả chúng như các ghi chú mang tính so sánh về tình trạng của cuộc điều tra thuế quan hơn là sự thảo luận chi tiết một phản ứng phối hợp.

"Chúng tôi đã kiểm tra và lắng nghe quan điểm của nhau. Tuy nhiên, khi cuộc điều tra về thuế ô tô vẫn đang được tiến hành, thì thật khó để biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào trong giai đoạn này", một quan chức của Bộ Thương mại Hàn Quốc cho hay.

Canada cho rằng Hàn Quốc có thể đạt được một sự miễn trừ và điều này sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh, sau khi nước này chấp nhận hạn ngạch xuất khẩu thép để được miễn những mức thuế kim loại mà đang gây ảnh hưởng cho Canada, Mexico và các đồng minh khác.

Ahn Dukgeun, một giáo sư Đại học Quốc gia Seoul, người tư vấn cho chính phủ về các vấn đề thương mại, cho biết chính phủ Hàn Quốc đã bị chia rẽ về việc cần lựa chọn lối đi nào.

"Hàn Quốc đang ở ngã tư đường trong vấn đề liệu có nên tăng cường giao thương, dù bị quản lý, với Mỹ hay không, hay là phải trở nên cứng rắn, chẳng hạn như phàn nàn với WTO và sử dụng thuế quan trả đũa", ông nói.

Do cách trả đũa ở mỗi quốc gia là khác nhau nên việc điều phối bất kỳ hành động nào giữa họ cũng nhanh chóng trở nên khó khăn.

Các cuộc đối thoại hiện căng thẳng hơn trước vấn đề về thuế thép và nhôm, có thể là do các quốc gia bây giờ biết rằng ông Trump không hề ngần ngại trong việc áp thuế, một nhà ngoại giao và quan chức Canada cho biết.

Một lý do khác là tỷ trọng kinh tế của ngành công nghiệp ô tô. Trong năm 2016, Mỹ đã nhập khẩu 173 tỷ USD ô tô và 70 tỷ USD phụ tùng ô tô, so với 21 tỷ USD thép.

Thanh Hải

CNBC

Trở lên trên