MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các tỉnh miền Trung ráo riết triển khai các dự án cao tốc qua địa bàn

Một đoạn Quốc lộ 26 kết nối Khánh Hòa - TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Báo Đầu tư

Một đoạn Quốc lộ 26 kết nối Khánh Hòa - TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Báo Đầu tư

Để sớm xây dựng các dự án cao tốc qua địa bàn, tỉnh Khánh Hoà cần chuyển đổi hơn 40ha rừng phòng hộ. Còn tỉnh Bình Định giao các đơn vị có liên quan rà soát, điều chỉnh đơn giá bồi thường, đền bù thỏa đáng cho người dân.

Khánh Hoà cần chuyển đổi hơn 40ha đất rừng phòng hộ

Theo Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, Dự án cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa có điểm đầu tại nút giao giữa QL26B và QL1, khu vực cảng Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hoà, Khánh Hòa); điểm cuối sẽ giao cắt đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột (thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk).

Dự án có tổng chiều dài khoảng 117,5 km (đoạn qua Khánh Hòa 33,2km, qua Đắk Lắk khoảng 84,3km), vận tốc thiết kế 100km/h.

Cũng theo Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà, sơ bộ phạm vi nhu cầu sử dụng đất của dự án đoạn qua địa bàn tỉnh khoảng 345ha. Trong đó, đất trồng lúa 2 vụ khoảng 88ha, đất nông nghiệp khác khoảng 124ha, đất rừng phòng hộ khoảng 40ha, đất khác khoảng 67ha... Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 364 hộ, số hộ tái định cư khoảng 280 hộ.

"Tổng diện tích chiếm dụng rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa khoảng 42,63ha. Trong đó, phân theo loại đất rừng thì đất rừng sản xuất khoảng 2,25ha; đất rừng phòng hộ khoảng 40,18ha", Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà cho hay.

Được biết, vào tháng 5, HĐND tỉnh Khánh Hòa có Nghị quyết cam kết phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 (ngân sách địa phương) để tham gia thực dự án dự kiến 348 tỷ đồng.

Đến ngày 16/6, Quốc hội ra Nghị quyết số 58 thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa -  Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 với 3 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Dự án thành phần 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa với chiều dài 32km, quy mô 4 làn xe, tổng mức khoảng 5.632 tỷ đồng; Dự án thành phần 2, đoạn qua địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk với chiều dài 37,5km, quy mô 4 làn xe hạn chế, tổng mức khoảng 9.818 tỷ; Dự án thành phần 3, đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk với chiều dài 48km, tổng mức đầu tư khoảng 6.485 tỷ.

Ngày 28/6, Bộ GTVT đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ Dự thảo các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư các Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ khẩn trương triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư tiếp theo của cơ quan chủ quản, xây dựng kế hoạch triển khai tổng thể để thực hiện dự án thành phần đoạn qua địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu tiến độ chung của toàn dự án.

Bình Định điều chỉnh đơn giá bồi thường

Trong khi đó tại Bình Định, UBND tỉnh này vừa có ban hành văn bản yêu cầu triển khai thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy về Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn và các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh.

Theo đó, đối với Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, điều chỉnh đơn giá chính sách bồi thường (nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả, cây cối, hoa màu...) hợp lý, đền bù thỏa đáng cho người dân, đảm bảo cho người dân xây dựng nơi ở mới không thấp hơn hiện trạng.

 Các tỉnh miền Trung ráo riết triển khai các dự án cao tốc qua địa bàn - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Bộ GTVT kiểm tra kiểm tra một số vị trí tại Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định. Ảnh: Thắng Phúc

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản chấp thuận mỏ vật liệu, bãi thải phục vụ Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn.

Hiện, 8/8 địa phương có liên quan của tỉnh đã hoàn thành việc rà soát xác định vị trí, quy mô bãi đổ thải vật liệu phục vụ dự án với 23 vị trí, diện tích khoảng 61,07ha và được UBND tỉnh chấp thuận về chủ trương.

Cụ thể, Hoài Nhơn 6 vị trí (diện tích 13,06ha); Phù Mỹ 2 vị trí (diện tích 8ha); Phù Cát 2 vị trí (diện tích 2,92ha); An Nhơn 1 vị trí (diện tích 0,77ha); Quy Nhơn 1 vị trí (diện tích 2,3ha); Hoài Ân 4 vị trí (diện tích 8,2ha); Tây Sơn 4 vị trí (diện tích 9,8ha).

Riêng 3 vị trí bãi thải trên địa bàn Tuy Phước (2 vị trí) và Quy Nhơn (1 vị trí), UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Ban Quản lý Dự án 85 phối hợp các địa phương tổ chức lấy ý kiến thống nhất cộng đồng dân cư để đề xuất UBND tỉnh xem xét chấp thuận.

Tổng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công theo yêu cầu của các chủ đầu tư là 13,66 triệu m3 đất san lấp; 1,739 triệu m3 cát xây dựng; 2,95 triệu m3 đá xây dựng.

Dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 qua tỉnh Bình Định dài hơn 118 km, tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng. Bao gồm 3 dự án thành phần là: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh.

Tổng diện tích đất dự án cần thu hồi để triển khai cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Định là 1.674 ha, bao gồm: 437,6 ha đất lúa; 32,6 ha đất rừng phòng hộ; 679,8 ha đất rừng sản xuất và 524 ha các loại đất khác. Dự kiến, có 1.439 hộ dân bị ảnh hưởng phải bố trí tái định cư và 2.910 ngôi mộ cần di dời… để triển khai dự án.

Theo Nguyễn Tri

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên