Cần “cú hích” nào để du lịch Việt thu về 35 tỷ USD trong 3 năm tới?
Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020 thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp hơn 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD.
- 13-03-2017Đạo diễn “Kong: Đảo đầu lâu”: Tôi không mưu cầu lợi ích gì khi trở thành Đại sứ Du lịch Việt Nam
- 13-03-2017Quảng bá du lịch Việt Nam với bom tấn "Kong: Skull Island" như thế nào cho hiệu quả?
- 12-03-2017Trong lúc hàng loạt tour ngoại nhanh chóng tận dụng sức nóng của ‘Kong: Skull Island’, du lịch Việt Nam đang làm gì?
Du lịch Việt sẽ tạo ra 4 triệu việc làm và 35 tỷ USD
Đây là mục tiêu được đưa ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW đối với các doanh nghiệp du lịch nhưng để thực hiện được mục tiêu này vẫn là một bài toán nan giải. Tại Hội thảo triển khai nghị quyết 08 diễn ra chiều 7/4 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương cho rằng ngành du lịch vẫn còn rất nhiều khó khăn, để phát triển ngành này cần phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh.
Ngành du lịch cần những cú hích để đạt mục tiêu như đã đề ra. Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2016, ngành du lịch nội địa đạt tốc độ tăng trưởng 11,8%/năm, lần đầu tiên đạt 10 triệu lượt khách quốc tế/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 6,1%.
Mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 08 là đến năm 2020 thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp hơn 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
So sánh bức tranh du lịch của Việt Nam với các nước trong khu vực trong đó có Singapore, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết Singapore là một quốc đảo diện tích nhỏ, dư địa phát triển du lịch không nhiều nhưng vẫn giữ được lượng khách từ 14 - 15 triệu lượt du khách quốc tế.
“Trong nhiều năm trở lại đây trong khi Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng, có thể đạt được con số này và cao hơn thế nếu có chính sách khuyến khích phù hợp tạo điều kiện để du lịch phát triển bùng nổ”, ông Tuấn nói.
Nghị quyết 08 ra đời đã đưa ra những quan điểm, tư tưởng đổi mới, cách mạng, là cơ sở quan trọng giúp xã hội nhìn nhận đúng đắn hơn về ngành du lịch, mở đường cho du lịch phát triển lâu dài. Các doanh nghiệp du lịch cần nhận thức được vai trò trụ cột và là lực lượng chủ yếu quyết định thực hiện thành công các mục tiêu của Nhà nước đề ra cho ngành du lịch.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, trong Nghị quyết cho phép với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc quy định khác thì cho thực hiện thí điểm.
Thay đổi tư duy, có chính sách đột phá
Chia sẻ về những “cú hích” giúp ngành du lịch có thể phát triển đột phá trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết chính sách cấp visa điện tử là khởi đầu cho những đột phá để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuấn, sắp tới, ngành du lịch sẽ đề xuất một số chính sách mới tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển như đề xuất phát triển quỹ du lịch, đề xuất cho ô tô đưa khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam có thể xuất cảnh ở các cửa khẩu khác nhau, tạo thuận lợi hơn cho khách du lịch. Đồng thời đề xuất mô hình quản lý hệ thống ngành du lịch, tập trung nâng cao năng lực quản lý.
Hiện nay Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên thuận lợi, nhiều danh lam thắng cảnh nhưng năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
“Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới trong hai năm từ 2015-2017 Việt Nam đã tăng 8 bậc trong năng lực cạnh tranh, là dấu hiệu tích cực nhưng cần tiếp tục cải thiện hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch để phát triển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn”, ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Để du lịch Việt Nam được nhiều người biết đến hơn nữa, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp cần phải đổi mới nhận thức tư duy, có chiến lược xúc tiến tiếp cận từng thị trường cụ thể, gắn du lịch với phát triển bền vững.
“Các doanh nghiệp đừng chỉ nhìn đến các con số lãi thu được mà quên đi tính bền vững, ngành này cần nhất sự phát triên bền vững để giữ chân du khách, các doanh nghiệp phải cam kết cạnh tranh lành mạnh, không phá giá thị trường”, ông Bình nói.
Ông Bình cũng cho rằng mỗi doanh nghiệp nên dành riêng một ngân quỹ để xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, mở rộng du khách.
Người Đồng hành