Cần tiền hay cơ chế?
Câu chuyện nợ xấu gần đây “nóng” trở lại. Một lần nữa, vấn đề đặt ra là cần tiền hay cơ chế để xử lý tình trạng này?
“Tít mù vòng quanh”
Sở dĩ, chuyện xử lý nợ xấu gần đây được quan tâm và bàn luận sôi nổi là do nhiều nhận định cho rằng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng được đưa xuống mức dưới 3% là chưa thực chất. Phần lớn số nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua về chưa xử lý được. Đến trung tuần tháng 9.2016, VAMC đã mua 421 khoản nợ của 314 khách hàng với số tiền 12.238 tỷ đồng.
Bên cạnh mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Quốc Hùng, đơn vị này đã phân loại khách hàng để đánh giá khả năng thu hồi nợ, từ đó xây dựng phương án xử lý đối với từng khoản. Nhờ triển khai nhiều giải pháp, với sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, từ đầu năm đến nay, VAMC đã thu hồi được 12.520 tỷ đồng.
Để hỗ trợ các tổ chức tín dụng giải quyết nợ xấu, Chính phủ đã chỉ đạo VAMC xem xét, trả lại cho các tổ chức tín dụng những khoản nợ mà họ có thể xử lý được. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đối với những khoản nợ tổ chức tín dụng thấy rằng có thể thu hồi được, VAMC ủy quyền hoàn toàn. “Trong quá trình xử lý nợ, nếu gặp khó khăn, VAMC sẽ hỗ trợ. Sau này nếu tổ chức tín dụng thấy có thể tự xử lý được và muốn mua lại khoản nợ đã bán cho VAMC thì VAMC sẵn sàng bán lại bằng đúng nguyên giá”.
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, cách thức xử lý nợ xấu đang “tít mù vòng quanh”. Khi đưa nợ xấu về, VAMC thiếu cơ chế, khuôn khổ pháp lý không thuận lợi nên không xử lý được thì các tổ chức tín dụng lại muốn lấy lại khoản nợ để họ tự xử lý. Tranh luận khá gay gắt gần đây là có nên sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu hay không. Thực ra vấn đề này đã từng được đề cập ngay từ thời điểm bắt đầu xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó có nội dung xử lý nợ xấu.
Mặc dù, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu có “tiền tươi thóc thật” như chuyên gia kinh tế - TS. Trần Du Lịch ví von, chắc chắn xử lý sẽ nhanh hơn. Nhưng trong bối cảnh ngân sách của chúng ta khó khăn, nợ công căng thẳng, đa số ý kiến đều băn khoăn và thậm chí bác bỏ giải pháp này.
Tiền không phải là tất cả
Thời điểm hiện nay, sau một giai đoạn triển khai xử lý nợ xấu, số chuyên gia ủng hộ việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu không nhiều. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho biết, khó có thể lấy thêm ngân sách để xử lý nợ xấu trong thời điểm này vì tiền còn phải dùng vào nhiều việc khác. Hơn nữa, nợ xấu không phải do lỗi của Nhà nước nên không thể cứ khó là kêu ngân sách. Thực tế ngân sách đã phải bỏ ra 2.000 tỷ đồng cấp cho VAMC hoạt động, nợ xấu hỗ trợ các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Tuy “tiền tươi” có vai trò quan trọng cho việc xử lý nợ xấu nhưng cơ chế chưa thông thì có tiền cũng không tiêu được. Chẳng hạn như, VAMC mua nợ theo giá thị trường thì phải bán theo giá thị trường. Nhưng muốn bán thì phải có thị trường mua bán nợ, trong khi ở Việt Nam chưa có thị trường này. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, khi VAMC mua nợ về để quản lý, theo dõi nếu không may thị trường biến động thì lỗ từ tổ chức tín dụng lại chuyển sang VAMC.
Trong khi quan điểm của VAMC tuy kinh doanh không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng phải bảo toàn được vốn. Đại diện của VAMC cho rằng, vấn đề ở đây không phải là cần có bao nhiêu tiền mà thực tế VAMC cần có cơ chế với hành lang pháp lý rõ ràng. Muốn mua bán nợ theo giá thị trường phải có phương thức định giá giá trị khoản nợ và cần có hướng dẫn về phương pháp định giá.
Một vấn đề quan trọng nữa đó là cơ chế xử lý tài sản bảo đảm phải thực hiện nghiêm, kiên quyết. Nếu không nghiêm, VAMC mua về không thu hồi được trái phiếu đặc biệt, không phát mại mà suốt ngày đi kiện tụng, nợ đọng một chỗ như vậy thì có tiền VAMC cũng không dám mua.
Đại biểu nhân dân