MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cận cảnh nơi sống là chuồng heo rộng 9m2 của diễn viên Việt

29-10-2016 - 10:48 AM | Bất động sản

Đối với tôi hay với nhiều người khác, nơi nghệ sĩ Aly Dũng khó có thể xem là nhà nhưng với ông, đó là cả gia tài.

Ngôi nhà của nam diễn viên đóng vai người lính trong phim Biệt động Sài Gòn - Aly Dũng không khó tìm, nó nằm trên một con hẻm nhỏ thuộc quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Nói không khó tìm là bởi nằm giữa những ngôi nhà cao tầng, nó trở nên lạc lõng với cánh cổng xập xệ và bức tường loang lổ.

Vì trước là chuồng heo của nhà người ta nên nhà của nghệ sĩ Aly Dũng có diện tích rất nhỏ, chưa đến 9 mét vuông. Thời ông mua, nó đáng giá 10 chỉ vàng.

Căn nhà ẩm thấp và không có ánh sáng lọt vào. Vì tiết kiệm nên chủ nhân của nó chỉ mở bật một bóng đèn nhỏ.

Dưới thứ ánh sáng leo lét đó, không cẩn thận tôi và người bạn đồng nghiệp đã dẫm ngay vào bẫy chuột. Theo lời nghệ sĩ Aly Dũng thì nhà ông lúc nào chuột cũng chạy rần rần. Nếu không bẫy thì chẳng thể nào ở yên được với chúng.

Căn nhà nhỏ chỉ có vỏn vẹn hai cái ghế, một cái ghế cao ông dùng làm bàn để viết kịch bản, cái ghế nhỏ để ngồi. Khách tới nhà nếu là hai người thì chủ chỉ còn biết nhường ghế rồi ngồi bệt xuống sàn trò chuyện.

Chẳng ai ngờ được, người nghệ sĩ này đã có một thời sung sướng. Gia đình ông ngày ấy kinh doanh tranh sơn mài và ngoại tệ nên giàu nổi tiếng một vùng.

Đến năm ông 20 tuổi, mẹ đột ngột qua đời. Tài sản trong nhà theo bước chân ăn chơi của cha ông mà ra đi cả.

Ông là con trai trưởng, ở dưới còn 13 đứa em nhưng một tay không thể chăm lo hết thảy. Ông dắt bốn đứa em út rồi bồng bế vợ con nay đây mai đó. Vì khổ quá, vợ ông ôm con bỏ đi, rồi mấy đứa em cũng lần lượt bỏ ông, bỏ cuộc đời tăm tối để về với nơi không còn đau khổ.

Nằm giữa những ngôi nhà cao tầng chắc chắn, căn nhà của nghệ sĩ Aly Dũng trở nên lạc lõng hơn bao giờ hết. Đây là nơi ông đã sinh sống mấy chục năm nay.

Cánh cổng nhà mở ra một không gian khá tối và ẩm thấp bên trong.

Còn đây là từ trong nhà nhìn ra, mảnh vải xanh nhàu nhỉ là để che cho cánh cổng, còn mảnh vải vàng te tua dùng đến dán vào cánh cửa chính.

Đập ngay vào mắt khi bước vào trong là chiếc xe đạp màu đỏ với màu sơn loang lổ. Đây là phương tiện ông dùng để đi lại đóng phim bấy lâu nay, kể từ khi bán xe máy để mua lại chuồng heo của người ta để có chỗ ở.

Chiếc ghế này là bàn viết kịch bản của nghệ sĩ Aly Dũng những ngày không ai kêu đi phim.

Những mảng tường ẩm thấp, dang dở nhìn vậy thôi chứ đối với ông là cả gia tài. Để xây được chúng, ông phải làm việc quần quật rồi vay mượn bạn bè. Tới bây giờ, số nợ đó ông vẫn chưa trả hết. Chiếc gương treo bên trái ông nhặt về khi người ta đem bỏ.

Năm ông 20 tuổi, mẹ mất. 23 tuổi, vợ ôm con bỏ đi, những đứa em của ông cũng lần lượt từ giã cõi tạm. Quá đau đớn, ông tìm đến với Chúa để có một điểm tựa khi lòng chông chênh.

Một góc tủ đồ nghề của người nghệ sĩ, nơi đây ông cất những vật dụng đi diễn mua từ vỉa hè và vài thứ lặt vặt.

