Cách nước Nhật phát triển du lịch từ việc cải thiện đơn vị con người
Nhắc đến Nhật, gần như ai cũng ao ước phải được đặt chân tới quốc đảo này một lần, không vì cảnh sắc nên thơ cùng hoa anh đào hay núi Phú Sĩ, mà còn được trải nghiệm tinh thần người Nhật.
- 09-03-2017Người phụ nữ quyền lực nhất Nhật Bản: Sống trong tầng lầu 30m2, không chồng và rất thích chó
- 15-02-2017Với chiếc máy này ngôn ngữ sẽ không còn là rào cản khi du lịch Nhật Bản
Cho đến tận bây giờ, 4 năm đã trôi qua, tôi chưa bao giờ quên được những giọt nước mắt của một người phụ nữ người Nhật trong cái ngày mà tôi, cùng hai người bạn nữa, chân ướt chân ráo tới xứ sở hoa anh đào xa xôi.
Ngày đó, tôi sang Nhật đi học, trường không có người đi đón, ba đứa tôi phải tự bắt tàu từ sân bay Narita về Tokyo, rồi lại từ Tokyo về tỉnh Saitama nơi chúng tôi sẽ sống và học tập.
Sau nhiều khó khăn, cuối cùng chúng tôi cũng về được đến ga tàu gần nơi ở, và bắt đầu phải tìm đến căn hộ theo địa chỉ đã được cung cấp lúc trước. Tuy nhiên việc tìm đến căn hộ không hề dễ dàng bởi cả ba chúng tôi, không một ai có điện thoại có 3G, Internet thì lại càng không. Cách duy nhất ở đây là sử dụng vốn tiếng Anh nghèo nàn, bập bẹ cố gắng hỏi hết người này đến người nọ trong âu lo thấp thỏm.
Bất chợt chúng tôi nhìn thấy một người phụ nữ khoảng đã ngoài 50 tuổi nhưng có dáng vẻ và phong cách ăn mặc khá hiện đại, đoán rằng bà ấy có thể nói được tiếng Anh. Chúng tôi tiến đến gần bà và nói rằng chúng tôi mới sang Nhật lần đầu, đang tìm đường về nhà, mong được bà giúp đỡ.
Không một lời ngại ngần, bà ấy cầm lấy địa chỉ mà chúng tôi đưa, gõ lên Google và cả ba chúng tôi bắt đầu đi. Lúc này đã 7 rưỡi tối, ngoài trời mưa nặng hạt. Sau khoảng nửa tiếng tìm kiếm nhưng vẫn không thấy địa chỉ như trên giấy. Cả đám thất thểu đành quay lại ga tàu lúc trước.
Chúng tôi khẩn nài bà hãy đi về cứ để chúng tôi tự tìm vì đã quá muộn mà trời lại mưa, nhưng bà từ chối, bà nói rằng bà muốn giúp hai người chúng tôi tìm cho bằng được chỗ ở.
Chúng tôi lại bắt đầu tìm lần thứ hai. Lần này, chúng tôi cố gắng tìm cẩn thận hơn, trời vẫn mưa tầm tã. Nhưng không hiểu vì lý do nào đó mà dù theo bản đồ chúng tôi đã đến đúng địa chỉ nhưng không thể tìm thấy căn hộ đó. Đồng hồ đã điểm 8 rưỡi tối, bà ấy vẫn cố gắng hỏi nhiều người xung quanh nhưng ai cũng lắc đầu. Điểm đến của chúng tôi vẫn tậm tà tậm tịt.
Và chúng tôi lại cùng tìm đến lần thứ 3, lúc đến địa điểm tương tự thêm một lần nữa nhưng vẫn không thấy căn nhà nào có tên giống như trên địa chỉ. Xung quanh đã quá muộn và trời mưa to thật là to, ba chúng tôi vẫn đứng ngoài trời không tìm được về đến nhà.
Bất ngờ, người phụ nữ Nhật nọ, tay luống cuống cầm tờ giấy địa chỉ, bật khóc nức nở và nói bằng tiếng Anh: "Tôi xin lỗi, tôi quá kém cỏi. Tôi không giúp được các bạn rồi".
