MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Càng tinh giản càng phình to

10-06-2017 - 08:30 AM | Xã hội

Thay vì đánh giá, kiến nghị hay đề xuất các giải pháp khi thảo luận về kinh tế - xã hội, vị phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy là trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái lại lấy nghị trường làm nơi để "giải trình" cho vấn đề thừa cấp phó tại tỉnh này.

Và dù có lạc đề song ông phó bí thư Tỉnh ủy cũng vẫn khiến người ta thêm băn khoăn. Bởi thừa nhận có tới 4 sở thừa cấp phó nhưng ông lại cho rằng là do "hậu quả" của việc sáp nhập sở nhiều năm nay. Thậm chí, ông còn thản nhiên giải thích: "Anh em phân công nhau không được, hạ xuống không được. Người Việt Nam chúng ta là thế".

Thừa cấp phó hay nhìn rộng ra là bộ máy hành chính cồng kềnh, nặng nề cũng đã được đề cập tới dưới một góc độ khác tại Quốc hội chỉ 1 ngày trước đó. Khi góp ý về vấn đề xây dựng sân bay Long Thành, đại biểu Phạm Minh Chính đã cho rằng chỉ giảm chi thường xuyên 1% trong 2 năm liên tiếp là gần đủ tiền giải phóng mặt bằng sân bay này. Theo vị đại biểu là trưởng Ban Tổ chức trung ương, chỉ cần giảm chi thường xuyên 1% trong năm 2017 là tiết kiệm được 10.000 tỉ đồng và chỉ cần giảm tiếp năm nữa là ngân sách dư ra 20.000 tỉ đồng, gần đủ để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành với dự toán cần khoảng 23.000 tỉ đồng.

Thoạt nghe thấy hay và có thể thực hiện được nhưng bắt tay vào làm thì lại chẳng hề đơn giản. Chính ông trưởng Ban Tổ chức trung ương cũng đã cho biết sau 2 năm triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì biên chế không giảm mà lại tăng.

Nghịch lý biên chế càng tinh giản lại càng phình to thực sự là một vấn đề nan giải lâu nay. Trước đó, sau 5 năm khi nhìn lại một nghị định về tinh giản biên chế ban hành 2007, cán bộ, công chức từ trung ương tới huyện không những không giảm mà còn tăng 42.000 người; cán bộ công chức cấp xã tăng 14.000 người.

Bộ máy nặng nề kéo theo bao hệ lụy tiêu cực. Trước hết là ngân sách phải dành một khoản chi lớn để trả lương cùng những hoạt động thường xuyên của đội ngũ cồng kềnh này. Biên chế dư thừa dẫn tới tình trạng một bộ phận đáng kể công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", mà có những ý kiến cho rằng chiếm tới 30%. Một hệ lụy đáng lo ngại khác xuất phát từ thắc mắc mà ai cũng hiểu là "làm nhà nước lương thấp sao nhiều người vẫn muốn lao vào". Đây có thể là căn nguyên của sự nhũng nhiễu, khó dễ nằm trong bộ máy hành chính.

Để khỏi phải lo càng tinh giản, bộ máy càng phình to, có lẽ đã đến lúc cần những biện pháp mạnh và hiệu quả hơn. Cùng với quan điểm nhà nước chỉ nắm giữ những gì then chốt, cốt lõi thì nên để xã hội hóa, dịch vụ hóa hành chính công mà việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tính việc thí điểm chuyển giáo viên từ biên chế sang hợp đồng là một ví dụ.

Theo Phan Dương

Ngưởi lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên