MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các quốc gia gặp khó về tài chính có thể khai thác "kho báu" 26 nghìn tỷ USD giữa thời đại dịch?

08-05-2020 - 08:24 AM | Tài chính quốc tế

Đánh thuế lên lĩnh vực thương mại điện tử luôn là mục tiêu tiềm năng của các quốc gia ngay cả trước khi xảy ra đại dịch.

Khoản tiền khổng lồ

Tháng trước, khi chính phủ Indonesia tìm kiếm những nguồn thu ngân sách mới để hỗ trợ cho nền kinh tế dưới tác động của dịch COVID-19, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đã phát hiện ra một lĩnh vực phát triển bùng nổ trong thời gian dịch bệnh. Đó là thương mại điện tử.

"Chúng tôi quyết định đánh thuế giao dịch điện tử lên các tập đoàn công nghệ vì doanh số của họ tăng vọt trong bối cảnh Covid-19 bùng phát," Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati phát biểu trong một cuộc họp báo. Trích dẫn các nhà cung cấp dịch vụ như Zoom và Netflix, bà bộ trưởng cho biết "hoạt động kinh tế của các tập đoàn này rất lớn".

Động thái này là dễ hiểu khi các quan chức phụ trách tài chính của các chính phủ đang ráo riết tìm kiếm bất kỳ hình thức thương mại và tiêu dùng nào để có thể áp thuế để bù đắp khoản ngân sách thâm hụt nặng nề vì chống dịch. Đánh thuế lên lĩnh vực thương mại điện tử luôn là mục tiêu tiềm năng của các quốc gia ngay cả trước khi xảy ra đại dịch .

Tuy vậy, việc đánh thuế này không diễn ra dễ dàng vì vấp phải sự phản đối của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nguyên nhân là rất nhiều dịch vụ thương mại điện tử phổ biến nhất trên thế giới- từ mạng xã hội đến phát trực tuyến video và bán lẻ trực tuyến – đều là các công ty Mỹ. Tất nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng mong muốn những khoản thuế mới này sẽ đổ vào ngân quỹ đang thâm hụt nghiêm trọng của nước mình.

Trong khi đại dịch COVID-19 tàn phá hàng loạt các ngành công nghiệp truyền thống, các khuyến nghị ở nhà đang giúp hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ bao gồm Facebook, Apple, Amazon.com, Netflix, Alphabet và Microsoft Corp phát triển mạnh mẽ và tạo ra doanh thu khoảng 234 tỷ USD trong quý I, tăng 14% so với một năm trước đó.

Một báo cáo tuần trước từ Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc cho biết doanh số thương mại điện tử trên toàn thế giới đạt gần 26 nghìn tỷ USD trong năm 2018, tương đương với gần một phần ba tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Khoản tiền khổng lồ như vậy tất nhiên thu hút sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia có nền tài chính kiệt quệ do dịch bệnh.

Ông Stuart Harbinson, cựu quan chức cấp cao của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là cố vấn cao cấp về thương mại quốc tế cho cơ quan truyền thông Hume Brophy có trụ sở tại Brussels cho biết: "Do liên tiếp tung ra các khoản cứu trợ nên áp lực về tài chính của các quốc gia đều rất lớn. Nước nào cũng cần ngay nguồn thu bổ sung".

6 quốc gia ở Châu Âu gồm Áo, Pháp, Hungary, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh đã công bố kế hoạch đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số. Ít nhất 6 quốc gia khác đang cân nhắc việc đánh thuế gồm Cộng hòa Séc, Slovakia, Tây Ban Nha, Latvia, Na Uy và Slovenia.

"Những gã khổng lồ kỹ thuật số đang trở thành đối tượng hưởng lợi chính trong đại dịch COVID-19. Vì vậy, việc thu thuế từ họ lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết," Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire chia sẻ với hãng Bloomberg.

Bất đồng lợi ích

Cuộc khủng hoảng y tế xảy ra tại một thời điểm nhạy cảm khi các nước đang đàm phán xây dựng một hiệp định đa phương đánh thuế kỹ thuật số tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris.

Mặc dù các nhà đàm phán của OECD đã cam kết sẽ tạo ra một thỏa thuận toàn diện trong năm nay, một số tổ chức kinh doanh bao gồm Hội đồng Kinh doanh quốc tế Mỹ đã kêu gọi tạm dừng đàm phán trong thời gian diễn ra đại dịch. Các tổ chức này cho rằng các hạn chế đi lại đang là rào cản chính để đạt được một thỏa thuận trong năm nay. Điều mà ngay cả các quan chức hàng đầu của OECD cũng đồng ý.

Ông Pascal Saint-Amans, giám đốc của Trung tâm chính sách và quản lý thuế của OECD cho biết "rất khó tiến hành đàm phán mà các bên không gặp mặt trực tiếp". Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin là hai chính khách không muốn các quốc gia đơn phương thu thuế từ tập đoàn công nghệ của Mỹ.

 Các quốc gia gặp khó về tài chính có thể khai thác kho báu 26 nghìn tỷ USD giữa thời đại dịch? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Bloomberg

Vào tháng 2 vừa qua, tổ chức OECD cho biết việc cập nhật các quy tắc thuế toàn cầu có thể đem lại cho ngân sách quốc gia 100 tỷ USD. Tuy khoản tiền này chẳng thấm vào đâu so với con số thâm hụt ngân sách 3,7 nghìn tỉ USD riêng trong năm nay của nước Mỹ nhưng đối với các nền kinh tế quy mô nhỏ hơn thì con số này cũng là đáng kể.

Năm ngoái, tổng thống Trump đã gửi một cảnh báo tới các bộ trưởng tài chính thế giới khi ông đe dọa sẽ áp thuế 100% đối với rượu vang, phô mai và đồ trang điểm trị giá 2,4 tỷ USD của Pháp để trả đũa việc chính phủ nước này đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số. "Nếu có ai đó muốn kiếm lời từ các công ty Mỹ, thì đó phải chính phủ Mỹ chứ không phải chính phủ Pháp", tổng thống Trump phát biểu hồi năm ngoái.

Các chính phủ đang cân nhắc liệu tổn thất dài hạn từ lời đe dọa áp thuế của tổng thống Trump có nhiều hơn nguồn thu hàng tỷ USD cho ngân sách từ việc áp thuế kỹ thuật số mới hay không. Các quốc gia cũng đang cân nhắc xem tầm ảnh hưởng về thuế quan của Trump đến đâu nếu nền kinh tế Mỹ không thể chịu đựng 1 làn sóng chiến tranh thuế quan toàn cầu mới.

"Tôi không chắc lời đe dọa của phía Mỹ đạt được hiệu quả như trước khi xảy ra đại dịch. Người Pháp rất không hài lòng với lời đe dọa này và nhiều quốc gia khác vẫn do dự. Bây giờ các nước đang dần dần tỏ rõ thái độ," ông Saint – Amans phát biểu trong một hội thảo trực tuyến gần đây.

Áp thuế kỹ thuật số cũng có thể gây tổn hại cho những nỗ lực của WTO nhằm tạo ra một thỏa thuận thương mại điện tử toàn diện nhằm thống nhất các quy định trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Liên minh châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và 46 thành viên WTO khác đang đàm phán xây dựng các quy tắc mới điều chỉnh việc sử dụng luồng dữ liệu xuyên biên giới, chính sách địa phương hóa dữ liệu, quyền riêng tư và an ninh mạng.

Kể từ năm 1998, 164 thành viên của tổ chức WTO đã định kỳ thống nhất không áp thuế đối với giao dịch điện tử. Quyết định này được gia hạn lần cuối vào tháng 12 năm ngoái và sẽ còn hiệu lực cho đến khi WTO tổ chức hội nghị bộ trưởng tiếp theo, hội nghị vừa bị hủy vì đại dịch COVID-19.

"Một số quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu, có xu hướng trông đợi nguồn thu từ các công ty kỹ thuật số. Do đó, nguy cơ không tuân thủ các quy định quốc tế về phân bổ thu nhập chịu thuế giữa các quốc gia sẽ tăng lên," ông Joe Kennedy, thành viên cao cấp tại Quỹ đổi mới và công nghệ thông tin có trụ sở tại Washington.

 Các quốc gia gặp khó về tài chính có thể khai thác kho báu 26 nghìn tỷ USD giữa thời đại dịch? - Ảnh 2.

Theo Thu Ngọc

Trí thức trẻ

Trở lên trên