Cải tạo chung cư cũ ở TPHCM: Thừa giải pháp trên giấy, thực tế vẫn tắc
Để có thể đạt được mục tiêu đề ra là từ nay đến năm 2020, ít nhất 50% trên tổng số 474 các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 được cải tạo sửa chữa, lãnh đạo TPHCM đã liên tục đưa ra nhiều giải pháp, tuy nhiên cho đến nay thực tế mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.
- 24-08-2017Cải tạo chung cư cũ Hà Nội: Vẫn loay hoay bài toán cân đối lợi ích nhà đầu tư
- 11-04-2017“Ông lớn, ông bé” nào được cải tạo chung cư cũ Hà Nội?
- 25-03-2017Tìm giải pháp cải tạo chung cư cũ
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thời gian qua, trong số 14 chung cư kiểm định loại D thuộc diện bắt buộc xây mới thì có 4 chung cư hư hỏng cấp độ nguy hiểm, 10 chung cư hư hỏng nặng. Tuy nhiên, đến nay chưa có quận nào lập và phê duyệt kế hoạch cải tạo, sửa chữa.
“Đi thực tế thấy cũng có cái khó là nếu chung cư có chủ sở hữu là Nhà nước thì ngân sách phải chi, nhưng giờ Nhà nước đã bán, căn hộ thuộc sở hữu tư nhân. Cái khó là ban quản trị và địa phương phải phối hợp tuyên truyền, vận động chủ sở hữu căn hộ tham gia như thế nào để có kinh phí sửa chữa, cải tạo chung cư” - ông Trọng Tuấn khẳng định.
Lãnh đạo một số quận - huyện cũng cho biết, nguyên nhân chủ yếu do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tình trạng phổ biến là một bộ phận người dân không đồng ý với phương án bồi thường, dù số đông đã đồng thuận dẫn đến dự án bị chững lại. Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) theo quy định hiện hành mất rất nhiều thời gian, chưa hợp lý. Chỉ tiêu quy hoạch áp dụng để xây dựng lại nhà chung cư cũ, hư hỏng chưa tạo điều kiện để NĐT thu hồi vốn.
Mặt khác, do chưa có cơ chế, chính sách phù hợp nên DN, NĐT chưa mặn mà tham gia. Hiệu quả kinh doanh vẫn là bài toán khó cho NĐT tham gia xây dựng lại chung cư cũ bởi lợi nhuận bị khống chế 10%. Đặc biệt, quy định những hộ có 2 sổ hộ khẩu trở lên được ưu tiên mua căn hộ mới tại DA theo giá bán kinh doanh thỏa thuận với chủ đầu tư cũng khiến người dân lo chủ đầu tư đưa ra giá bán căn hộ ở DA mới quá cao, khó đáp ứng được.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa đưa ra một giải pháp thí điểm mới đó là giao Sở KH&ĐT đề xuất phương án đấu thầu lựa chọn NĐT thực hiện DA chỉnh trang đô thị theo hình thức xây dựng - chuyển giao. Cụ thể sẽ thực hiện lựa chọn theo hình thức đấu thầu với 2 NĐT trở lên đăng ký làm chủ đầu tư. Giải pháp này kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho một “cuộc cạnh tranh đối xứng” của mọi đối tượng khi tham gia đấu thầu.
Lao động