MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao su Sao Vàng sở hữu gì để được định giá gấp đôi thị giá?

Mặc dù hoạt động kinh doanh đang xấu đi theo xu hướng ngành nhưng Cao su Sao Vàng lại có lượng đất đai khá lớn.

Cổ phiếu bật tăng trần

Ngày 15/5, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) công bố quyết định bán đấu giá 4,2 triệu cổ phiếu CTCP Cao su Sao Vàng (HoSE: SRC), tương đương với 15% vốn điều lệ qua Sở GDCK TP HCM (HoSE) vào ngày 4/6.

Giá khởi điểm chào bán là 46.452 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị thu về cho Nhà nước xấp xỉ 196 tỷ đồng. Con số này dựa trên Chứng thư thẩm định giá của công ty Kiểm toán và Định giá Việt Nam (thời điểm định giá 1/7/2018).

Theo kết quả thẩm định, Vinachem sở hữu 14,3 triệu cổ phiếu, chiếm 51% vốn điều lệ. Giá trị thực tế của SRC tại ngày 1/7/2018 là hơn 1.835 tỷ đồng. Giá trị thực tế phần vốn chủ sở hữu là 1.278 tỷ đồng, trong đó của Vinachem là 665 tỷ đồng, tương ứng với 46.452 đồng/cp.

Trên thị trường chứng khoán, giá tham chiếu bình quân cổ phiếu SRC trong 30 ngày giao dịch liên tiếp trước ngày công bố thông tin (28/3-14/5) là 20.252 đồng/cp. Kết quả này thấp hơn kết quả thẩm định giá, do vậy, giá khởi điểm cuối cùng được lấy là 46.452 đồng/cp.

Cao su Sao Vàng sở hữu gì để được định giá gấp đôi thị giá? - Ảnh 1.

SRC bật tăng mạnh nhưng còn cách xa giá khởi điểm chào bán. Nguồn: VnDirect.

Sau khoảng thời gian tích lũy dài đầu năm, cổ phiếu SRC bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 5, từ vùng 20.000 đồng/cp lên mức 28.000 đồng/cp (ngày 17/5). Chỉ riêng 3 phiên giao dịch sau công bố thông tin đấu giá, thị giá SRC đã tăng gần 20%, trong đó có 2 phiên tăng trần và trắng bên bán.

Sở hữu khu đất vàng 231 Nguyễn Trãi

Theo báo cáo tài chính quý I, tổng tài sản của doanh nghiệp là 827 tỷ đồng, trong đó SRC không ghi nhận giá trị đất đai trong cả tài sản cố định hữu hình và thuê tài chính.

Theo bản công bố thông tin chào bán cổ phần, Cao su Sao Vàng hiện có quỹ đất sản xuất kinh doanh, thương mại, khu công nghiệp khá lớn.

Với đất trả tiền một lần, SRC có 43m2 đất thương mại văn phòng tại Quận 1, TP HCM; đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại Đà Nẵng có diện tích 2.475m2 và có đến 212.538m2 đất khu công nghiệp tại KCN Châu Sơn, Hà Nam.

Với đất trả tiền thuê hàng năm, SRC sở hữu gần 31.644m2 đất làm trụ sở và kinh doanh tại Thái Bình; nắm giữ tổng cộng 84.735m2 đất sản xuất kinh doanh tại 3 khu vực tỉnh Vĩnh Phúc; và gần 2.700m2 đất văn phòng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Đáng chú ý, SRC đang có khu "đất vàng" 62.438m2 tại số 231 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là khu đất sử dụng làm trụ sở văn phòng và đã có chủ trương xây dựng dự án “Tổ hợp thương mại và Nhà ở Sao Vàng Hoành Sơn”.

Cao su Sao Vàng sở hữu gì để được định giá gấp đôi thị giá? - Ảnh 2.

Khu đất vàng 231 Nguyễn Trãi trên Google Maps.

Trước đó tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2016, SRC đã thông qua việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Tập đoàn Hoành Sơn. Theo đó Hoành Sơn sẽ hỗ trợ 435 tỷ đồng để SRC tiến hành di dời Nhà máy khỏi 231 Nguyễn Trãi về Khu công nghiệp Châu Sơn, tỉnh Hà Nam.

Hai bên cũng thành lập công ty liên doanh Sao Vàng - Hoành Sơn để triển khai dự án với vốn điều lệ hiện nay 500 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Hoành Sơn sở hữu 44,6% vốn, SRC chiếm 26% (tương đương 130 tỷ đồng) và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Thịnh Phát nắm 29,4%. Tuy nhiên, SRC đang xây dựng lộ trình, kế hoạch thoái phần vốn góp này.

Hiện nay Hoành Sơn đã chuyển 2 đợt tiền hỗ trợ cho SRC tổng cộng 143,5 tỷ đồng. Đợt thanh toán thứ 3 số tiền 150 tỷ đồng sẽ thực hiện đồng thời khi công ty hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và di dời nhà máy, sau khi công ty bàn giao cho công ty liên doanh một phần khu đất có diện tích khoảng 3-4ha.

Kinh doanh xấu đi theo xu hướng ngành

Tiền thân của SRC là Nhà máy Cao su Sao Vàng được thành lập năm 1960. Công ty chuyển đổi sang mô hình CTCP vào năm 2005 và bắt đầu niêm yết trên HoSE kể từ 2009. Sản phẩm kinh doanh chính là cao su, xuất nhập khẩu máy móc, hóa chất,... với địa bàn chính ở Hà Nội, TP HCM và xuất khẩu các nước Angola, Đông Nam Á, Mỹ,...

Sau nhiều lần tăng vốn, công ty hiện có vốn điều lệ 280 tỷ đồng; trong đó có 2 cổ đông lớn là Vinachem (51%) và ông Nguyễn Tiến Ngọc (6,22%).

Hoạt động kinh doanh của SRC theo chiều hướng ngày càng giảm sút về lợi nhuận. Kết thúc năm 2018, SRC ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ 12,2 tỷ đồng, giảm đến 64% so với 2017 và là năm thứ 3 liên tiếp lợi nhuận giảm. Trong quý I/2019, công ty cũng chỉ có lãi 2,5 tỷ đồng, bằng phân nửa cùng kỳ. Điểm sáng là SRC vẫn duy trì mức doanh thu khá ổn định khoảng 900-1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Cao su Sao Vàng sở hữu gì để được định giá gấp đôi thị giá? - Ảnh 3.

Doanh thu và lợi nhuận qua các năm của SRC.

Cao su Sao Vàng nhận định ngành công nghiệp cao su và công ty vẫn gặp nhiều khó khăn. SRC cũng thừa nhận sức mua của thị trường yếu, xu hướng tiêu dùng thay đổi nhanh, công ty chưa đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là chưa có sản phẩm lốp Radial khi dự án di dời nhà máy chưa được phê duyệt phương án đầu tư... đã ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong năm 2019, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần giảm nhẹ còn 915 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 16,8 tỷ đồng, tăng 38%. Với con số quý I, công ty mới thực hiện 15% kế hoạch lãi cả năm.

Theo Huy Lê

Người đồng hành

Trở lên trên