Cần thiết phải có Luật Chung cư
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản đề xuất cùng Bộ Xây dựng những phương án, giải pháp trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà ở chung cư và những vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ.
Đặc biệt, trước những tranh chấp phát sinh ngày một nhiều tại hàng loạt nhà chung cư, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất xây dựng "Luật Chung cư" để đáp ứng yêu cầu phát triển chung cư trong những năm tới.
Trong báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TP.HCM thì trên địa bàn hiện có 1.367 nhà chung cư với 141.062 căn hộ (tăng gấp 2 lần so với năm 2009 và gấp 5,5 lần so với năm 1975), với tổng diện tích sàn xây dựng là 10.645.970 m 2 , diện tích bình quân căn hộ là 75 m 2 .
Tỷ lệ căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng 8,4% tổng số nhà ở trên địa bàn thành phố và đang có xu thế tăng mạnh trong quá trình đô thị hóa. Chỉ trong khoảng 05 năm trở lại đây, căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng 24,6% tổng số nhà ở xây dựng mới (trong khi tỷ lệ này ở các giai đoạn trước đây chỉ chiếm từ 3-10%).
Trước xu thế phát triển ngày càng nhiều nhà chung cư và do các tầng lớp nhân dân đô thị đang có xu thế lựa chọn sinh sống tại căn hộ chung cư dẫn đến tình hình tranh chấp tại các nhà chung cư có biểu hiện gia tăng. Toàn thành phố có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp.
Những tranh chấp xảy ra tại nhờ ở chung cư thường xoay quanh những vấn đề như: tranh chấp về quỹ bảo trì nhà chung cư; về dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư; rồi tranh chấp do chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, bầu Ban quản trị chung cư; về chất lượng xây dựng chung cư, chất lượng thiết bị, công trình phòng cháy chữa cháy;
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết tiến độ; một số chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, không được người mua nhà đồng ý; hay một số chủ đầu tư đã đưa dân vào ở khi chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình, không đảm bảo an toàn...
Ngoài ra, còn có những vướng mắc do Ban quản trị chung cư chưa được cấp con dấu; vướng mắc về chủ tài khoản của Ban quản trị chung cư do tại Khoản (2.c) Điều 36 Thông tư 02/2016/TT-BXD; hay vướng mắc về việc đóng góp kinh phí bảo trì đối với các chung cư được thực hiện trong giai đoạn Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực, vì Luật quy định không rõ như Luật Nhà ở 2014, dẫn đến tranh chấp do người mua nhà cho rằng đã nộp phí bảo trì khi ký hợp đồng mua nhà, trong lúc chủ đầu tư cho rằng chưa thu phí bảo trì này...
Để giải quyết những vướng mắc, tranh chấp tại nhà ở chung cư, HoREA đã kiến nghị cùng Bộ Xây dựng xem xét thực hiện nghiêm biện pháp cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho Ban quản trị có biện pháp yêu cầu đơn vị quản lý, vận hành chung cư chứng minh năng lực tài chính, đồng thời quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ đầu tư phải bàn giao nhà, làm "sổ đỏ" cho người mua nhà đúng cam kết theo hợp đồng.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an để thực hiện công tác cấp con dấu cho Ban quản trị chung cư theo quy định của Luật Nhà ở 2014, tạo điều kiện cho Ban quản trị thực hiện chức năng, nhiệm vụ; sớm ban hành tiêu chuẩn thiết kế, diện tích tối thiểu căn hộ nhà chung cư thương mại, sớm ban hành quy chuẩn về loại hình shophouse, officetel, serviced apartment trong khối nhà chung cư.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp chủ đầu tư thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, không được người mua nhà đồng ý cũng như xử lý nghiêm chủ đầu tư đưa dân vào ở khi chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình, không đảm bảo an toàn.