MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn vào giấc mơ ô tô còn dang dở của cựu Thủ tướng Malaysia, Vinfast học được gì?

06-09-2017 - 12:43 PM | Tài chính quốc tế

Sau hơn 30 năm, những sai lầm chiến lược của Chính phủ cũng như bản thân Proton đã khiến giấc mơ ô tô của Malaysia trở nên dang dở. Dù nhận hơn 3 tỷ USD tiền trợ cấp, thương hiệu ô tô đầu tiên của Đông Nam Á đã gặp phải những rắc rối nghiêm trọng về mặt tài chính.

Ngày 2/9 vừa qua, công nghiệp ô tô Việt Nam chào đón sự tham gia của ông lớn Vingroup với sự kiện khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast trị giá 3,5 tỷ USD tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng. Đây được coi là cột mốc quan trọng đối với ngành ô tô Việt Nam bởi từ trước đến nay chúng ta vẫn đang khao khát 1 chiếc ô tô hoàn toàn "Made in Vietnam".

Cách đây hơn 30 năm, người Malaysia cũng từng mơ ước về 1 chiếc ô tô nội địa và đã cho ra đời dự án ô tô quốc gia với thương hiệu Proton. Ngành ô tô Malaysia cũng đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng đáng tiếc là vừa qua hãng xe từng được coi là biểu tượng của ô tô nội địa Malaysia đã phải bán gần một nửa cổ phần cho 1 công ty Trung Quốc để tìm đường sống sót. Câu chuyện này mang đến một số bài học hữu ích cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Khi còn ở trong những ngày tháng huy hoàng, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Malaysia Proton Holdings được coi là 1 niềm tự hào dân tộc. Đây còn là dấu ấn đậm nét nhất của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, người đã dẫn dắt đất nước trong suốt 2 thập kỷ, biến Malaysia thành 1 nước công nghiệp có thể sánh ngang với “những con hổ châu Á” như Hàn Quốc và Đài Loan.

Dự án thương hiệu ô tô quốc gia

Năm 1983, Chính phủ Malaysia do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo quyết định thành lập công ty sản xuất ô tô Proton Holdings như phần trọng tâm của chiến lược công nghiệp hóa đất nước. Ý tưởng của ông Mahathir là hãng xe này sẽ tạo ra một lượng việc làm lớn cho người dân Malaysia, mở đường tiếp cận những công nghệ tân tiến, phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ. Không chỉ có vậy, nhà lãnh đạo này muốn Proton xuất khẩu xe ra nước ngoài và trở thành biểu tượng của nền công nghiệp ô tô Malaysia.

Proton là kết quả của liên doanh giữa Chính phủ Malaysia và Mitsubishi Motors. Hãng xe Nhật Bản sở hữu 30% cổ phần, 70% còn lại thuộc về tập đoàn nhà nước DRB-Hicom.

2 năm sau, Saga - chiếc xe đầu tiên của Proton ra đời và đã đạt được thành công bước đầu. Chỉ có giá 18.000 ringgit (tức khoảng 100 triệu đồng), chiếc xe này đã bán rất chạy ở Malaysia và vài nước khác trong khu vực, đến nỗi cung không đủ cầu.

Tuy nhiên công nghệ nước ngoài vẫn đóng một vai trò quan trọng trong sản phẩm của Proton. Saga được phát triển dựa trên chiếc Lancer Fiore 4 cánh của Mitsubishi Motors. Sau này Mitsubishi cũng cung cấp nhiều linh kiện chính cho các mẫu xe của Proton. Đến cuối những năm 1990, Proton mới có thể tự mình phát triển các mẫu xe mới.

Sau khi tung ra chiếc xe nội địa hóa 100% vào năm 2000, Proton giúp Malaysia lọt vào nhóm 11 quốc gia trên toàn thế giới có thể tự thiết kế và sản xuất những chiếc xe ô tô đạt chuẩn quốc tế vào năm 2002. Hiện Proton tuyển dụng tới 12.000 lao động.

Ở thời kỳ huy hoàng nhất, thị phần của Proton ở Malaysia đạt đỉnh 74% vào năm 1993. Dù phần lớn doanh thu đến từ thị trường nội địa, Proton đã xuất khẩu sang nhiều thị trường châu Á và cả Anh, Úc. Trong những năm 1990 mạng lưới bán hàng của Proton bao phủ khắp thế giới, có mặt tại hơn 70 nước (tuy nhiên hiện nay đã bị thu hẹp).

Năm 1992, cổ phiếu Proton lên sàn. Tháng 7/1993, Proton cho xuất xưởng chiếc xe thứ 500.000.

Sự thành công của Proton cũng mở đường cho hàng loạt các hãng xe nội địa khác đã được thành lập tại Malaysia như Perodua, Tan Chong Motor, Inokom, Bufori, Naza, góp phần giúp nước này trở thành hình mẫu phát triển ngành ô tô nội địa cho khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, những sai lầm chiến lược của Chính phủ cũng như bản thân Proton đã khiến giấc mơ ô tô của Malaysia trở nên dang dở. Dù nhận hơn 3 tỷ USD tiền trợ cấp, thương hiệu ô tô đầu tiên của Đông Nam Á đã gặp phải những rắc rối nghiêm trọng về mặt tài chính. Mùa hè vừa qua, Proton đã phải bán một nửa cổ phần cho hãng Geely của Trung Quốc để có thể giữ cho các nhà máy mở cửa và phát triển những mẫu xe mới.

Những bài học hữu ích để giấc mơ ô tô không còn dang dở

Trước tiên phải nói rằng Proton đã khá “xui xẻo” khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính châu Á thời kỳ cuối những năm 1990. Số xe hơi được bán ra ở Malaysia đã giảm mạnh từ 404.000 chiếc trong năm 1997 xuống chỉ còn 163.000 chiếc trong năm 1998. Doanh thu và lợi nhuận của Proton vì đó cũng lao dốc theo, trong đó lợi nhuận ròng sụt giảm tới 41%.

Trong phần lớn lịch sử của hãng, Proton được hưởng quá nhiều ưu đãi từ chính sách bảo hộ của Chính phủ. Xe nhập phải chịu thuế lên tới 300%. Bên cạnh đó những người tiêu dùng chọn xe nội địa sẽ được hưởng khoản vay ưu đãi có thời hạn lên tới 9 năm. Proton còn được hưởng nhiều ưu đãi về thuế và được hỗ trợ chi phí nghiên cứu. Chính mức độ ưu đãi quá lớn khiến Proton không thể cạnh tranh khi có đối thủ xuất hiện.

Từ chỗ chiếm 74% lượng xe mới bán ra ở Malaysia trong năm 1993, đến năm 2016 tức 1 thập kỷ sau khi Chính phủ giảm thuế đánh vào xe nhập theo cam kết của hiệp định tự do thương mại ký kết với các nước ASEAN, con số giảm xuống chỉ còn 12,5%. Ngoài ra Proton cũng bị 1 hãng xe nội địa khác là Perodua, công ty ô tô ra đời năm 1993.

Thương vụ thâu tóm thương hiệu xe thể thao đến từ nước Anh Lotus Cars cũng là một thất bại của Proton. Năm 1996, Proton mua lại Lotus với giá 51 triệu bảng Anh nhưng kể từ đó đến nay vẫn không thể tạo được uy tín trong lòng người tiêu dùng. Đến cuối năm 2016, Lotus chỉ bán được 339 chiếc ở ngay tại nước Anh.

Thương vụ bỏ 77 triệu USD mua hãng MV Agusta của Italy năm 2004 cũng không mang lại quả ngọt. Sau khi không thể hồi sinh doanh thu và giải quyết nợ nần của Agusta, chỉ 1 năm sau Proton đã phải bán cổ phần ở đây với giá rẻ mạt 1 euro.

Trong bối cảnh công nghệ sản xuất ô tô thay đổi rất nhanh chóng, Proton khó lòng có thể bắt kịp với công tác R&D của những hãng xe hàng đầu thế giới đã có quy mô khổng lồ như Toyota hay Volkswagen. Đây không chỉ là thách thức của riêng Proton mà ngay cả những hãng xe từng là biểu tượng 1 thời của các nước phát triển như Anh, Thụy Điển cũng đã bị các ông lớn trong ngành ô tô thế giới thâu tóm trong 30 năm qua.

Cựu Thủ tướng Mahathir đã kịch liệt phản đối thương vụ bán Proton cho hãng xe Trung Quốc Geely. “Đó không chỉ đơn thuần là 1 chiếc xe ô tô mà là cả ngành công nghiệp ô tô của Malaysia. Một đất nước không có kỹ năng thiết kế, chế tạo sẽ không bao giờ có thể trở thành 1 nước phát triển”, ông nói.

Tuy nhiên, theo Peter Mumford, chuyên gia tại hãng tư vấn Eurasia Group, tầm nhìn của cựu Thủ tướng Mahathir chỉ tập trung ở những mô hình công nghiệp hóa truyền thông trong khi thế mạnh của Malaysia nằm ở các ngành dịch vụ và công nghiệp nhẹ chứ không phải công nghiệp ô tô. Ở ngay bên cạnh Malaysia, nước láng giềng Thái Lan đã thông minh hơn khi không bao giờ áp dụng chính sách thương hiệu ô tô quốc gia mà rất cởi mở chào đón nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các hãng ô tô Nhật Bản. Kết quả là công nghiệp ô tô Thái Lan sản xuất được gần 2 triệu chiếc trong năm ngoái, gấp 4 lần của Malaysia.

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên