MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cai nghiện" năng lượng: Châu Âu sẽ ra sao nếu "nghỉ chơi" với nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga?

22-03-2022 - 10:06 AM | Tài chính quốc tế

"Cai nghiện" năng lượng: Châu Âu sẽ ra sao nếu "nghỉ chơi" với nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga?

Đức, Ý và các quốc gia EU khác đang phải đối mặt với những khó khăn khi quyết tâm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Rehden là một ngôi làng yên bình nằm ở phía tây bắc nước Đức, có cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên lớn nhất Tây Âu dưới lòng đất, trải dài tương đương 910 sân bóng đá và chiếm 1/5 khả năng lưu trữ khí đốt của Đức, thuộc sở hữu và điều hành của Gazprom, tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga. Nơi này có thể cung cấp chìa khóa để giải đáp cho câu hỏi Châu Âu sẽ khó khăn như thế nào khi "cai nghiện" năng lượng của Nga.

Gazprom kiểm soát một phần ba kho chứa khí đốt của Đức, Áo và Hà Lan. Điều đáng nói là công ty đã hạ lượng khí tại các bồn chứa ở Rehden và các địa điểm khác của EU xuống mức thấp bất thường vào năm ngoái. Hành động này rõ ràng là nhằm siết chặt nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu.

Theo các nhà kinh tế, căng thẳng gia tăng đã cho thấy việc Đức, Ý và phần lớn châu Âu phụ thuộc nặng nề vào năng lượng của Nga là một chiến lược sai lầm. Nga cung cấp hơn 40% lượng khí đốt và than nhập khẩu, cùng một phần tư lượng dầu thô của EU.

Veronika Grimm, giáo sư kinh tế tại Đại học Erlangen-Nuremberg, người tư vấn cho chính phủ, cho biết: "Ở Đức, có một vấn đề nhỏ là chúng tôi luôn tập trung vào một giải pháp và dựa vào nó gần như hoàn toàn. Có lẽ bây giờ chúng tôi đã tỉnh ngộ".

Với ngày càng nhiều lời kêu gọi rằng châu Âu nên ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga, các chính phủ hiện đang tìm kiếm những giải pháp thay thế. Đây là một phần trong nỗ lực của toàn EU nhằm cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của khối từ Nga trong năm tới.

Jörg Kukies, cố vấn kinh tế hàng đầu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cho biết: "Đó là vấn đề hàng đầu: vạch rõ giới hạn và đảm bảo các hợp đồng không dính líu với Nga. Khi các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị cho tình trạng thiếu khí đốt tiềm ẩn và tìm cách xây dựng cơ sở hạ tầng để đa dạng hóa khỏi Nga, châu Âu đang phải đối mặt với một số câu hỏi hóc búa về an ninh năng lượng.

Nguồn cung cấp của Nga cho châu Âu có thể bị cắt?

Không thể loại trừ một "cú sốc" năng lượng như vậy. Ba Lan đã thúc giục EU cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu năng lượng từ Nga, trong khi Moscow đe dọa cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt. Nhưng trong khi Đức đình chỉ đường ống Nord Stream 2, nước này lại phản đối các lời kêu gọi cấm vận toàn bộ đối với năng lượng Nga, ông Scholz gọi việc tiếp tục cung cấp là "cần thiết".

Leonhard Birnbaum, giám đốc điều hành của Eon, công ty năng lượng lớn nhất của Đức, đã tán thành quan điểm của ông Scholz vào tuần trước, nói: "Trong thời gian ngắn, không có khí đốt của Nga là việc bất khả thi - nền kinh tế châu Âu có thể sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng".

Cai nghiện năng lượng: Châu Âu sẽ ra sao nếu nghỉ chơi với nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga? - Ảnh 1.

Đức và Ý vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga

Hóa đơn năng lượng hàng ngày của châu Âu cho Moscow là khoảng 800 triệu euro. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc giục Berlin cắt đứt các liên kết kinh tế với Nga. Một cuộc thăm dò của YouGov trong tháng này cho thấy 54% người Đức ủng hộ phong trào tẩy chay năng lượng của Nga.

Gerhard Mangott, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Innsbruck, cho biết Nga kiếm được 23% thu nhập nhà nước từ việc đánh thuế xuất khẩu dầu, trong khi thuế khí chỉ đóng góp 8%. Ông nói: "Tôi nghĩ châu Âu sẽ cắt nguồn cung cấp dầu từ Nga, nhưng tôi không chắc về việc họ sẽ cắt khí đốt. Dù sao thì Moscow cũng có thể trả đũa bằng cách cắt khí đốt".

Hầu hết các nước châu Âu đều có kế hoạch khẩn cấp để đối phó với tình trạng thiếu khí đốt bằng cách ưu tiên nguồn cung gia dụng và cắt giảm sản xuất trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng. Bruegel, một tổ chức tư vấn, ước tính việc ngừng nhập khẩu từ Nga sẽ khiến châu Âu không thể nạp đầy các thùng chứa trước mùa đông tới và buộc phải cắt giảm từ 10 đến 15% mức sử dụng năng lượng thông qua việc phân bổ khẩu phần.

Ngân hàng Trung ương châu Âu ước tính việc ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga có thể sẽ làm giảm 1,4 điểm phần trăm so với tăng trưởng của khu vực đồng euro trong năm nay, giảm xuống còn 2,3%. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Học viện Khoa học Quốc gia Đức Leopoldina đã kết luận rằng "nền kinh tế Đức vẫn có thể trụ vững trong một thời gian ngắn nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt" và việc phân bổ có thể sẽ không cần thiết.

Đức có thể "cai nghiện" năng lượng của Nga?

Điều này thật không dễ dàng. Theo Ngân hàng Thế giới, Đức nhập khẩu khoảng 60% tổng năng lượng sử dụng. Một nửa lượng khí đốt và than cứng nhập khẩu của Đức đến từ Nga, và cũng cung cấp một phần ba lượng dầu nhập khẩu của nước này. Theo một nghiên cứu gần đây của Econtribute, một nhóm nghiên cứu được thành lập bởi các trường đại học Bonn và Cologne, Đức sẽ phải vật lộn để nhanh chóng tìm nguồn thay thế cho khí đốt của Nga.

Cai nghiện năng lượng: Châu Âu sẽ ra sao nếu nghỉ chơi với nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga? - Ảnh 2.

Khoảng một nửa lượng khí đốt và than nhập khẩu, cùng một phần ba lượng dầu nhập khẩu của Đức có nguồn gốc từ Nga

Đức dùng khí đốt cho khoảng một phần tư sản lượng điện và cũng sử dụng để sưởi ấm cho các hộ gia đình, kiểm soát nhiệt độ trong công nghiệp và sản xuất hóa chất. Khí tự nhiên hóa lỏng có thể hữu ích, nhưng sẽ rất tốn kém: Đức không có kho LNG và sẽ phải nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Trong khi EU hiện tại nhập khẩu khí đốt có khả năng tạo ra 1.768TWh từ Nga, nghiên cứu của Leopoldina ước tính khối này chỉ có khả năng tăng nhập khẩu LNG tương đương 1.100TWh với cơ sở hạ tầng hiện tại. Robert Habeck, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức, cho biết ông đã đạt được thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn với Qatar.

Ý có "chung thuyền" với Đức không?

Người Ý đã bỏ phiếu áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý quốc gia năm 1987 để áp đặt lệnh cấm phát triển điện hạt nhân. Năng lượng tái tạo chỉ cung cấp 11 đến 12% nhu cầu năng lượng của Ý, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Châu Âu là 22%. Với lượng khí đốt bao phủ 40% nhu cầu năng lượng của nước này, trong đó 40% lượng khí đốt đến từ Nga, việc Ý muốn giảm bớt sự phụ thuộc sẽ mất nhiều thời gian.

Roberto Cingolani, Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi sinh thái cho biết: "Chúng tôi không có sự kết hợp năng lượng tốt. Những sai lầm mà đất nước đã gây ra trong nhiều thập kỷ không thể sửa chữa trong một năm".

Sản lượng khí đốt trong nước của Ý đã giảm mạnh, từ khoảng 20 tỷ mét khối một năm, xuống chỉ còn 3,7 tỷ mét khối một năm, chủ yếu là do những lo ngại về môi trường. "Chúng tôi đã giảm sản lượng khí đốt trong nước nhưng lại tăng cường nhập khẩu", ông Cingolani nói. "Liên tục tác động đến môi trường, và chúng tôi đã tự làm hỏng nền kinh tế".

Làm thế nào để châu Âu thoát khỏi mối quan hệ năng lượng với Nga?

Đức đang thúc đẩy thông qua luật yêu cầu tất cả các cơ sở lưu trữ khí đốt phải được lấp đầy ít nhất 90% vào tháng 12, tăng hơn nhiều so với mức chỉ 25% hiện nay. Nếu cần thiết, chính phủ sẽ đứng ra mua, như một phần trong kế hoạch của EU nhằm tăng cường dự trữ khí đốt.

Berlin cũng hy vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng ba kho LNG. "Theo tính toán thông thường sẽ là 5 năm", ông Kukies nói. "Chúng tôi đã giảm xuống còn ba và chúng tôi nghĩ rằng có thể hoàn thành trong hai năm, thậm chí có thể nhanh hơn".

Tăng cường đầu tư vào các nguồn tái tạo, chẳng hạn như gió và mặt trời, vốn đã sản xuất hơn 19% nhu cầu năng lượng của Đức, là một phần của kế hoạch dài hạn. Berlin đã loại trừ việc kéo dài tuổi thọ của ba nhà máy điện hạt nhân còn lại. Thay vào đó, Đức muốn đẩy mạnh sản xuất từ ​​các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nâu. Ferdi Schüth, phó chủ tịch của Viện Max Planck, cho biết lượng khí thải CO2 cao hơn từ việc đốt than sẽ được bù đắp bởi hệ thống thương mại khí thải của EU.

Cingolani cho biết Rome đã đạt được các thỏa thuận sơ bộ từ các công ty xuất khẩu khí đốt lớn, cho 16 tỷ đến 18 tỷ mét khối một năm, tương đương với khoảng một nửa lượng nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, việc khai thác những nguồn cung cấp đó cũng sẽ đòi hỏi phải thuê hai kho nổi chứa và tái khí hóa với chi phí từ 36 triệu đến 54 triệu euro một năm.

Ý cũng đang tăng tốc phê duyệt các dự án tái tạo quy mô lớn, nhưng việc đưa năng lượng mới vào sử dụng sẽ mất nhiều thời gian. "Thật không may, một ngày không đủ để sửa chữa bất cứ thứ gì", ông Cingolani cảm thán.

https://cafef.vn/cai-nghien-nang-luong-chau-au-se-ra-sao-neu-nghi-choi-voi-nguon-nhien-lieu-hoa-thach-cua-nga-20220322084126512.chn

Linh Chi

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên