MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảnh báo: Uống nước đun sôi để nguội quá 2 ngày dễ nhiễm bệnh

10-09-2017 - 21:31 PM | Sống

Nhiều người có thói quen tích trữ nước đun sôi để nguội dùng dần trong vài ngày, thậm chí cả tuần lễ liền. Tuy nhiên đây là điều hoàn toàn sai lầm.

Gia đình bác Hồ Quỳnh (Hà Nam) thường có thói quen đun sôi nước rồi để nguội, sau đó tích trữ vào một bình nước lớn 20 lít để dùng. Bác Quỳnh cho biết, làm như vậy để mọi người trong nhà lúc nào cũng có nước nguội để sử dụng, rất tiện lợi trong những ngày nóng bức. Hễ cứ vơi lại đầy, bình nước trong nhà bác lúc nào cũng được “tiếp nước” liên tục.

Tuy nhiên, nước để lâu ngày liệu có tốt cho sức khỏe. Giải đáp vấn đề này, PGS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế Công cộng, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội; Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, BV K Trung ương cho biết, sau khi đun sôi thì việc bảo quản nguồn nước đó trong 1 ngày hay 2 ngày cần đặc biệt lưu ý. Nếu chúng ta không đậy kín bình nước thì dễ bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, dụng cụ chứa nước, nắp đậy cũng cần phải đảm bảo vệ sinh tránh gây bẩn nguồn nước.

Không nên uống nước đun sôi để nguội quá 2 ngày. Ảnh minh họa.

Không nên uống nước đun sôi để nguội quá 2 ngày. Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ Ninh Văn Giang – Chuyên gia lọc nước, nước rất quan trọng, chiếm đến 70% trọng lượng cơ thể, trong máu nước chiếm 83%, não, cơ thì nước chiếm 75% trọng lượng, thậm chí xương thì nước cũng chiếm đến 23%. Nước có vai trò đưa chất dinh dưỡng đi toàn bộ cơ thể, giúp bôi trơn cơ khớp, mắt, nước giúp đảo thải chất thải trong cơ thể. Nước còn giúp cơ thể phòng bệnh và bản thân nước cũng bảo vệ một số bộ phận cơ thể.

Song việc uống nước ra sao hằng ngày thì không phải ai cũng biết. “Chúng ta phải uống đủ, đúng, đều, theo quan điểm của tôi nước uống hằng ngày thì chúng ta nhân với số 4 tức là với người 60kg thì lượng nước uống là 2,4 lít một ngày (bao gồm cả nước và lượng nước trong thực phẩm). Uống đều là không phải cứ chờ khi cơ thể khát mới uống cứ 1 tiếng uống một cốc, tránh tình trạng đến lúc cơ thể báo động khát nước mới uống”- ThS Giang cho biết.

Về việc uống nước đun sôi để nguội, ThS. Giang cho rằng, nếu chúng ta đun sôi từ nước máy chưa qua công nghệ lọc nào thì phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước. Thông thường nước máy mới đảm bảo là nước sạch chứ chưa phải là nước an toàn, có thể còn nguy cơ kim loại nặng, độc tố trong nước. Việc đun sôi mới chỉ đảm bảo diệt khuẩn, nước đun sôi nếu để khoảng 2 ngày thì các chất hóa học trong nước sẽ biến đổi. Nước sau khi đun sôi để tiếp xúc với không khí cũng có thể biến đổi. Vì vậy cũng không nên sử dụng nước đun sôi để 2 ngày vì có thể có nguy cơ sinh khuẩn. Thông thường nước từ các máy lọc nước đã đảm bảo tiêu chuẩn tinh khiết an toàn thì không cần đun sôi. Nếu đun sôi thì chỉ nên uống trong ngày hoặc lâu nhất là 48 tiếng chứ không nên để quá lâu.

Cũng theo ThS. Giang, hầu hết mọi người quan niệm là nước trong là sạch, điều này là sai vì nước trong thì là chúng ta không nhìn thấy cặn bẩn hữu cơ, cặn bẩn làm đục nước. Còn trong nước còn nhiều yếu tố đảm bảo nước an toàn hay không. Nước an toàn đảm bảo các loại kim loại nặng, hóa chất trong nước, các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh đảm bảo. Với nước đục thì về mặt vô cơ và hữu cơ là không đảm bảo an toàn, sau đó có thể có nguy cơ về kim loại nặng, nguy cơ về vi sinh.

“Trước đây tôi đến một làng ở Vĩnh Phúc, khi cả làng dùng chung một nguồn nước giếng, người ta cho rằng giếng được đào sâu hơn 40m thì sạch nhưng khi đo hàm lượng asen thì cao gấp 10 lần cho phép. Như vậy không phải trong là sạch. Cũng như vậy nước máy chỉ đảm bảo dùng cho tắm, giặt chứ chưa phải đảm bảo cho tiêu chuẩn ăn uống. Để đảm bảo nước an toàn thì chúng ta nên sử dụng một công nghệ lọc nước nào đó để làm sạch nguồn nước”- ThS. Giang nói thêm.

Theo Dương Hải

Đời sống và Pháp luật

Trở lên trên