EU bật đèn xanh cho thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp
Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã đề xuất những biện pháp mới hiệu quả để thanh toán khí đốt cho Nga theo đúng hợp đồng, đồng thời không vi phạm các lệnh trừng phạt.
- 31-03-2022Giá khí đốt tăng hơn 12% trong một ngày
- 26-03-2022Yêu cầu của Nga thanh toán khí đốt bằng tiền rúp liệu có khả thi?
- 26-03-2022Điều gì sẽ xảy ra nếu dầu và khí đốt từ Nga ngừng chảy vào EU?
Ngày 22/4, Ủy ban châu Âu (EC) ra một văn bản hướng dẫn không ràng buộc về pháp lý cho biết các công ty EU có thể vẫn thanh toán bằng đồng euro hay USD và sau đó tiền này được chuyển đổi sang đồng rúp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU với Nga.
Theo văn bản hướng dẫn của EC, các công ty có thể bổ sung vào các giao dịch tuyên bố họ coi mình đã hoàn tất các nghĩa vụ hợp đồng một khi đã thanh toán bằng ngoại tệ (không phải đồng rúp).
Moscow đã ban hành sắc lệnh mới vào đầu tháng 4 để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong đó yêu cầu các nước "không thân thiện" phải "thanh toán cho khí đốt của Nga bằng đồng rúp". Về cơ bản, chính sách mới này yêu cầu các nhà nhập khẩu khí đốt phải gửi tiền thanh toán bằng đồng euro và USD vào tài khoản tại ngân hàng Gazprombank. Sau đó, những khoản tiền này sẽ được chuyển đổi thành rúp để hoàn tất các khoản thanh toán.
Sắc lệnh của Điện Kremlin được đưa ra như một phản ứng không chỉ đối với các lệnh trừng phạt chống Nga mà còn đối với quyết định của các chính phủ phương Tây trong việc phong tỏa bất hợp pháp tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bằng ngoại tệ gửi ở nước họ. Moscow gần đây đã tuyên bố sẽ kiện các chính phủ này và đấu tranh để giải phóng các khoản tiền.
EC cho rằng các quy trình thanh toán bằng đồng rúp Nga yêu cầu không nhất thiết vi phạm các lệnh trừng phạt của EU. Dù vậy, EC cũng nhấn mạnh "các thủ tục thanh toán theo yêu cầu của Nga hiện chưa rõ ràng".
Tài liệu hướng dẫn của EC cho biết có một số phương án để các công ty EU tiếp tục thanh toán khí đốt cho Nga theo cách hợp pháp. Chẳng hạn các công ty EU có thể đề nghị đối tác Nga hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy trình trước khi có nghị định thanh toán bằng đồng rúp. Như vậy, họ vẫn có thể trả các khoản đến hạn bằng euro hoặc USD.
Theo Hãng tin Reuters, người phát ngôn của EC khuyến khích các công ty nên duy trì việc thanh toán bằng đồng tiền đã được thống nhất trên hợp đồng với Công ty năng lượng Gazprom của Nga. Theo đó, 97% là được thanh toán bằng euro hoặc USD.
Tài liệu cho biết, việc trừng phạt của EU với Nga không cấm các công ty mở tài khoản với ngân hàng Gazprombank hoặc liên hệ với ngân hàng để tìm kiếm giải pháp phù hợp.
Danh sách các nước nhập khẩu khí đốt Nga năm 2020.
Giới chức châu Âu vẫn đang nỗ lực thực hiện các biện pháp gây sức ép buộc Nga phải chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine. Một số nước đề xuất chấm dứt khẩu dầu mỏ và khí đốt, nguồn thu quan trọng của Nga.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia phản đối, cho rằng động thái này sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế của họ nhiều hơn Nga. Châu Âu hiện nhập khẩu 40% lượng khí đốt từ Nga.
Hôm 15/4, 5 tổ chức kinh tế lớn nhất của Đức đã cảnh báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể rơi vào suy thoái nếu nguồn cung khí đốt bị chặn. Tác động thậm chí sẽ lan rộng ra khắp châu lục.
Theo cơ quan thống kê châu Âu, Đức đã mua 58,9% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ từ Nga vào năm 2020. Nếu nguồn cung năng lượng của Nga sang châu Âu bị chặn đứng, theo các tổ chức kinh tế Đức, tăng trưởng GDP nước này sẽ bị thu hẹp còn 1,9% trong năm nay.
Đến năm 2023, nền kinh tế thậm chí còn sụt giảm 2,2%. Lạm phát sẽ vọt lên mức kỷ lục 7,3%. Năm 2023, lạm phát có khả năng đạt 2,8% và thậm chí chạm ngưỡng 5% vì gián đoạn nguồn cung.
Áo hôm 23/4 cho biết nước này sẽ không ủng hộ việc áp đặt lệnh nhập khẩu khí đốt của Nga vì điều đó sẽ gây hại cho Vienna nhiều hơn là Moskva. Tuần trước, thủ tướng Áo Karl Nehammer nói rằng lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ không được Áo, Đức và Hungary ủng hộ.
Mỹ không phụ thuộc vào khí đốt Nga như châu Âu. Tuy nhiên, nỗi lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đe dọa nguồn cung khí đốt của Nga. Chẳng hạn, hôm 22/2, Đức đã tuyên bố tạm dừng dự án Nord Stream 2 - dự án trị giá 11 tỷ USD được ra đời nhằm tăng gấp đôi dòng khí đốt giữa Nga và Đức. Điều này đẩy giá khí đốt tăng cao trên các thị trường toàn cầu.
Theo các nhà phân tích, việc chấm dứt dứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga sẽ khiến các quốc gia châu Âu rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế, chi phí sinh hoạt của người dân bị đẩy lên cao, lạm phát gia tăng.
Tham khảo: Reuters