MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cân nhắc kỹ lưỡng việc trao quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho ngân hàng

08-06-2017 - 09:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Tài sản đảm bảo là vướng mắc lớn nhất trong quá trình xử lý nợ xấu thời gian qua, tuy nhiên đại biểu đề xuất cần cân nhắc để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa một bên là các tổ chức tín dụng, một bên là người có tài sản bị thu giữ.

Thảo luận tại hội trường về vấn đề xử lý nợ xấu tại dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu mà Chính phủ trình lên Quốc hội tại kỳ họp này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng - TP Hà Nội, chủ tịch HĐQT VietinBank nhận định, mặc dù tên gọi là nghị quyết về nợ xấu, nhưng vấn đề cốt lõi ở đây chính là việc ban hành các cơ chế để thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ.

Đại biểu Thắng phân tích, hiện nay chúng ta đã có thị trường mua bán nợ xấu nhưng chưa hoàn chỉnh, thiếu hụt hàng hóa trầm trọng, đặc biệt những hàng hóa có giá trị các khoản nợ gắn với bất động sản do chưa đủ điều kiện pháp lý để đưa ra giao dịch. Bên cạnh đó, lực lượng tham gia thị trường với tư cách là người mua còn rất hạn chế, do những quy định về điều kiện để tham gia. Công ty quản lý tài sản được thành lập để đóng vai trò chủ lực hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu lại chưa có cơ chế và nguồn lực cần thiết để vận hành như kỳ vọng. Vì thế, việc Quốc hội phê chuẩn nghị quyết xử lý nợ xấu nếu sẽ tháo gỡ được nút thắt, tạo ra một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, các khoản nợ xấu này sẽ được bán và thu hồi nhanh hơn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu đoàn đại biểu tỉnh Đắk Lắk thì cho rằng, Nghị quyết cần cân nhắc thật kỹ lưỡng về quyền thu giữ tài sản đảm bảo quy định tại Điều 7.

Đại biểu phân tích, theo quy định của Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Theo quy định tại Điều 301 Bộ luật dân sự năm 2015 thì giao tài sản để xử lý thì người đang giữ tài sản có nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo cho bên nhận để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 bộ luật này. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận đảm bảo có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Bộ luật dân sự 2015 chỉ quy định giao tài sản bảo đảm để xử lý mà không quy định thu giữ tài sản bảo đảm để khẳng định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu không có quyền thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý.

Việc quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo tại Điều 7 của Dự thảo nghị quyết mới chỉ thể hiện được việc bảo vệ quyền, lợi ích của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán xử lý nợ xấu mà không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân và đặc biệt là của người thứ ba có liên quan đến tài sản đang đảm bảo, không phù hợp và trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Do đó, quy định này cần được nghiên cứu xem xét đến yếu tố đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đoàn Hà Nội cho rằng, việc xử lý tài sản bảo đảm cần cân nhắc thêm để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa một bên là các tổ chức tín dụng, một bên là người có tài sản bị thu giữ. Đại biểu chỉ ra, Dự thảo nghị quyết quy định thời hạn thu giữ tài sản là tương đối ngắn, 10 ngày thông báo và sau đó 10 ngày tiến hành thu hồi. Đối với việc thu giữ tài sản liên quan đến bất động sản, liên quan đến nhà ở thì có lẽ trong một số trường hợp có thể phát sinh vướng mắc khi người có tài sản thu giữ bố trí nơi ở mới, đặc biệt là liên quan đến nơi ở của người già, trẻ em. Trong Hiến pháp quy định rất rõ quyền của công dân, đó là quyền có nhà ở, vì vậy nên kéo dài thời hạn này so với quy định trong Dự thảo nghị quyết.

Đại biểu Quốc hội Hà Thị Minh Tâm đoàn đại biểu tỉnh Hà Nam cho rằng, điều luật trong Nghị định đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm theo đúng điều khoản hai bên đã ký kết trong hợp đồng, giúp cho việc thanh lý dễ dàng và nâng cao trách nhiệm ý thức trả nợ của người đi vay. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về việc thực hiện quyền này trong trường hợp tài sản có tranh chấp, tài sản là vật chứng trong vụ án hình sự, tài sản bảo đảm trong trường hợp có nhiều bên nhận bảo đảm, như vậy mới đảm bảo tính khả thi trong thực hiện và đảm bảo quyền lợi các bên liên quan.

Tùng Lâm - Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên