Cần “trả” cho người dân Thủ Thiêm những công trình công cộng văn hoá
Trước khi cuộc đấu giá lô đất vàng Thủ Thiêm đầu tháng 12 diễn ra, hẳn ít ai ngờ rằng dư âm và những ảnh hưởng của nó sẽ kéo dài đến thế.
Nhưng phiên đấu giá Thủ Thiêm cũng là cơ hôi giúp chúng ta một lần nữa nhìn nhận lại đúng vai trò và vị thế kinh tế của vùng đất này trong không gian phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, và thậm chí là cả khu vực.
Theo TS Phan Văn Ngoan, Viện trưởng Viện Kinh tế Xanh, để Thủ Thiêm trở thành trung tâm văn hoá, tài chính trong tầm nhìn phát triển thành phố dài hạn thì ngoài các khối nhà thương mại, cần phải "trả" cho người dân Thủ Thiêm những công trình công cộng, văn hoá ý nghĩa như bảo tàng, nhà hát…Những công trình này đấu giá kèm theo các khối thương mại như là một điều kiện để chọn doanh nghiệp tham gia. Người dân Thủ Thiêm họ sẽ thấy được đối xử công tâm hơn.
Viện Kinh tế Xanh đề xuất Thủ Thiêm cần phải có một đề tài nghiên cứu toàn diện, đặc biệt về giá trị kinh tế, mời các đơn vị có uy tín trong nước và quốc tế tham gia đánh giá đầy đủ vị thế khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cần tổ chức truyền thông mạnh, phổ cập thông tin về Thủ Thiêm đến các cấp chính quyền và người dân để hiểu đúng; Tổ chức các cuộc hội thảo để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học, truyền thông…cùng tham gia phân tích, chia sẻ nhiều góc nhìn khác nhau nhằm có thêm nhiều ý kiến, tư liệu phong phú để chính quyền thành phố tham khảo, quyết sách; Thành lập hội đồng thẩm định doanh nghiệp tham gia đấu giá: Đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp đủ tiềm lực về tài chính, năng lực thực thi, chấm điểm ý tưởng thiết kế và cần duy trì xuyên suốt quan điểm đấu giá tài sản công một cách công khai, minh bạch và tuân thủ pháp luật.
Quay trở lại vụ đấu giá Thủ Thiêm, sự việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc, tuyên bố đơn phương chấm hợp đồng vừa qua là một quyết định không được mong đợi vào thời điểm này, khi mà đông đảo người dân mong muốn chính quyền TP. Hồ Chí Minh có những nguồn lực cần thiết, tức thời, đủ lớn để thực thi những chính sách an sinh xã hội sau nhưng mất mát to lớn do dịch bệnh Covid để lại. Tuyên bố đơn phương chấm dứt hợp đồng và bỏ cọc của tập đoàn Tân Hoàng Minh làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động đấu giá bất động sản tại Thủ Thiêm vừa qua, dấy lên những quan ngại sâu sắc về tính chính danh và uy tín của hoạt động đấu giá tài sản công, làm giảm tính hiệu lực của pháp luật, tạo ra tiền lệ xấu trong hoạt động đấu giá, đấu thầu.
Tuy nhiên, không thể vì sự chệch hướng của một doanh nghiệp mà thay đổi cái nhìn về vị thế, thay đổi tầm nhìn dài hạn cũng như các chiến lược phát triển của một vùng đất.
Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, thành viên tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, trong chỉ đạo xử lý các tồn tại ở Thủ Thiêm, chủ trương từ Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng đều thống nhất đặt vấn đề là TPHCM nhanh chóng đấu giá nhà đất để thực hiện các nghĩa vụ tài chính, cũng như tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố. UBND TPHCM đã được sự chấp thuận của Ban Thường vụ Thành ủy và tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản công, đất công.
Trong bài viết xuất bản trên Sài Gòn Giải Phóng, ông Vũ lập luận rằng về phương thức triển khai chỉ đạo nói trên, đấu giá nhà đất (công) là một lựa chọn tối ưu nhất hiện nay, thay vì chỉ định giá, chỉ định thầu cho một vài doanh nghiệp, tập đoàn vốn gây ra nhiều hệ lụy pháp lý về sau. Đây cũng là cách để tối ưu hóa nguồn lực đất đai - tài sản công mà thế giới đang áp dụng. Bởi để đưa được tài sản (công) đủ điều kiện tham gia cuộc đấu giá, Nhà nước phải đáp ứng hoàn chỉnh các tiêu chí để cung cấp một tài sản - đất "sạch". Khung pháp lý đã được đảm bảo bởi chuỗi quy trình - trách nhiệm thông qua các bộ (sở) ngành, vốn được hiểu như là một đặc quyền (warrant) đã được định giá trước khi trao cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề là cần thiết lập một "chuẩn mực" cho việc sử dụng tài sản công, đảm bảo tính công khai, nhưng cũng phải thật sự công bằng với thị trường chung để tạo nguồn lực phát triển cho TPHCM trên mọi lĩnh vực.
TS Trương Minh Huy Vũ cũng cho rằng, cần một điểm nhìn cân bằng và công bằng đối với những vấn đề thuộc kinh doanh - thương mại, tránh hình sự hóa hoạt động kinh tế. TPHCM một mặt cần kiên quyết xử lý hiện tượng thổi giá đất, nạn đầu cơ bất động sản, gây rối nhiễu thị trường đất; mặt khác, trong những vấn đề vượt thẩm quyền, thành phố có thể kiến nghị Trung ương sớm có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thực thi hiệu quả.
Khẳng định khu đô thị mới Thủ Thiêm có vai trò hết sức đặc biệt vì nằm ở vị trí chiến lược thuộc dạng khan hiếm, đắc địa bậc nhất trên thị trường bất động sản không chỉ ở Việt Nam mà còn là của khu vực, TS Phan Văn Ngoan, Viện trưởng Viện Kinh Tế Xanh cho rằng, cần có một tầm nhìn đặt Thủ Thiêm trong không gian mạng lưới của các khu đô thị đắt giá, trung tâm tài chính kinh doanh của thế giới, thay vì chỉ nhìn vào những hoạt động mua bán trao tay ngắn hạn.