Chiếc radio cũ được cất ở xó nhà. Theo lời ông thì nó cũ đến nỗi thích thì hát, không thích thì nghỉ. Từ ngày biết mình bị tiểu đường, trong nhà lúc nào cũng có một hũ gạo lức rang.

Người nghệ sĩ già bên trong căn nhà nhỏ. Vì không có tủ nên đồ đạc trong nhà treo được ở đâu là ông treo lên hết.

Giày dép và quần áo treo đầy một góc nhà.

Nhà có hai cái ghế, một cao một thấp, nhường nhau mãi chẳng ai chịu ngồi, chúng tôi ngồi bệt xuống sàn để trò chuyện.

Phía sau ông là bếp và cầu thang dẫn lên gác. Lần nào đi phim về, có tiền là ông mua gạo trữ sẵn, ăn dần cho những ngày không ai đoái hoài. Cũng có khi mấy tháng không có phim nào, ông chạy ra nhà người ta mua chịu.

Căn bếp với đầy đủ mắm muối. Theo lời nghệ sĩ Aly Dũng, mỗi tháng ông dùng hết một khối nước.

Điện thì 12 ngàn/tháng vì ông tiết kiệm lắm. Cả căn nhà có mỗi bóng đèn này thôi.

Phía trên cầu thang sắt dẫn lên gác là tủ thuốc. Ông bị tiểu đường, thoát vị đĩa đệm rồi trầm cảm. 15 năm nay, không có thuốc ông không thể nào ngủ được.

Thuốc là của nhà nước phát chứ ông cũng chẳng có tiền mà mua. Gia đình ông thuộc hộ nghèo, mỗi tháng được trợ cấp mấy trăm ngàn đồng. Một góc nơi căn gác ông dùng để viết kịch bản.

Cánh cửa nhỏ trang trí bằng dây lá nhựa cũ kỹ, nơi ông dùng lấy cảm hứng viết kịch bản. Nhưng gần đây ông không viết nữa vì viết bán chẳng ai mua, người muốn mua thì đòi sửa lui sửa tới, sửa đến mức ông không còn nhận ra tác phẩm của mình.

Một góc nhỏ khác trong căn gác ông dùng để đồ kỷ niệm. Cây đèn trên bàn là ông nhặt ngoài đường. Nhiều khi đi ngoài đường ban ngày, thấy đồ đẹp nhưng ông xấu hổ không dám lấy, chỉ khi đêm xuống ông mới ra ngoài nhặt chúng về chưng trong nhà.

Trên bức tường cũ là ảnh của mẹ ông, mẹ ông là người Ả rập sang Việt Nam làm việc và phải lòng bố ông.

Ông luôn miệng khen: "Mẹ chú đẹp lắm, hồi trẻ chú cũng đẹp trai, lại nhà giàu nữa nên có bao nhiêu cô theo".

Chiếc tivi này là một người bạn ông vừa cho cách đây mấy ngày. Vì tiết kiệm điện nên ông chẳng mấy khi bật.

Ở trên gác xép, việc di chuyển rất khó khăn. Tôi phải đi theo ông chỉ dẫn bởi nếu không khéo, sàn gác mục có thể khiến tôi lọt hố bất cứ lúc nào.

Trên căn gác này lại có một căn gác nữa, đó là nơi ông ngủ. Nghệ sĩ Aly Dũng dặn tôi: "Đừng chụp cháu ạ, chăn mền rách tùm lum, chú ngại lắm".

Và cũng vì ngại, vì chẳng muốn ai lo lắng cho mình nên mấy chục năm nay ông cứ sống vậy, chẳng một lời than khổ, cũng chẳng kể với ai.

Thấy căn gác yếu quá, việc leo lên leo xuống lại bất tiện, tôi góp ý với ông: "Con thấy chú chuyển xuống dưới ngủ đi chú ạ, chú 67 tuổi rồi, con thấy nguy hiểm lắm".

Ông nhìn tôi ái ngại: "Chú cũng biết nhưng mà dưới nhà mưa một xíu là ngập lênh láng con ơi...".

Và ước mơ của người nghệ sĩ già bây giờ là có vai diễn để đời, để tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Ông cũng đăng ký vào viện dưỡng lão nghệ sĩ nhưng nghe đâu trong đó chỉ có 20 phòng, trong khi số lượng nghệ sĩ già muốn vào đó rất đông.

Theo Cẩm Giang

Trí thức trẻ/ Soha

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên