Canada trở thành "điểm sáng" cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ
Theo số liệu thống kế của Hải quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm nay Canada đã nhập khẩu gần 11 triệu USD các sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh chiếm tỉ trọng cao nhất 69%.
- 11-11-2018Vì sao nông sản Việt chưa được quan tâm đăng ký bảo hộ?
- 11-11-2018Cả nước có hơn 240.000 xe ô tô "quên" đăng kiểm
- 11-11-2018Loạt ô tô tiếp tục giảm giá mạnh trong tháng 11 này
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính trong tháng 9 đều giảm, Canada nổi lên như một điểm sáng với mức tăng trưởng đáng chú ý 142% so với tháng 9/2017.
Theo đó, Canada là nước có ngành công nghiệp đánh bắt rất phát triển. Mỗi năm nước này đánh bắt được hơn 3.800 tấn cá ngừ albacore Thái Bình Dương nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Do vậy, nước này vẫn phải nhập khẩu thêm cá ngừ từ các nước trên thế giới.
Tính đến hết năm 2017, Canada hiện đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 14 trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế, nửa đầu năm 2018, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Canada chiếm hơn 86% tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ của nước này.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và sản xuất cá ngừ trong nước, Canada đang nhập khẩu cá ngừ từ 46 nước trên thế giới. Trong đó, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam, Philippines, Italy, Indonesia, Sri Lanka, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc là 10 nguồn cung cá ngừ chính cho thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2018.
Trong số đó, các nước ASEAN chiếm tới hơn 84% tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ của Canada. Theo số liệu thống kê của ITC, xuất khẩu cá ngừ của các nước ASEAN sang thị trường này trong thời gian qua không ổn định, tăng giảm liên tục theo hình sin. Khối lượng nhập khẩu cá ngừ của Canada từ các nước ASEAN dao động từ 1,7 – 3,7 nghìn tấn trong 6 tháng đầu năm nay.
Hiện Thái Lan, Việt Nam và Philippines là 3 nguồn cung cá ngừ lớn nhất trong khối ASEAN cho thị trường này. Với thị phần lớn nhất, chiếm gần 75% tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ của Canada, Thái Lan đang chiếm lĩnh thị trường cá ngừ Canada, đặc biệt là trong phân khúc thị trường cá ngừ chế biến đóng hộp. Trong khi, Philippines và Việt Nam chỉ chiếm 4% thị phần.
Đáng chú ý, trong khi Canada có xu hướng giảm nhập khẩu cá ngừ từ Thái Lan, nhập khẩu từ các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam tăng. Điều này cho thấy các doanh nghiệp của Canada đang có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào nguồn cung từ Thái Lan. Bên cạnh đó, việc giá cá ngừ vằn tại Bangkok tăng cao đã làm giảm lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp của Thái Lan tại thị trường Canada.
Ngoài ra, do lượng cá ngừ cập cảng tại Thái Lan đang có xu hướng giảm trong thời gian qua, do lệnh cấm khai thác tại các vùng biển, nguồn cung cá ngừ chế biến của Thái Lan cũng bị hạn chế. Vì vậy, Canada phải tìm nguồn thay thế từ các nước khác như Philippines và Việt Nam.
Theo số liệu thống kế của Hải quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm nay Canada đã nhập khẩu gần 11 triệu USD các sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh chiếm tỉ trọng cao nhất 69%. So với năm ngoái, xuất khẩu các mặt cá ngừ của Việt Nam sang Canada đều tăng so với cùng kỳ, trừ các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh.
Trong khi các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp nhập khẩu vào Canada bị áp thuế, các sản phẩm cá ngừ tươi, sống và đông lạnh lại được miễn thuế nhập khẩu. Hiện cá ngừ đóng hộp của Việt Nam xuất khẩu sang Canada đang bị áp thuế 4%, trong khi Thái Lan 5,8%, Philippines 4%, Mỹ 0% và Italy 5,8%.
Theo VASEP, với việc miễn thuế nhập khẩu cá ngừ tươi sống và đông lạnh và thuế nhập khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp thấp, Canada là thị trường xuất khẩu điểm sáng cho các doanh nghiệp trong thời điểm này. Nhất là trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu cá ngừ của các thị trường lớn truyền thống như Mỹ và EU đang không ổn định.
Nhịp sống kinh tế