Cần Thơ trong 'tầm ngắm' của nhiều 'ông lớn' bất động sản
Sau Tập đoàn Vingroup, Novaland đã đầu tư tại Cần Thơ thì mới đây hàng loạt Tập đoàn có tên tuổi khác như T&T của "bầu Hiển", Sovico của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã được lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ chấp thuận nghiên cứu nhiều dự án có quy mô lớn.
Cần Thơ có thực sự là "bến đỗ" của cuộc "đại di cư"?
Vào cuối tháng 4 vừa qua đại diện UBND TP. Cần Thơ và Tập đoàn T&T đã ký kết hợp thỏa thuận tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T đề xuất được đầu tư vào 5 lĩnh vực tại TP. Cần Thơ, đó là: Đầu tư phát triển đưa huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái, sông nước miệt vườn và đầu tư Bảo Tàng nông nghiệp lúa nước tại đây. Lĩnh vực thứ hai được nhà đầu tư này đề xuất là xây dựng khu đô thị nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình thành phố công nghiệp với diện tích lên đến 7.500ha. Lĩnh vực thứ ba là đầu tư Trung tâm công nghiệp tại quận Ô Môn với đề xuất đưa diện tích công nghiệp lên đến 2.300ha.
Chia sẻ tại buổi lễ ký kết này, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, cho rằng: T&T không chỉ đến với địa phương vì "duyên nợ" hồi tái cơ cấu Bianfishco mà vì thành phố này đang nổi lên với vai trò trung tâm động lực của vùng. Bằng nguồn vốn đầu tư của Chính phủ, ODA cơ sở hạ tầng của địa phương đã có nhiều khởi sắc, đây chính là những "mật ngọt" thu hút nhà đầu tư đến làm ăn sinh sống tại địa phương.
Đại diện UBND TP. Cần Thơ và Tập đoàn T&T ký kết hợp tác chiến lược hồi cuối tháng 4/2021. Ảnh: An Hòa
Tiếp theo T&T là Tập đoàn Hòa Phát cũng đã đề xuất với UBND TP. Cần Thơ được khảo sát, nghiên cứu, đề xuất 2 dự án bất động sản (BĐS) quy mô trên 90ha tại quận Cái Răng và Ninh Kiều.
Đó là Khu đô thị thương mại - dịch vụ quy mô hơn 88ha tại quận Cái Răng. Dự án này trước đây được trao chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 586, tuy nhiên do nhà đầu tư này thiếu năng lực mà dự án bị treo hơn 10 năm buộc lòng chính quyền địa phương phải thu hồi để mời gọi nhà đầu tư khác.
Dự án thứ hai mà Tập đoàn Hòa Phát quan tâm là dự án Khu đô thị thương mại - dịch vụ 6,24ha tại khu đất vàng - Trung tâm hội chợ - triển lãm hiện hữu thuộc quận trung tâm Ninh Kiều.
Đáng chú ý là trong lúc dịch bệnh COVID-19 căng thẳng nhưng Tập đoàn Sovico của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO của Vietjet cũng đã đề xuất và được lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ chấp thuận cho tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các dự án Khu Logistics và Công nghiệp Hàng không, sửa chữa tàu bay Cần Thơ tại đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy với quy mô khoảng 1.650ha (giai đoạn 1 khoảng 350ha); Khu đô thị du lịch sinh thái Phong Điền, huyện Phong Điền với quy mô khoảng 1.000ha.
Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Nam Cần Thơ (DNC) vừa có Văn bản đề xuất với UBND TP. Cần Thơ được đầu tư Khu Đô thị sinh thái đại học quy mô 100ha, vốn đầu tư dự kiến 7.000 tỷ đồng tại quận Cái Răng.
DNC có mặt tại Cần Thơ hơn 8 năm, ban đầu chỉ tập trung vào lĩnh vực chính, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây đã "nở nồi" với các lĩnh vực kinh doanh xe ô tô, sản xuất xe điện, đầu tư bệnh viện và nay lấn sang lĩnh vực đầu tư BĐS.
BĐS Cần Thơ có thực sự hấp dẫn nhà đầu tư?
"Sau khi cao tốc TP.HCM và Cần Thơ thông tuyến thì thời gian đi lại giữa hai thành phố này chỉ mất hơn 2 giờ, đây là một lợi thế để Cần Thơ "hút" dòng vốn đầu tư lan tỏa từ TP.HCM chảy về. Vùng ĐBSCL hiện nay mặt bằng giá đất còn thấp hơn nhiều so với các tỉnh Miền Đông. Mặt khác gần đây hạ tầng kết nối vùng này đã được cải thiện, đầu tư vào đất đai tại đây có nhiều cơ hội tăng giá so với các tỉnh, giá đất đã lên mức quá cao như Đồng Nai, Bình Dương…", GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.
Đồng quan điểm trên, ông Dương Quốc Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ và Đầu tư Đất Xanh Miền Tây, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Cần Thơ cho rằng sau khi tuyến cao tốc Cần Thơ - TP.HCM hoàn thành thì thị trường BĐS tại Cần Thơ và các tỉnh Miền Tây sẽ còn phát triển hơn nữa.
"Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021-2025 sự cạnh tranh tại khu vực "đô thị mới nổi" này sẽ rất quyết liệt, doanh nghiệp nào nắm bắt được công nghệ, thị trường, đầu tư tốt thì sẽ nắm trong tay phần thắng nhiều hơn", ông Thủy nói.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ, năm 2020, tại ĐBSCL có nhiều dự án BĐS được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đầu đủ pháp lý được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín được thị trường đón nhận tích cực. Các dự án có vị trí trung tâm thành phố có mức giá bình quân từ 40-60 triệu đồng/m2; dự án khu vực cửa ngõ mức giá từ 20-30 triệu đồng/m2. Với mức giá này tăng bình quân khoảng 7% đến 10% so với năm 2019.
Theo Sở Xây dựng Cần Thơ, quy hoạch nhà ở của địa phương đặt ra kế hoạch đến năm 2020 diện tích nhà ở tăng thêm của địa phương đạt 12,8 triệu m2 sàn, tương đương 140.000 căn nhà nhưng thực tế chỉ thực hiện đạt 8,7 triệu m2 sàn, tương đương 32.000 căn nhà. Như vậy, đề đạt mục tiêu 29,8 m2 nhà ở/người vào năm 2030 thì cần đầu tư phát triển thêm 6,57 triệu m2 sàn, tương đương 50.000 căn nhà với nhu cầu quỹ đất trên 500ha, tổng mức đầu tư gần 80.000 tỷ đồng.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ cũng đưa ra dự báo, khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi, nền kinh tế cả nước được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ, các hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường BĐS sẽ cải thiện theo chiều hướng tích cực và như vậy lúc này đang là thời điểm để các doanh nghiệp "tích lũy" chờ ngày "bung hàng".
Nhà đầu tư