Cần nghiên cứu đúng mức chính sách khai thác FTA
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, để khai thác tốt hơn những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), cần có sự tổng kết, đánh giá việc thực hiện một cách kịp thời để gỡ các nút thắt. Bên cạnh đó, trong bối xung đột thương mại, xu thế bảo hộ tăng cao, chính sách khai thác FTA nhằm tối ưu hóa lợi thế, giảm thiểu rủi ro cần được quan tâm đúng mức.
Thay đổi cán cân thương mại, xuất siêu đáng kể trong năm 2017 cũng như nửa đầu năm nay được nhận định là kết quả khả quan thu được nhờ quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng, điển hình là tham gia các FTA. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc tăng trưởng XK phụ thuộc quá nhiều vào khối DN FDI là điểm đáng lo ngại. Quan điểm của ông như thế nào?
Chính sách thu hút đầu tư FDI của Việt Nam chỉ tốt nếu tập trung vào các khía cạnh như vốn, công nghệ và quản trị DN, kết nối hiệu quả FDI với các DN nội địa. Chính sách này khá nhất quán, tiếc rằng khâu thực thi chưa đạt. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, Việt Nam vẫn cần tiếp tục kêu gọi đầu tư FDI để trước mắt giải quyết vấn đề lao động và song song đó, cần cải thiện chất lượng đầu tư theo hai hướng chính: Thu hút công nghệ cao, tạo giá trị chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Riêng trong tận dụng FTA nhằm thúc đẩy XK, tổng kim ngạch XK tuyệt đối tăng lên, có người băn khoăn vì đây chủ yếu là của FDI. Vấn đề không phải là cố để kéo giảm XK của khối FDI mà áp lực là cần tăng kim ngạch XK của khối DN nội địa thông qua phát triển các sản phẩm có khả năng cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường, tận dụng tối đa lợi thế có được từ FTA mà các quốc gia khác vốn dĩ có hàng hóa cạnh tranh với Việt Nam không có được...
Như đã nói, FDI là một nguồn lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong thu hút đầu tư FDI, cần nhấn mạnh yếu tố công nghệ. Đương nhiên, có tiếp cận được công nghệ từ khối DN FDI hay không còn phụ thuộc vào hai yếu tố: Năng lực thu hút FDI công nghệ cao của Nhà nước và năng lực khai thác các FDI công nghệ cao này của DN Việt Nam. Các chính sách cần thiết về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khởi nghiệp, các hỗ trợ phù hợp cho các DN có hoạt động kinh doanh liên kết theo chuỗi giá trị cần được triển khai mới có thể khai thác được sự liên kết này.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đặc biệt là tham gia các FTA, Việt Nam đạt được không ít kết quả nổi bật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tận dụng lợi ích, cơ hội mở ra từ các FTA chưa như mong đợi. Theo ông, đâu là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới điều này?
Thứ nhất, dù hiện nay đã có những tiến bộ nhất định song phải khẳng định rằng, việc chuẩn bị để tham gia, thực hiện các FTA của Việt Nam chưa thực tốt ngay từ khâu đề xuất chính sách đàm phán, biểu hiện cụ thể nhất là sự tham gia của các hiệp hội, ngành hàng, các DN có liên quan.
Ở các nước khác, khi đàm phán các FTA, các ngành hàng liên quan đều có hiệp hội lên tiếng ủng hộ hay phản biện tùy theo theo quyền lợi “ăn theo” hay “mất phần” của các nhóm DN này. Dựa trên lợi ích quốc gia, các đoàn đàm phán sẽ có sự "cân, đong, đo, đếm" cho phù hợp. Ví dụ, nội dung đàm phán FTA có nêu lộ trình cắt giảm thuế suất cho mặt hàng thép, các nhà NK sẽ muốn thuế thấp, lộ trình giảm nhanh trong khi các nhà sản xuất thép nội địa cùng loại lại muốn phải có hàng rào bảo hộ ở mức độ nhất định để đảm bảo DN ít bị ảnh hưởng nhất. Các nhóm DN có lợi ích đối lập này thường tổ chức các cuộc vận động (lobby) tới các đoàn đàm phán, gây tác động. Sau khi có kết quả đàm phán, họ triển khai nhanh việc khai thác cơ hội hoặc giảm thiểu rủi ro.
Trong quá trình tham gia các FTA, ở Việt Nam chưa có được sự chuẩn bị chủ động như vậy. Các DN coi đó là việc của Chính phủ, ít quan tâm ngay từ đầu. Chỉ có ít hiệp hội đại diện được tiếng nói của DN ngành trong việc góp ý cho các đàm phán FTA. Trong cùng một hiệp hội, lợi ích của các nhóm DN không hiếm khi là đối lập nhau. Ví dụ, trong ngành thép có cả nhà sản xuất và nhà NK thép nên rất khó để Hiệp hội Thép đưa ra được các kiến nghị chung của hiệp hội về lĩnh vực mở cửa thị trường này. Do đó, sắp tới cần tạo mọi điều kiện để thành lập các hiệp hội, DN ngành hàng có cùng lợi ích để họ được tham gia liên tục, sâu sát vào quá trình đàm phán, triển khai thực hiện các FTA, nhằm bảo vệ lợi ích sát sườn cho mình kể cả kiến nghị các biện pháp bảo vệ thị trường trong nước, chống lạm dụng các biện pháp bảo hộ quá mức ở nước ngoài.
Khi các nhóm DN có lợi ích đối lập lên tiếng, Nhà nước có vai trò xem xét, cân đối các lợi ích đó dựa trên lợi ích quốc gia. Cũng cần lưu ý, do cách tham gia chủ động như trên nên cộng đồng DN nhiều nước đã có thông tin đầy đủ, toàn diện, cả khi các FTA chưa được ký nên khi FTA có hiệu lực họ đã khai thác, triển khai rất nhanh, trong khi ở ta lại ngược lại. FTA ký xong 1-2 năm, nhiều DN vẫn chưa biết đến hoặc nếu có biết thì thụ động ngồi chờ cơ quan nhà nước phổ biến. Việc này kéo dài trong nhiều năm, gần đây có chuyển biến trong một số ngành hàng, tuy chưa đáng kể.
Thứ hai, khâu phối hợp về thông tin, nguồn lực để triển khai các lợi thế từ các FTA còn hạn chế. Điều này thể hiện ở chỗ chưa có sự phối hợp trong hệ thống giữa các cơ quan nhà nước với nhau cũng như giữa bộ máy nhà nước với cộng đồng DN còn manh mún, chưa rõ ràng.
Theo tôi, việc thực hiện kết nối này cần có một bộ phận trung tâm làm đầu mối triển khai, kết nối với bên ngoài và cả bên trong, vướng ở đâu thì gỡ ở đó để tận dụng tốt các FTA. Ví dụ mô hình như Bộ Công Thương là đầu mối. Bộ Công Thương có trưởng đoàn và nhiều chuyên gia chủ chốt tham gia đàm phán FTA; có các vụ chuyên ngành về các thị trường XNK chủ yếu; có hệ thống thương vụ ở nhiều nước có quan hệ FTA với Việt Nam ở nước ngoài; có hệ thống các Sở Công Thương ở 63 tỉnh, thành với nhiều trung tâm xúc tiến thương, mại đầu tư; có Cục Xúc tiến thương mại được Nhà nước giao các hoạt động xúc tiến trong đó có các FTA; có các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ thị trường trong nước thông qua các biện pháp tự vệ thương mại, các hàng rào kỹ thuật; có sự liên kết chặt chẽ với nhiều bộ chuyên ngành về kinh tế; có quan hệ với nhiều hiệp hội, ngành hàng trong cả nước. Bởi vậy, Bộ này có nhiều khả năng nhất để làm đầu mối triển khai các FTA nhằm khai thác cơ hội tốt nhất đồng thời giải quyết kịp thời nhất các vấn đề tồn đọng, phát sinh.
