Các rạp chiếu phim ở Trung Quốc ‘ngắc ngoải’ vì Covid-19: Phải bán bỏng ngô không kèm vé, cho thuê rạp làm chỗ chụp ảnh cưới để cầm cự
Trong khi đó, tuần này Netflix đã báo cáo tăng 29% doanh thu của quý I lên 5,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự gia tăng 23% thành viên trả phí.
- 26-04-2020Thương chiến và Covid-19 khép lại thời kỳ Trung Quốc là "công xưởng thế giới", Việt Nam đi đầu trong nhóm điểm đến mới
- 26-04-2020Khẩu trang, đồ bảo hộ như “bụi vàng” ở thị trường Trung Quốc
- 25-04-2020Một chiếc điều hòa trong nhà hàng Trung Quốc đã tạo ra ca siêu lây nhiễm COVID-19 cho 9 bệnh nhân như thế nào?
Thời gian gần đây, không ít rạp chiếu phim ở Trung Quốc đang phải bán bỏng ngô mà không kèm vé xem phim cũng như cho thuê địa điểm của mình để chụp ảnh cưới. Nguyên nhân một phần là vì người tiêu dùng đã chuyển sang Netflix và một số dịch vụ giải trí phát trực tuyến khác trong mùa dịch.
Các nhà phân tích dự đoán số lượng rạp phim đóng cửa sẽ tăng gấp đôi trong năm nay, sau khi 267 trong số 12.408 rạp phải ngừng hoạt động vào năm ngoái. Wanda Films, công ty điều hành 603 rạp chiếu phim tại Trung Quốc, đã cảnh báo về những tổn thất sâu sắc sau gần 100 ngày tạm ngừng hoạt động để ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19.
Sam Wang, một nhiếp ảnh gia ở Thiên Tân cho biết: "Hơn năm nhà điều hành rạp chiếu phim đã tiếp cận tôi trong tuần này, hỏi liệu tôi có khách hàng nào muốn chụp ảnh cưới trong rạp chiếu của họ hay không. Họ thực sự đã ngã quỵ".
Theo Wang, trước đây, chi phí chụp ảnh cưới có giá 500 tệ (70 USD) một giờ và chỉ diễn ra vào các buổi sáng trong tuần. Còn hiện tại, thời gian đã tăng lên hai giờ vào bất kỳ ngày nào trong tuần.
Biện pháp phong tỏa hàng loạt địa phương của chính phủ Trung Quốc đã thay đổi thói quen chi tiêu của người dân nước này. Từ mua hàng tạp hóa, làm việc, họp hành đến xem phim, hầu hết đều diễn ra qua internet.
Một nhà quản lý thuộc lĩnh vực truyền thông và viễn thông nhận định: "Đây là một mùa kinh doanh cay đắng của các rạp chiếu phim, đặc biệt là những nhà điều hành nhỏ ở các thành phố cấp thấp hơn. Số nơi phải đóng cửa sẽ tăng gấp đôi nếu họ không thể mở cửa trở lại trong hai tháng nữa".
Tháng vừa rồi, rạp Golden Harvest Yinhe hoạt động trong một trung tâm mua sắm cao cấp nhộn nhịp ở Thiên Tân đã tuyên bố đóng cửa hoàn toàn trước khi có thể mở cửa trở lại vì không thể gánh nổi chi phí vẫn phát sinh trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động.
Thời điểm này, một số nhà khai thác rạp chiếu phim đang bán vé xem phim với mức giảm 50% và được sử dụng trong tương lai. Họ cũng đang nới lỏng các điều khoản cho thuê địa điểm cho mục đích khác.
Ngoài ra, theo Rick Song, người làm việc tại một nhà sản xuất phim ở phía đông thành phố Nam Kinh cho biết các hãng phim thậm chí còn không đủ khả năng để cầm cự và chờ rạp phim mở cửa trở lại.
Để tăng tính kết nối với khán giả trong mùa dịch, các đơn vị đã tìm cách phát trực tuyến miễn phí trên một số nền tảng phổ biến ở Trung Quốc như Toutiao hay TikTok. Ví dụ như bộ phim hài "Lost in Russia" do Huanxi Media phát trực tuyến đã có 600 triệu lượt xem trong ba ngày đầu tiên.
Theo một cuộc khảo sát của Maoyan Entertainment, công ty sở hữu ứng dụng bán vé phim lớn nhất Trung Quốc, ngay cả khi được phép kinh doanh, các rạp chiếu phim ở đại lục vẫn có thể hoạt động dưới mức công suất vốn có.
Trong khi đó, tuần này Netflix đã báo cáo tăng 29% doanh thu của quý I lên 5,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự gia tăng 23% thành viên trả phí. Một chuyên gia nhận định: "Một khi mọi người đã quen và khám phá ra niềm vui của việc giải trí tại nhà, thật khó để mọi thứ trở lại như trước kia".
Tổ quốc