MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng Mỹ-Trung thời Donald Trump

22-12-2016 - 09:20 AM | Tài chính quốc tế

Trong cuộc đua tranh cử tổng thống, ông Donald Trump từng lên án Trung Quốc “cưỡng hiếp” Hoa Kỳ và thề sẽ “lấy lại công ăn việc làm cho người Hoa Kỳ”. Không chỉ vậy, sau khi đắc cử ông còn tỏ ý xem thường chính sách “một Trung Quốc” đối với đảo Đài Loan, gọi Trung Quốc là “ăn cắp”... Tất cả những điều này là dấu chỉ cho một mối quan hệ căng thẳng giữa 2 cường quốc đứng đầu kinh tế thế giới trong thời gian tới.

Nếu ông Trump làm đúng những gì đã nói trong khi tranh cử, chắc chắn chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ xảy ra. Trên thực tế, ông Trump có vẻ như đã chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc từ tháng 4-2016, khi đưa ra cáo buộc về chính sách tiền tệ của Bắc Kinh.

Sẽ đánh thuế hàng Trung Quốc 45%?

Nói về thương mại với Trung Quốc, ông Trump từng cáo buộc Bắc Kinh là “gian lận”, là “kẻ trộm lớn nhất lịch sử thế giới”. Trump cho biết sẽ tuyên bố Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ” ngay ngày đầu tiên ông làm tổng thống và sẽ áp thuế 45% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cho đến nay vẫn không rõ ông tỷ phú tổng thống này sẽ thực hiện bao nhiêu phần trăm những lời hô hào trước bầu cử của ông. Nhưng nếu ông làm như đã nói, chắc chắn sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Và cũng như tất cả các cuộc chiến tranh khác, kết quả rất khó dự đoán, ngoại trừ điều chắc chắn là tất cả các bên liên quan đều chịu nhiều đau đớn.

Tại sao Trump muốn tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ? Và điều đó có ý nghĩa như thế nào? Trong vài thập niên qua, Chính phủ Trung Quốc nhìn chung giữ giá đồng NDT ở mức thấp hơn thực tế. Điều đó giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, cạnh tranh hơn ở nước ngoài. Trong khi đó khiến hàng Hoa Kỳ nhập vào Trung Quốc đắt đỏ hơn, làm giảm nhu cầu tiêu thụ hàng Hoa Kỳ ở thị trường 1,3 tỷ dân.

Biếm họa về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Biếm họa về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Trump tin rằng việc thao túng tiền tệ của Trung Quốc về cơ bản là không công bằng và không thể dung thứ. Do đó, ông đã đề xuất đánh thuế thật nặng lên hàng Trung Quốc như một cách trừng phạt. Tuy nhiên, vấn đề là những cáo buộc của ông đã không còn hợp thời. Đa số các nhà kinh tế đều cho rằng trong vài năm qua Trung Quốc đã dịch chuyển khỏi chính sách NDT giá rẻ. Hiện nay, các lực lượng thị trường chứ không phải chính phủ Trung Quốc khiến đồng NDT xuống giá. Ngược lại, trong vài tháng qua, Chính phủ Trung Quốc đã cố can thiệp để giữ đồng NDT khỏi bị giảm giá so với USD và một số đồng tiền khác.

Tuy nhiên, nếu Trump muốn làm “quân tử nhất ngôn”, nói là làm, vẫn tuyên bố Trung Quốc thao túng tiền tệ, thì điều gì diễn ra kế tiếp? Hệ quả chính của việc tuyên bố Trung Quốc thao túng tiền tệ có thể cho phép chính phủ ông Trump danh chính ngôn thuận áp thuế cao lên hàng Trung Quốc nhập vào Hoa Kỳ.

Hiện nay, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nhau, nhưng không lớn lắm. Bình quân thuế nhập khẩu của hàng Trung Quốc vào Hoa Kỳ là 3,5%, tương đương thuế suất nước này dùng cho tất cả đối tác không có thỏa thuận thương mại nào đặc biệt. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc áp 10% thuế nhập khẩu đối với hàng Hoa Kỳ, cũng tương đương mức bình quân họ áp cho các nước không có thỏa thuận thương mại.

Trump có thể áp thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn nếu không muốn tạo cú sốc lớn, ông có thể áp thuế nhập khẩu 15% đối với một số mặt hàng như may mặc và da giày. Còn nếu nhiều tham vọng như trước đây, ông có thể áp thuế lên tới 45% với hàng hóa Trung Quốc. Đầu tiên, Trung Quốc có thể thông qua WTO để giải quyết vấn đề, nhưng điều này sẽ mất tới 18 tháng. Nhưng ngược lại Bắc Kinh cũng có thể chọn cách ăn miếng trả miếng. Thí dụ, để đáp lại thuế suất 45%, Trung Quốc có thể áp thuế lên tới 60% với hàng nhập từ Hoa Kỳ. Khi đó, Hoa Kỳ có thể nâng thuế suất lên nữa.

Cả 2 cùng thiệt

Giới quan sát tin rằng một khi Trump nâng thuế suất lên 45%, thương mại giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc sẽ bị tê liệt. Khi đó, có thể hàng loạt hợp đồng máy bay Boeing sẽ bị thay thế bằng Airbus, doanh số xe hơi, iPhone và đồ điện tử Hoa Kỳ tại Trung Quốc sụt giảm mạnh, bắp và đậu nành nước này cũng không thể thâm nhập thị trường Trung Quốc nữa.

Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào thị trường Hoa Kỳ hơn Hoa Kỳ phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Theo thống kê, trong năm 2015 Trung Quốc xuất khẩu khoảng hơn 480 tỷ USD vào thị trường Hoa Kỳ, trong khi chiều ngược lại chỉ đạt khoảng gần 145 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu để mất thị trường Trung Quốc sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến các ngành sản xuất của Hoa Kỳ, từ các sản phẩm nông nghiệp cho đến những thiết bị công nghệ, điều đó sẽ khiến nhiều người Hoa Kỳ thất nghiệp.

Trong một cuộc chiến thương mại, những công ty như Apple sẽ đối mặt với sự sụp đổ khủng khiếp trong dây chuyền cung ứng và phải đẩy giá sản phẩm tăng mạnh để bù lại, có thể khiến một lượng lớn khách hàng quay lưng. Điều này càng nghiêm trọng khi thị trường điện thoại thông minh ở Trung Quốc lớn gần gấp đôi thị trường Hoa Kỳ và Tây Âu cộng lại.

Viện Peterson đã nghiên cứu kịch bản khi Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh thương mại với cả Trung Quốc và Mexico dựa trên những đe dọa của Trump, theo đó Hoa Kỳ có thể rơi vào suy thoái kinh tế và mất khoảng 4,8 triệu việc làm khu vực tư nếu áp thuế nhập khẩu 45% lên hàng hóa Trung Quốc và 35% lên hàng hóa phi dầu mỏ từ Mexico.

Trong thực tế, những hàng rào thuế quan Hoa Kỳ dựng lên là lợi bất cập hại. Chẳng hạn, năm 2009 Hoa Kỳ áp thuế 25-35% đối với lốp xe tải và xe hơi nhập từ Trung Quốc trong vòng 3 năm. Ngành sản xuất lốp xe trong nước gia tăng khi mới triển khai, nhưng sau đó những nước khác đã nhanh chân thế chỗ Trung Quốc. Theo Thời báo Los Angeles, lốp nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia đã gia tăng gấp đôi về giá trị. Và vì giá lốp xe tăng, việc làm ngành bán lẻ lốp xe giảm. Viện Peterson ước tính số việc làm mất trong ngành bán lẻ lớn hơn số việc làm tạo ra trong ngành sản xuất.

Nhưng bên nổ phát súng đầu tiên trong cuộc chiến này không phải Hoa Kỳ mà là Trung Quốc. Ngày 12-12 vừa qua, nước này đã chính thức kiện Hoa Kỳ và châu Âu ra tòa án Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Chuyện bắt đầu từ cách nay 15 năm, khi thỏa thuận gia nhập WTO, Trung Quốc được hứa hẹn sẽ được xem là nền kinh tế thị trường sau 15 năm gia nhập. Ngày 11-12 vừa qua là tròn 15 năm, nhưng cả Hoa Kỳ và châu Âu đều không thừa nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, tức vẫn duy trì các loại thuế chống phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc.

(Còn tiếp)

Theo Vĩnh Cẩm

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Trở lên trên