Các sếp ngân hàng lớn đang nhận thù lao thế nào?
Lãnh đạo Sacombank, VPBank, Techcombank, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank đều nhận thù lao rất cao, trong đó LienViertPostBank dẫn đầu với khoảng 5 tỷ đồng/người/năm.
Nhân viên, lãnh đạo ngân hàng xưa nay vẫn được coi là nhóm có mức thu nhập (lương, thưởng) cao so với nhiều ngành nghề khác.
Theo một báo cáo của Navigos Search trong quý IV/2017, mức lương tháng cao nhất tại Việt Nam thuộc về vị trí quản lý cấp cao trong một ngân hàng với 300 triệu đồng. Còn theo khảo sát của chúng tôi, nhiều ngân hàng đang chi trả mức thù lao trung bình cho các lãnh đạo trên 200 triệu đồng.
Chẳng hạn báo cáo tài chính của ngân hàng mẹ Sacombank cho thấy, năm vừa qua ngân hàng tăng thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát gấp hơn 2,5 lần so với năm 2016 lên 18,5 tỷ đồng. Trong khi đó, gần 20 người trong ban Giám đốc được chi trả tổng cộng hơn 54 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2016. Trung bình mỗi sếp tổng của ngân hàng này nhận về 2,9 tỷ đồng trong năm qua, tức khoảng 238 triệu đồng/tháng.
Tại VPBank, năm 2017 ngân hàng này chi tới 49 tỷ đồng để trả lương và phụ cấp khác cho các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban Tổng giám đốc, tăng 47% so với năm 2016.
Với 5 thành viên Hội đồng quản trị, 3 thành viên ban Kiểm soát và 9 thành viên Ban Tổng Giám đốc tính đến cuối năm 2017 thì trung bình một lãnh đạo cấp cao VPBank nhận về hơn 2,88 tỷ đồng lương và phụ cấp khác trong năm qua. Với những vị trí kiêm nhiệm như ông Nguyễn Đức Vinh (Thành viên HĐQT đồng thời là Tổng giám đốc), thù lao có lẽ cao hơn nhiều so với con số bình quân trên.
Một ngân hàng nữa có công bố thù lao cho các lãnh đạo cấp cao năm 2017 là Techcombank. Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2017 của ngân hàng này rất ấn tượng và vượt kế hoạch nhưng thù lao cố định thực hiện cho HĐQT và Ban kiểm soát giảm 2 tỷ so với dự định đầu năm xuống chỉ còn 29 tỷ đồng cho 11 thành viên. Ngoài ra, như đã thống nhất theo nghị quyết của ĐHCĐ, các thành viên HĐQT và BKS Techcombank không nhận thù lao thành tích năm 2017 và cũng có kế hoạch sẽ tiếp tục như vậy trong năm 2018.
Đến nay, còn nhiều ngân hàng dù chưa công bố chính thức mức thù lao cho các lãnh đạo cả năm 2017 nhưng theo nội dung ĐHĐCĐ mùa 2017 thông qua thì các con số nhận về cũng khá rõ ràng và rất cao.
Ví dụ như Vietcombank, tại ĐHĐCĐ năm 2017 đã thông qua mức thù lao đối với HĐQT và BKS năm 2017 là 0,35% lợi nhuận sau thuế. Với 8.847 tỷ đồng lãi sau thuế đạt được (ngân hàng mẹ), nhà băng này đã chi trả 31 tỷ đồng cho 7 thành viên HĐQT và 4 thành viên trong BKS. Như vậy, trung bình mỗi một lãnh đạo ở 2 ban này được nhận thù lao khoảng 2,8 tỷ đồng năm vừa qua.
Hay như BIDV chi 0,44% lãi sau thuế để trả thù lao cho HĐQT và BKS, thì số được nhận năm vừa rồi tương đương với 29,2 tỷ đồng tức trung bình mỗi lãnh đạo nhận được hơn 2,2 tỷ đồng năm vừa qua.
Hoặc trường hợp của LienVietPostBank được cổ đông quyết chi 40 tỷ đồng thù lao cho 8 thành viên HĐQT trong năm 2017, tức trung bình mỗi thành viên sẽ nhận 5 tỷ đồng thù lao. Đây cũng là con số cao nhất hiện nay.
Dù rằng các ngân hàng đều chỉ công bố mức chi thù lao chung cho các lãnh đạo chứ không tiết lộ cụ thể riêng vị trí nào, và cũng có sự chênh lệch đáng kể nhưng rõ ràng các số liệu ấy cũng cho thấy các lãnh đạo ngân hàng đang được nhận lương thưởng và đãi ngộ vào hàng bậc nhất so với nhiều ngành khác.
Trí Thức Trẻ