Cảm thấy 'xấu hổ', nhiều người châu Âu bỏ máy bay để đi tàu
Ảnh: CNN
Người châu Âu đang cảm thấy xấu hổ khi sử dụng một phương thức đi lại ngốn quá nhiều nhiên liệu nhưng liệu điều đó đã đủ để tạo ra thay đổi cho môi trường?
- 11-03-2023Buồn của 1 nhà băng: SVB tận tụy phục vụ 40 năm nhưng sụp đổ chóng vánh
- 11-03-2023Giám đốc SVB bán 3,6 triệu USD cổ phiếu ngay trước khi ngân hàng 'sụp đổ': Sắp xếp trước hay vô tình?
- 11-03-2023Tâm lý bất an khiến các nhà đầu tư bán cổ phiếu ngân hàng ở Mỹghi rõ ở thị trường nào
Kể từ khi phong trào “xấu hổ khi đi máy bay” bắt đầu khuyến khích du khách tìm kiếm các giải pháp thay thế xanh hơn máy bay phản lực, nhiều người ở châu Âu đã tìm đến mạng lưới đường sắt rộng lớn của lục địa này.
Việc này quả thật có sức ảnh hưởng. Một số quốc gia như Áo và gần đây là Pháp đang tìm cách hạn chế các chuyến bay nội địa nếu như tuyến đường đó đã có tàu.
Đây là bối cảnh của một cuộc cách mạng đường sắt đang diễn ra ở châu Âu. Rất nhiều đầu tư được đổ vào đường sắt. Dường như yếu tố còn lại chỉ còn là vấn đề thời gian để lục địa này dần dựa vào những con đường bằng sắt và trả lại cho bầu trời sự trong xanh.
Trên thực tế, vấn đề không chỉ có vậy.
Nói nhiều làm ít
Năm nay, Pháp đã có một khởi đầu mạnh mẽ khi hứa hẹn sẽ cấm các chuyến bay ngắn trên một số tuyến nội địa để giúp nước này cắt giảm mức độ ô nhiễm đang làm nóng hành tinh. Thế nhưng, mặc dù đã được các quan chức EU thông qua, các biện pháp này không mang lại nhiều tác động.
Để lệnh cấm được áp dụng, EU khẳng định những tuyến đường hàng không được đề cập đến phải có giải pháp thay thế bằng đường sắt cao tốc để có thể di chuyển giữa hai thành phố trong vòng chưa đầy 2 tiếng rưỡi. Bên cạnh đó, còn cần phải có đủ các chuyến tàu chạy sớm và chạy muộn để phục vụ các nhu cầu đa dạng của hành khách.
Trên thực tế chỉ có 3 tuyến đường bị loại bỏ: Những tuyến đường nối sân bay Paris-Orly với các thành phố Bordeaux, Nantes và Lyon.
Theo các nhà phê bình, kết quả của những hứa hẹn vẫn sẽ chỉ là lời nói suông mà thôi. Đây chỉ là cách bày tỏ những lo ngại về khí hậu nhưng không thực sự bắt tay vào làm gì cả.
Ảnh: CNN
Giám đốc hàng không của nhóm chiến dịch giao thông sạch hơn Transport & Môi trường (T&E) Jo Dardenne cho biết: “Lệnh cấm các chuyến bay của Pháp là một động thái mang tính biểu tượng, nhưng sẽ có rất ít tác động đến việc giảm lượng khí thải.”
T&E đã ước tính rằng ba tuyến đường bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm chỉ chiếm 0,3% lượng khí thải do các chuyến bay cất cánh từ lục địa Pháp tạo ra và 3% lượng khí thải của các chuyến bay nội địa của đất nước.
Tiêu chuẩn kép
Về mặt tích cực, mặc dù mang lại tác động hạn chế nhưng quyết định của Pháp đã tạo ra một tiền lệ mà ngành hàng không khó có thể khước từ bởi công chúng và các chính trị gia đang giám sát tình hình rất kỹ càng.
Pháp không phải quốc gia châu Âu đầu tiên có quan điểm cứng rắn với các chuyến bay siêu ngắn. Vào năm 2020, chính phủ Áo đã cứu trợ hãng hàng không quốc gia với điều kiện hãng này phải loại bỏ tất cả các chuyến bay mà nếu đi bằng đường sắt thì hành trình có thể mất ít hơn 3 giờ.
Cùng năm đó, chính phủ cũng đưa ra mức thuế 30 euro (32 USD) đối với tất cả các chuyến bay dưới 350 km khởi hành từ các sân bay của Áo.
Các quốc gia châu Âu khác được cho là cũng đang xem xét hạn chế các chuyến bay thương mại chặng ngắn. Đây là một động thái được hoan nghênh vì theo một cuộc khảo sát vào năm 2020, 62% công dân châu Âu ủng hộ lệnh cấm các chuyến bay chặng ngắn. Tây Ban Nha đã vạch ra kế hoạch cắt giảm các chuyến bay mà hành trình tàu hỏa mất ít hơn 2,5 giờ vào năm 2050.
“Đối với nhiều người ra quyết định, việc cấm các chuyến bay ngắn và thể hiện sự ủng hộ đối với ngành đường sắt là một chiến thắng dễ dàng để giành được sự ủng hộ của công chúng, đặc biệt là ở châu Âu,” tổng giám đốc của ERA là Montserrat Barriga nói với CNN.
Tuy nhiên, một câu chuyện khác lại nảy sinh. Có người cho rằng dường như châu Âu đang tạo ra tiêu chuẩn kép khi hạn chế các chuyến bay đường ngắn và loại bỏ dần các khoản trợ cấp carbon cho các chuyến bay ở châu Âu trong khi không thực hiện các bước quan trọng nào để hạn chế các chuyến bay đường dài vốn tạo ra nhiều khí thải nhất trên toàn cầu.
Cuộc tranh luận có vẻ sẽ tiếp tục diễn ra trong vài năm tới trong khi các thông số về môi trường, xã hội, kinh tế, chính trị và công nghệ tiếp tục thay đổi.
Tham khảo CNN
Nhịp Sống Thị Trường