MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần mô hình chia sẻ cơ sở hạ tầng của cảng khí LNG

Trong tương lai, Việt Nam cần khối lượng lớn nguồn năng lượng LNG để phục vụ cho mục đích sản xuất điện, do đó ngay tại thời điểm này chúng ta cần có chiến lược phát triển về cảng LNG.

Cơ sở hạ tầng phục vụ vận chuyển khí LNG chưa đồng bộ

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025-2030 có nêu, cần xây mới các nhà máy điện chạy khí LNG với tổng công suất 15.000 - 19.000 MW để phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp năng lượng.

Ở thời điểm hiện tại, các dự án điện khí LNG trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang có tổng công suất hàng nghìn MW tập trung tại các Trung tâm Điện lực LNG thuộc một số tỉnh, dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn từ năm 2024 - 2027. Chưa kể đến một số dự án như dự án kho cảng nhập khẩu LNG Thị Vải ( công suất giai đoạn 1 là 1 triệu tấn LNG/1 năm, dự kiến hoàn thành năm 2022; giai đoạn 2 với công suất 3 triệu tấn LNG/ năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2023) và Dự án nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3 & 4( tổng công suất khoảng 1500MW, dự kiến hoàn thành vào năm 2022- 2023).

Bên cạnh đó, trong Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định rõ sự cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng 1- 4 tỷ m3/năm (cho giai đoạn 2021-2025). Trong đó, phần lớn khối lượng LNG nhập khẩu sẽ được dùng để sản xuất điện, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng theo kết quả tính toán các kịch bản trong dự thảo PDP8 đến năm 2045, tỉ trọng công suất phát trong hệ thống điện Việt Nam phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu từ thị trường quốc tế là chủ yếu.

Về nhiên liệu, Việt Nam đã nhập khẩu than cho các nhà máy điện từ cách đây vài năm và xu hướng này sẽ còn gia tăng trong những năm tới. Đồng thời, các dự án xây dựng nhà máy phát điện sử dụng khí hóa lỏng (LNG) cũng bắt đầu được triển khai và dự báo là xu hướng mới trong những thập kỉ tới, nhu cầu nhập khẩu LNG cho ngành điện cũng sẽ tăng lên hàng tỉ m3 một năm.

Do vậy, cần xác định lộ trình phát triển, yêu cầu kỹ thuật của cơ sở hạ tầng cảng biển phục vụ cho nhu cầu của các nhà máy điện dùng LNG trong từng giai đoạn nhằm đảm bảo yếu tố khả thi về tài chính và tiến độ thi công. Đây cũng là điều kiện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực lên các hoạt động kinh tế, môi trường và xã hội khác ở khu vực ven biển.

Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng để sẵn sàng phục vụ cho việc vận chuyển khí LNG tại Việt Nam chưa được phát triển đồng bộ. Trong đó, phải kể đến sự phát triển của hệ thống cảng biển Việt Nam là động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thông qua các dịch vụ vận tải và xuất nhập khẩu.

Cần mô hình chia sẻ cơ sở hạ tầng của cảng khí LNG - Ảnh 1.

Giải pháp phát triển

Nếu xét về cơ cấu, hệ thống cảng của Việt Nam còn nhiều bất cập như thừa cảng nhỏ, thiếu cảng lớn, đầu tư chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, có ít cảng có đủ điều kiện tiếp nhận tàu trọng tải cỡ trung bình của thế giới.

Cụ thể: Việt Nam có khoảng 320 cảng chuyên dụng , được phân bổ dọc theo bờ biển, trong đó có 44 cảng biển lớn nằm ở Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Về quy mô cảng biển, chiều dài bến cảng toàn hệ thống đã tăng 4,4 lần so với năm đầu tiên thực hiện quy hoạch  (năm 2000).

Về năng lực bến cảng được quan tâm đầu tư, nâng cấp cải tạo để tiếp nhận các tàu có trọng tải ngày càng lớn. Hầu hết các cảng tổng hợp, đầu mối khu vực, bao gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An đã được đầu tư mới và cải tạo nâng cấp cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải trên 30.000 DWT, phù hợp với xu thế phát triển của đội tàu biển thế giới. Nhưng cảng phục vụ cho mục tiêu phát triển nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG) còn hạn chế.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng LNG của Việt Nam trong tương lai, cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông và phương tiện chuyên dụng phục vụ vận chuyển và lưu trữ, tái hóa khí dạng nhiên liệu cần được cải thiện và phát triển.

Các chuyên gia thuộc Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng (VIET) khuyến nghị rằng, việc xây dựng và vận hành cảng LNG nên được thực hiện bởi một công ty con thuộc Đơn vị vận chuyển khí. Điều này sẽ giúp phân định rõ ràng hơn vai trò và chi phí cũng như tạo điều kiện để một bên thứ ba đầu tư vào các cảng này nếu mong muốn.

Đặc biệt nhóm chuyên gia cũng cho rằng cần có mô hình chia sẻ cơ sở hạ tầng của cảng khí LNG có thể làm giảm giá thành, tránh lãng phí tài nguyên biển hoặc xung đột lợi ích kinh tế với các ngành khác (diện tích khu vực bờ biển có thể sử dụng cho mục đích du lịch hoặc logistic) và tạo điều kiện cho việc phát triển một thị trường khí cạnh tranh trong tương lai.

Việc tách biệt hạ tầng LNG với các hạ tầng khác có thể là động lực thúc đẩy cạnh tranh bằng cách tránh trợ cấp chéo giữa các cảng LNG và các thành phần khác trong chuỗi giá trị khí.

Theo Chuyên gia Ngô Thị Tố Nhiên

Diền đàn doanh nghiệp

Trở lên trên