Ngoài ra, khâu kết nối phải được tiến hành với các tỉnh, từ các tỉnh xuống DN tạo nên các liên kết mềm với nhau sử dụng công nghệ thông tin, hạn chế việc hành chính hóa. Có thể xây dựng trang mạng chuyên về FTA liên kết với 63 tỉnh, thành để ngay cả các DN siêu nhỏ, nhà nông cũng có thể biết được từng FTA cụ thể như thế nào.
Bên cạnh các yếu tố trên, khâu tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực thi từng FTA cần phải thường xuyên, sâu sát. Nếu không, các cơ hội cứ trôi đi, trong khi các đối tác lại khai thác tốt. Chính phủ cần kiểm tra việc thực hiện. Quốc hội cần tổ chức giám sát có hiệu quả từng FTA trên cơ sơ đánh giá thực chất được-mất của mỗi FTA.
Trong bối cảnh các xung đột thương mại lớn trên thế giới có nguy cơ leo thang, xu hướng bảo hộ lên cao, theo ông Việt Nam cần lưu ý gì trong quá trình hội nhập kinh tế nói chung và tham gia các FTA nói riêng?
Tùy theo từng FTA nhưng nhìn chung quy tắc xuất xứ là vấn đề số một. Trong điều kiện xung đột thương mại hiện nay, Việt Nam có thể sẽ trở thành quốc gia khai thác được lợi thế trước mắt của các FTA đã và sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, không kiểm soát được xuất xứ, rất có thể ta là “nạn nhân” vì bị các DN nước ngoài giả mạo xuất xứ, lừa đảo người tiêu dùng Việt hoặc trở thành “tội đồ" để DN nước ngoài giả xuất xứ Việt để tránh thuế ở các thị trường vẫn dành ưu đãi cho hàng có xuất xứ Việt. Rủi ro sẽ vô cùng lớn.
Một khi xung đột thương mại leo thang, thuế NK tăng lên. Điều này làm cho hàng hóa của một số nước trở thành đắt đỏ ở thị trường mà Việt Nam có quan hệ đối tác. Nước bị áp thuế có thể chọn con đường mượn xuất xứ của Việt Nam để XK. Do đó, cần có những quy định và sau đó triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả nhằm bảo vệ xuất xứ Việt Nam là ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là một mệnh lệnh, thách thức đặt ra cho Việt Nam trong XNK.
Ngoài vấn đề trên, với các FTA, Việt Nam có cơ hội tiếp nhận đầu tư FDI tốt hơn. Các nhà đầu tư sẽ tận dụng cơ hội để sản xuất hàng XK nhưng nếu không biết điều tiết, gia tăng XK quá nhiều vào thị trường có lợi thế FTA thì lại dẫn tới các nguy cơ cao vì bị áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp... Bối cảnh hiện nay đặt ra đòi hỏi chính sách khai thác FTA nhằm tối ưu hóa lợi thế và hạn chế đến mức tối đa rủi ro cần được nghiên cứu, quan tâm đúng mức.
Xin cảm ơn ông!
Bà Trần Kim Hà, Phó trưởng Phòng Dự toán- Quản lý thu ngân sách, Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan: Tiếp tục các giải pháp đồng bộ để chống thất thu
Có thể thấy, việc thực hiện các cam kết FTA nhằm thu hút và góp phần gia tăng đầu tư nước ngoài, giảm chi phí đầu vào cho DN trong nước, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và kim ngạch XK, NK. Tuy nhiên, điều này cũng khiến số thu ngân sách nhà nước từ thuế NK sụt giảm. Vì thế, ngay từ đầu năm 2018, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị trong ngành chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập đến thu ngân sách nhà nước, từ đó quyết liệt triển khai chỉ đạo, đôn đốc tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu; nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách nhà nước. Trong đó, giải pháp đưa ra là rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế, phân loại chi tiết các nhóm nợ, đánh giá chi tiết theo từng DN, tình trạng nợ thuế của DN, nguyên nhân và đưa ra biện pháp xử lý theo đúng quy định; quyết liệt xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, không để phát sinh nợ mới, không để nợ tại thời điểm mới cao hơn thời điểm cũ...
Hải quan