Các sản phẩm "Made in Vietnam" khẳng định vị thế
Tuần qua, nhiều trang báo quốc tế đưa đậm chủ đề về thương hiệu Made in Vietnam.
7 tháng đầu năm, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực sản xuất, vị thế của Việt Nam là một "trung tâm sản xuất đang lên" ngày càng được củng cố.
Các sản phẩm công nghệ " Made in Vietnam " đang khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử đều chung đánh giá là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam như một bằng chứng cho chất lượng.
"Apple, Samsung và Xiaomi đã chuyển dây chuyền lắp ráp của họ ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đất nước này" là nội dung bài viết có tiêu đề "Việt Nam được hưởng lợi từ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc" trên trang RetailNews.asia của Hong Kong (Trung Quốc).
Theo bài viết, hàng loạt những sản phẩm công nghệ như tai nghe không dây Airpods Pro 2 có thể được sản xuất tại Việt Nam vào giữa năm 2022 hay các mẫu điện thoại hàng đầu của Samsung như Galaxy Z Fold và Z Flip được sản xuất tại đất nước này.
Bên cạnh các bài viết về sản phẩm Made in Vietnam ngày càng có vị trí trên thị trường thế giới, "nhiều nhà sản xuất bị thu hút bởi Việt Nam nhờ nguồn lao động dồi dào và có tay nghề cao" là nhận định trong bài viết "Foxconn than trách các đối thủ Trung Quốc săn trộm nhân lực Việt Nam của mình" trên Bloomberg.
Theo bài viết, nguồn nhân lực chất lượng của Việt Nam, đáp ứng tốt yêu cầu của nhà đầu tư đang là nguyên nhân "cuộc chiến" giữa Foxconn và các đối thủ trong tranh tìm 160.000 lao động tại Việt Nam.
Ông Bruno Michael J Destombes, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Tập đoàn RCG Việt Nam, nhận định: "Với nguồn lao động với nhân lực dồi dào, chất lượng cao và được đào tạo rất bài bản, Việt Nam đã và đang cung cấp rất nhiều hàng hóa cho thị trường Mỹ - một trong những thị trường rất khó tính. Những sản phẩm này đa dạng về mẫu mã, có thể tùy chỉnh theo yêu cầu của khách hàng, chất lượng cao nhưng giá cả lại rất cạnh tranh. Tôi cho rằng những yếu tố này khiến hàng Việt Nam sẽ ngày càng được nâng cao vị thế trong thị trường Mỹ".
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KorCham) tại Việt Nam, cho biết: "Việt Nam trở thành nước sản xuất điện thoại hàng đầu của thế giới. Bây giờ Việt Nam có rất nhiều yếu tố, nhiều khả năng tiếp tục phát triển và Việt Nam cũng có thể trở thành nhà máy của thế giới và sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi đánh giá rất cao về chất lượng, dồi dào và sự khéo léo của lao động Việt Nam. Chính vì thế những lĩnh vực sản xuất may mặc, túi xách, giày dép cho đến điện tử cùng sự khéo léo của lao động VN đã dẫn đến các nhà đầu tư nước ngoài và Hàn Quốc rất quan tâm và tiếp tục mở rộng hoạt động của mình".
Ngày 1/7 vừa qua, công ty chứng nhận an toàn hàng đầu thế giới UL Solutions đã chính thức khai trương phòng thí nghiệm thứ 2 tại Việt Nam. Đây là thông tin được phản ánh trên trang ThaiPR của Thái Lan với những đánh giá đầy tiềm năng "phòng thí nghiệm này sẽ cung cấp các dịch vụ kiểm tra an toàn, hiệu suất, chất lượng, độ tin cậy và dịch vụ chứng nhận cho các nhà sản xuất trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, dây điện, cáp, đồ dùng và thiết bị điện của Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu và tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu".
Với phòng thí nghiệm mới tại Khu công nghiệp VSIP Hải Dương, sau phòng thí nghiệm ở TP Hồ Chí Minh, sẽ góp phần tạo thuận lợi trong cấp chứng nhận an toàn, đạt chuẩn quốc tế cho các sản phẩm Made in Vietnam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khi tuân thủ tốt các quy định, cũng như giảm rủi ro từ các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn và không an toàn.
VTV.VN