MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cào thứ tưởng bỏ đi, thu tiền triệu mỗi ngày

06-01-2022 - 08:16 AM | Thị trường

Theo con nước triều rút, hàng chục ngư dân dọc biển Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đến vùng biển xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình) bắt đầu mang theo bộ cào để sàng lọc từng lớp cát biển, khai thác chằng chằng.

Mũi Né những ngày đầu tháng chạp, mặt trời lên chậm hơn mọi khi dù đã hơn 5 giờ sáng. Nhận cuộc gọi từ những người cùng nghề, ông Lục Xóc Phát (khu phố 14, Mũi Né) húp nhanh ngụm trà đang uống dở rồi mang bộ dụng cụ cào nhám đèo lên xe máy, phóng nhanh ra biển Long Sơn. "Nghề này đánh theo con nước thủy triều. Hễ nước bắt đầu rút tới đầu gối là mình phải cào ngay từ từ ra xa theo con nước. Nếu chậm quá, nước rút hết, cát khô cứng thì không cào được gì nữa" - vừa nói, ông Phát vừa nhanh tay cào lắc giật ngược về phía sau.

Bộ dụng cụ ông Phát cùng nhiều ngư dân phường Mũi Né dùng để cào chằng chằng có là một cán gỗ dài quá đầu người gắn vào khung inox nối với tấm lưới rộng chừng 3 m. Phía trước khung inox được thiết kế hình răng cưa cách nhau khoảng 3 cm/răng. Ngư dân khi bắt đầu cào chằng chằng sẽ mang dây đai vào người, vừa lắc cán gỗ vừa đi thụt lùi để các răng cưa cào từng lớp cát đưa lên sàng. "Khi cát biển lẫn chằng chằng được đưa lên sàng, mình nhịp cán gỗ một cái là cát sẽ rớt xuống, chằng chằng nhẹ hơn sẽ rơi vào phía trong lưới. Vừa lướt về kéo đi như vậy thì sẽ đầy bao" - ông Phát cho biết.

 Cào thứ tưởng bỏ đi, thu tiền triệu mỗi ngày  - Ảnh 1.

Ngư dân cào chằng chằng trên biển Mũi Né

Chằng chằng còn có tên gọi khác là sò nhám, là loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ giống chem chép. Trước đây không ai khai thác chằng chằng, nó được xem như thứ bỏ đi. Tuy nhiên, khi nghề nuôi tôm hùm trỗi lên, người ta mới bắt đầu khai thác chằng chằng để làm thức ăn cho tôm hùm.

Công việc không quá nặng nhọc, nhưng thu nhập từ nghề cào chằng chằng giúp nhiều ngư dân trang trải được lúc biển động. Anh Nguyễn Văn Năm, ngư dân xã Hòa Thăng (huyện Bắc Bình), cho biết hiện chằng chằng được thu mua với giá 5.000 đồng/kg. Tuy giá rẻ nhưng vào vụ khai thác, mỗi người cũng kiếm được tiền triệu mỗi ngày. "Khi cao điểm của chằng chằng vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, tụi tôi cào mỗi ngày 1 triệu đồng là bình thường đó. Nay trời thổi bấc thì sản lượng ít hơn chút" - anh Năm cho biết.

Theo các ngư dân, nghề cào chằng chằng được các ngư dân đánh bắt dọc khắp vùng biển từ huyện Tuy Phong kéo dài đến vùng biển phía Nam Bình Thuận. Chằng chằng sau khi cào sẽ được thương lái thu mua và bán lại cho các cơ sở nuôi tôm hùm khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ, nhiều nhất là tỉnh Khánh Hòa. Các con chằng chằng lớn kích cỡ bằng đầu đũa được dùng để thả làm thức ăn cho tôm lớn. Chằng chằng cám kích cỡ nhỏ hơn sẽ được dùng làm thức ăn cho tôm hùm nhí.

Vào vụ khai thác chằng chằng, thương lái khắp nơi nườm nượp về Bình Thuận chờ thu mua chằng chằng để cung cấp cho các bè nuôi tôm hùm các tỉnh.

Theo Hợp Phố

Người lao động

Trở lên trên