Cần đột phá áp dụng công nghệ 4.0 cho tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ đã lỗi thời, Việt Nam cần áp dụng đột phá công nghệ 4.0 để duy trì tăng trưởng chất lượng cao và sẽ phải đồng thời giải nhiều bài toán liên quan chất lượng nguồn nhân lực và xuất khẩu… Ðây là những thách thức đặt ra với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Xuất siêu nhúc nhích trở lại
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cuối tuần qua, kim ngạch xuất nhập khẩu có sự đảo chiều ngoạn mục trong tháng cuối của quý I khi đang từ thâm hụt nhẹ 84 triệu USD chuyển thành xuất siêu hơn nửa tỷ USD. Các số liệu công bố cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2019 ước tính đạt 58,5 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018. Khối doanh nghiệp FDI vẫn chứng tỏ sức mạnh khi chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả quý I và xuất siêu 7,5 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,0 tỷ USD.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 9 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu vượt mốc trên 1 tỷ USD trong các tháng đầu năm. Dẫn đầu vẫn là nhóm điện thoại và linh kiện; hàng dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện; giày dép; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ…
Đáng chú ý, dù có mức tăng trưởng khá nhưng kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản trong quý I năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 885 triệu USD; cà phê đạt 830 triệu USD, giảm 23,8% về giá trị. Xuất khẩu hạt điều cũng giảm 17,2% về giá trị khi đạt 625 triệu USD. Riêng xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh chỉ đạt 567 triệu USD; hạt tiêu đạt 189 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản giảm do nhu cầu của thế giới giảm, chưa kể nhiều nước cũng đã nâng cao chất lượng hàng nông sản khiến nông sản Việt xuất khẩu bị cạnh tranh gay gắt hơn.
Về việc nhiều mặt hàng xuất khẩu có dấu hiệu gặp khó trong các tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho hay, năm nay sẽ là năm khó khăn của hàng xuất khẩu Việt. Để đạt mục tiêu đề ra cho xuất nhập khẩu năm nay là tăng khoảng 8% và có xuất siêu, Bộ Công Thương đã chuẩn bị nhiều giải pháp để hỗ trợ xuất khẩu trong đó hướng tới việc tận dụng tối đa lợi thế do các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, bộ sẽ tập trung vào các giải pháp trọng điểm như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể, bộ này sẽ tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân nhận diện cơ hội và thách thức của CPTPP và các FTA song phương. Cùng đó, sẽ tập trung lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể.
Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định pháp lý của từng thị trường và các rào cản kỹ thuật để chủ động hơn trong xuất khẩu; đặc biệt là khi CPTPP đã có hiệu lực thực hiện.
Không thay đổi, Việt Nam sẽ tụt hậu
Liên quan việc hướng tới mục tiêu đất nước có mức tăng trưởng kinh tế chất lượng cao trong giai đoạn 2021-2030, cách đây ít ngày, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho rằng, Việt Nam cần chuyển hướng chiến lược sang nền kinh tế dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo đồng thời tận dụng tối đa lợi thế dân số vàng hiện có để duy trì tăng trưởng chất lượng cao trong thập kỷ tới.
Nghiên cứu của WB (có sự tài trợ của Chính phủ Australia), đã đề xuất mô hình kinh tế mới cho Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 chú trọng vào 3 lĩnh vực đột phá: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tinh thần doanh nhân, phát triển nguồn vốn con người và xây dựng thể chế hiện đại.
Các chuyên gia WB cho rằng, nếu Việt Nam muốn tránh được bẫy thu nhập trung bình thì phải duy trì được mức tăng trưởng từ 7,0 đến 7,5% hằng năm trong giai đoạn 2021- 2030, cao hơn so với mức trung bình 6,3% trong 10 năm vừa qua.
“Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ đột phá mang đến cả thách thức và cơ hội, tôi muốn gọi đó là “Đổi mới 4.0”", ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nói. Theo ông Ousmane Dione, để giảm nhẹ các rủi ro này và tận dụng triệt để cơ hội mới, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách tập trung nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo, coi đây là những động lực tăng trưởng chủ yếu trong thập kỷ tới. Việt Nam sẽ phải từng bước loại bỏ những nút thắt đang cản trở đầu tư tư nhân, tăng cường năng lực cho các thể chế công, cũng như đầu tư vào những kỹ năng mà lực lượng lao động cần có trong thế kỷ 21.
Trong buổi công bố báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên do Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức mới đây, các chuyên gia cũng nhận định rủi ro vĩ mô lớn nhất của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới chính là rủi ro về tài khóa. “Đây là rào cản đối với tăng trưởng dài hạn, tạo áp lực đối với ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng kháng cự với các cú sốc của nền kinh tế. Đồng thời trong bối cảnh này, sẽ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn”, báo cáo đánh giá.
Các tác giả của báo cáo cho rằng, Việt Nam cần củng cố và cải thiện hơn các cân đối vĩ mô, đặc biệt là ngân sách và nợ công; xử lý triệt để hơn những rủi ro tài chính như tỷ lệ an toàn vốn, kiểm soát tín dụng và xử lý nợ xấu trong hệ thống tài chính ngân hàng để duy trì mức tăng trưởng cao.
Kết quả nghiên cứu của WB cho thấy rằng, mô hình tăng trưởng thâm dụng lao động, dựa trên xuất khẩu mà Việt Nam đã theo đuổi giai đoạn 2011–2020 đã trở nên lỗi thời. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và các yếu tố mới khác như các chuỗi giá trị toàn cầu đã phát triển gần hoàn thiện, tình trạng thoát công nghiệp hóa sớm và ngành dịch vụ ngày càng có vai trò lớn hơn.
Tiền phong