Cảnh sát chống khủng bố vào cuộc điều tra vụ máy bay Vietnam Airlines bị dọa 'bắn hạ'
Ngay chiều 5/1, lực lượng phòng chống khủng bố và Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) đã vào cuộc làm rõ vụ máy bay Vietnam Airlines bị doạ bắn hạ trên vịnh Tokyo.
Ngày 5/1, chuyến bay mang số hiệu VN5311 của Vietnam Airlines đã bị dọa bắn hạ khi chuẩn bị bay qua Vịnh Tokyo - Nhật Bản để về Việt Nam.
Trao đổi với PV, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết, hiện lực lượng phòng chống khủng bố và Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) - đang phối hợp với Nhật Bản điều tra vụ việc máy bay Vietnam Airlines bị đe dọa bắn hạ.
Cụ thể, trong chiều qua, các cơ quan này đã làm việc với Cục Hàng không Việt Nam và trong ngày hôm nay, cơ quan công an Việt Nam sẽ liên hệ với đầu mối phía cảnh sát Nhật Bản để điều tra, xác định nghi phạm.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cũng thông tin, đã có báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để phối hợp với các nhà chức trách liên quan của phía Nhật Bản. Hiện cơ quan chức năng của hai nước đang phối hợp điều tra.
Trao đổi với PV, một cán bộ phụ trách an ninh hàng không cho hay, việc gọi điện thoại đe dọa khi máy bay đang bay diễn ra rất nhiều với các hãng hàng không trên thế giới. Ngay tại Việt Nam cũng từng xảy ra một vụ việc tương tự.
Theo vị này, kể cả đây là cuộc gọi đùa cợt thì cũng mang tính phá hoại rất cao, phá vỡ nỗ lực mở lại hàng không quốc tế giữa Việt Nam - Nhật Bản và sẽ bị xử lý theo đúng quy định.
Vị này nhấn mạnh, Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của Công ước Montreal 1971 về ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng.
Các nước tham gia đều có trách nhiệm truy tố về mặt hình sự, không ai bỏ qua. Về mặt quy định, khi bay qua vùng trời (FIR) nước nào, thì nước đó đều phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn, an ninh của các chuyến bay.
Việc xác định đây có phải là hành vi khủng bố hay uy hiếp an toàn, an ninh quốc gia hay không sẽ do cơ quan an ninh điều tra làm rõ.
Vị này cũng thông tin, các tình huống đe doạ an ninh hàng không đều được lường trước, nằm trong phương án được xây dựng theo các kịch bản khác nhau.
Do đó, khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra đều có phương án xử lý cụ thể.
Theo vị này, với các hãng hàng không Việt Nam đều phải xây dựng chương trình an ninh hàng không riêng. Các tình huống an ninh đều phải được bao quát trong đó. Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan phê duyệt chương trình an ninh hàng không này.
Định kỳ hàng năm, các hãng hàng không phải đánh giá lại chương trình an ninh hàng không để kịp thời sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết.
Chương trình an ninh, quy chế an ninh hàng không phải được kịp thời sửa đổi, bổ sung khi không còn phù hợp với quy định hiện hành hoặc không đáp ứng yêu cầu trong quá trình triển khai, thực hiện.
Đối với vụ việc xảy ra với Vietnam Airlines hôm nay (5/1), vị này nhấn mạnh, phương án xử lý đã nằm trong các kịch bản được lường trước.
Theo vị này, Vietnam Airlines đã kịp thời triển khai quy trình ứng phó khẩn nguy an ninh để xử lý vụ việc theo đúng quy định, bảo đảm an toàn cho chuyến bay.
Trước đó, chuyến bay VN5311 khởi hành lúc 10 giờ 30 (giờ địa phương), gồm 15 thành viên tổ bay (12 tiếp viên và 3 phi công), trong đó có 2 cơ trưởng, cùng 47 hành khách.
Khoảng 11 giờ 10 (giờ địa phương), chi nhánh VNA tại Nhật Bản nhận được cuộc điện thoại từ một đối tượng giọng nam giới tự xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, với nội dung trao đổi: "Chuyến bay VN5311 tốt nhất là quay lại Narita, nếu không sẽ bị bắn hạ khi bay qua vịnh Tokyo".
Khi nhân viên nhận điện thoại hỏi: "Ông có thể nói lại điều ông vừa nói được không" thì người đàn ông trả lời: "Tôi đang chuẩn bị bắn VN5311 khi bay qua vịnh Tokyo, tốt nhất nên quay lại".
Các bước xử lý sau đó đã được kích hoạt giữa 2 nước, máy bay được cho quay đầu hạ cánh tại sân bay Fukuoka.
Sau khi nhà chức trách hàng không Nhật xem xét mọi dấu hiệu an toàn, chuyến bay được cho phép bay trở lại Hà Nội, hạ cánh an toàn chiều tối 5/1.
Xem xét đình chỉ công tác Vụ phó của Bộ TN-MT tát thẳng mặt người phụ nữ hàng xóm
Doanh nghiệp và tiếp thị