Cảnh giác với “bóng ma” lạm phát
Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5.2016 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 1,88% so với tháng 12.2015 đang là mối lo ngại về nguy cơ lạm phát cao sẽ quay trở lại trong năm nay.
- 24-04-2016Lạm phát đào tạo tiến sỹ: Những tiến sỹ trong cuộc nói gì?
- 23-04-2016Giá dịch vụ y tế, giáo dục sẽ làm tăng lạm phát
- 22-04-2016IMF: Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát thấp
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính trong 10 năm gần đây, thì mức tăng CPI trong tháng 5.2016 ở mức 0,54% là khá cao, chỉ thấp hơn mức tăng 0,8%; 3,91% và 2,21% của tương ứng tháng 5 các năm 2007, 2008, 2011 - là những năm Việt Nam có lạm phát rất cao. Ngoài những yếu tố khiến CPI tháng 5.2016 cao như tăng giá xăng dầu, giá lương thực nhảy vọt, dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng… , thì nguy cơ vẫn chưa dừng lại ở đó. Liên tiếp từ tháng 2 đến nay, giá dầu thô đã liên tục tăng và có nguy cơ chạm mốc 50 USD/thùng sẽ tác động làm tăng giá hầu hết các vật tư, nguyên liệu.
Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 85% nguyên, nhiên liệu, vật tư, thiết bị cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thì việc giá dầu thô tăng sẽ đẩy chi phí, giá thành sản xuất tăng lên”.
Chưa dừng lại ở đó, các vấn đề cá chết ở vùng biển các tỉnh miền Trung, hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, tôm chết hàng loạt tại nhiều tỉnh… sẽ khiến thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá các mặt hàng nông sản tăng lên… sẽ tiếp tục tác động đến CPI trong những quý tới. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện tại giá các mặt hàng nông lâm thủy sản đã tăng lên do thiếu hụt nguồn cung như: Cá tra, tôm giống, gạo… Điều đáng lo ngại là những bất thường về thời tiết, khí hậu vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, là nguyên nhân gây thiếu hụt về nguồn cung tạo tác nhân tác động đẩy CPI tăng lên.
Cảnh báo về điều này, trong kỳ báo cáo Chính phủ tháng 4.2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhấn mạnh xu hướng lạm phát đang có “dấu hiệu tăng lên” và có khả năng vượt qua mục tiêu 5% mà Chính phủ và Quốc hội đề ra. “Nhiều yếu tố cả đầu vào và tổng cầu sẽ gây áp lực tăng giá trong thời gian tới”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích như vậy. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tháng trước, lạm phát mới chỉ là 1,33%, còn tháng này thì đã tăng lên 1,88%, và con số này có khả năng sẽ cao hơn ở các tháng tiếp theo.
Lao động