Chúng tôi đứa nào cũng cảm thấy bối rối trước cảnh tượng không hề mong đợi này.
Tại sao bà lại phải khóc? Giữa chúng tôi với bà chỉ là những người xa lạ, nếu bà không giúp được chúng tôi, đơn giản bà chỉ cần chào và đi tiếp, chúng tôi cũng đâu có quyền trách móc gì. Ngày đầu tiên ở Nhật và cũng là lần đầu tiên chúng tôi được biết đến cái tính trách nhiệm cao của người Nhật.
Thật may là chuyện hôm đó đã có kết thúc đẹp. Sau khi khóc chán chê, bà cố gắng chạy xung quanh và tìm được một người sống ở khu vực đó đã lâu năm, người ta chỉ cho chúng tôi rằng địa chỉ của chúng tôi hoàn toàn đúng nhưng tòa nhà đã đổi tên trước đó chỉ vài tuần.
À, hoá ra đó là lý do mà chúng tôi không thể tìm thấy nơi ở. Cuối cùng thì sau 3 lần kiếm tìm quẩn quanh, cùng cả lít nước mắt của một con người xa lạ nhưng lại quá đỗi trách nhiệm kia, chúng tôi đã yên vị ở nơi mà trong 4 năm kế tiếp sẽ là mái nhà của mình. Đến tận bây giờ, chẳng ai trong 3 đứa có thể quên được những giọt nước mắt của người phụ nữ Nhật năm ấy - những giọt nước mắt đại diện cho tính trách nhiệm của cả một dân tộc.
Và từ đó, chúng tôi mới hiểu thấu cái sự tận tâm trong cách ứng xử thường ngày của người dân Nhật Bản. Tính trách nhiệm của người Nhật rất cao, từ trong các hoạt động thường nhật cho đến sự kỷ cương phép tắc trong công việc. Cũng bởi thế mà ngành dịch vụ tại đây tuyệt vời hơn cả, vui lòng khách đến, khách đi thì sung sướng hạnh phúc ngập tràn. Người ta còn nói vui với nhau rằng dù không phải bỏ tiền mua hàng, mua dịch vụ ở Nhật, bạn cũng vẫn được trải nghiệm cảm giác làm "thượng đế" đúng nghĩa.
Cụ thể, trong các trung tâm thương mại cũng như cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ trên đường phố, dù bạn chỉ đi qua thôi, không mua bán gì, nhân viên cũng luôn tươi cười chào đón bạn. Bạn vào hỏi han về hàng hóa khá lâu rồi bạn đi mà không mua hàng, nhân viên cũng vẫn luôn vui vẻ và cám ơn bạn đã xem hàng.
Vào một số khung giờ đông khách nhất định, thang máy luôn có nữ nhân viên ăn mặc đẹp, lịch sự sẵn sàng đứng bấm thang máy cho khách dù không nhận được một đồng tiền tip nào. Thậm chí nhiều người nước ngoài sống lâu năm ở Nhật cũng phải thốt lên: "Dù ở đây hàng năm trời và đi mua sắm không biết bao nhiêu lần nhưng tôi chưa bao giờ thấy một nhân viên bán hàng nào của Nhật mang gương mặt mệt mỏi."
Trung Mến, một kỹ sư công nghệ thông tin người Việt sang Nhật Bản công tác đã từng có dịp trải nghiệm sự tận tình trong khâu bán hàng của nhân viên tại đây. Anh kể rằng trong một lần đi mua thuốc, thực phẩm chức năng về nhà làm quà cho gia đình, anh may mắn gặp được một nữ nhân viên nói được tiếng Anh. Tuy nhiên, các sản phẩm mà anh tìm mua đã bán hết ở thời điểm ấy. Nữ nhân viên sau đó có bốc máy gọi điện cho các chi nhánh khác nhưng đều nhận được câu trả lời tương tự.
Những tưởng đó đã là hết lòng hết dạ với khách hàng, thế nhưng câu chuyện sau đó lại khiến cho anh Mến càng cảm phục hơn về tinh thần người Nhật.
"Tôi rất bất ngờ khi chị nhân viên bảo với tôi rằng chị sẽ dẫn tôi đi thêm các cửa hàng khác xung quanh để phiên dịch cho tôi vì tôi không biết tiếng Nhật. Chị chạy vào xin phép ông chủ, ông chủ đồng ý luôn và thế là thật bất ngờ, tôi có người phiên dịch dù tôi không hề nghĩ đến việc này trước đó.
Chị đã đưa tôi đi một vòng các cửa hàng lân cận, chọn cho đến khi tôi mua được đủ đồ cho gia đình. Tất cả mất đến gần 1 tiếng của chị và những nơi tôi mua đồ đều không phải cửa hàng thuộc hệ thống của cửa hàng chị. Tôi thấy cảm kích vô cùng".
Anh Mến có hỏi lại cô nhân viên lý do vì sao cô lại nhiệt tình với anh đến thế, dù cho việc đưa anh đi các cửa hàng khác để phiên dịch không hề đem lại lợi nhuận cho công ty cô làm việc, cũng chẳng mang đến thu nhập thêm cho cô. Câu trả lời mà nữ nhân viên người Nhật đó lại khiến anh Mến càng thêm cảm phục:
"Tôi biết chắc rằng nếu bạn đi một mình, sẽ mất rất nhiều thời gian để bạn mua đủ được ngần ấy hàng nên tôi muốn giúp bạn. Không phải nghĩ gì nhiều đâu, dù bạn tiêu tiền cho cửa hàng nào cũng là tiêu tiền cho nước Nhật."
Chuyến đi công tác của tôi đã qua được vài năm, nhưng Mến cho biết bạn chưa bao giờ quên được sự tận tình của chị nữ dược sĩ Nhật Bản đó.
Trong quan điểm kinh doanh của người Nhật, khách hàng chính là thượng đế, họ coi mỗi lần khách đến cửa hàng là một dịp để làm vừa lòng khách, dù khách có mua hàng hay không, mục đích cao cả nhất vẫn là tạo dựng hình ảnh hoàn hảo cho ngành dịch vụ Nhật Bản.
Kết quả, chính phương châm làm việc đúng đắn này đã góp phần quan trọng tạo nên thành công của ngành du lịch Nhật trong những năm gần đây. Nhắc đến Nhật, gần như ai cũng ao ước phải được đặt chân tới quốc đảo này một lần, không vì cảnh sắc nên thơ cùng hoa anh đào hay núi Phú Sĩ, mà còn được trải nghiệm tinh thần người Nhật.
Từ năm 2012, chính phủ Nhật đã chính thức đưa mục tiêu phát triển ngành du lịch lên thành một trong những mục tiêu quan trọng, vừa để kích cầu kinh tế và ngoài ra còn để tạo bước thềm chuẩn bị cho Olympic 2020. Với quan điểm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách, mỗi người dân là một đại sứ du lịch cùng sự hoàn hảo trong dịch vụ, ngành du lịch Nhật ngày càng có chiều hướng tăng trưởng chóng mặt.
Nếu như vào năm 2012, Nhật mới chỉ thu hút được 8,5 triệu khách du lịch nước ngoài thì đến năm 2014, con số này đã lên đến 13 triệu. Cũng trong năm 2014, mức chi tiêu của khách du lịch nước ngoài tại Nhật đạt 16,8 tỷ USD, tăng trưởng đến 43% so với năm 2013.
Đến năm 2015 và 2016, ngành du lịch Nhật tiếp tục tăng trưởng mạnh về cả số lượng du khách cũng như doanh thu. Năm 2016, chính phủ Nhật đặt mục tiêu thu hút 20 triệu khách du lịch, cuối cùng số lượng khách đã vượt xa mục tiêu, chính phủ Nhật nhờ vậy đã có thể nâng số lượng khách du lịch mục tiêu năm 2020 lên 40 triệu du khách.
Muốn cả quốc gia phát triển, cái đầu tiên phải làm chính là cải thiện từ đơn vị con người. Phải công nhận, Nhật Bản đã làm được điều này quá tốt.
Trí thức trẻ