MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cao tốc Bến Lức - Long Thành: Từ 2 lần lỡ hẹn đến phải tạm ngưng vì 'đói' vốn

28-10-2020 - 10:18 AM | Bất động sản

Cao tốc Bến Lức - Long Thành khởi công từ năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng lùi tới 2020 và tiếp tục tới 2023. Dự án gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn nước ngoài và thiếu vốn đối ứng giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư tiếp tục có đề nghị tháo gỡ khó khăn, được giải ngân vốn để thanh toán cho nhà thầu, dự án được thi công trở lại.

2 lần lỡ hẹn hoàn thành

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư với chiều dài toàn tuyến 57,1 km, là tuyến cao tốc đường bộ dài nhất miền Nam hiện nay.

Cao tốc này đi qua địa phận TP HCM (26,4 km), Long An (2,7 km) và Đồng Nai (28 km). Điểm đầu là nút giao giữa đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và đường Vành đai 3 của TP HCM; điểm cuối giai đoạn 1 tại nút giao với Quốc lộ 51 và giai đoạn 2 tại điểm giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h. Toàn tuyến có hơn 20 km cầu cạn, trong đó có 2 cầu lớn là cầu Bình Khánh dài 2,76 km qua sông Soài Rạp, cầu Phước Khánh dài 3,18 km qua sông Lòng Tàu.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành: Từ 2 lần lỡ hẹn đến phải tạm ngưng vì đói vốn - Ảnh 1.

Vị trí cao tốc Bến Lức - Long Thành trên bản đồ, nối từ Long An qua TP HCM tới Đồng Nai. Ảnh: Chinhphu

Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, tương đương hơn 1,6 tỷ USD. Trong đó, vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 636 triệu USD; vốn vay từ Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD; vốn đối ứng ngân sách Nhà nước 337 triệu USD.

Không chỉ là dự án trọng điểm quốc gia, tuyến đường còn tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, từ Bangkok (Thái Lan) qua Phnom Penh (Campuchia) đến TP HCM - Vũng Tàu; đồng thời kết nối mạng cao tốc và quốc lộ với các cảng biển lớn của khu vực như Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình, sân bay quốc tế Long Thành...

Được khởi công từ tháng 7/2014, tuyến cao tốc dự kiến đi vào hoạt động năm 2018. Tuy nhiên từ đó đến nay, dự án đã gặp nhiều vấn đề khó khăn về giải ngân vốn, giải phóng mặt bằng, đã được điều chỉnh hoàn thành 2 lần vào năm 2020 và tiếp tục lùi đến 31/12/2023.

Khó khăn bủa vây

Các vướng mắc tồn tại ở dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành bắt đầu từ tháng 1/2019 đến nay do chưa được giao vốn nước ngoài để thực hiện. Điều này xuất phát từ quy định tại Nghị quyết số 71 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, trong đó nêu chưa phân bố nguồn vốn nước ngoài cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành: Từ 2 lần lỡ hẹn đến phải tạm ngưng vì đói vốn - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua huyện Nhà Bè, TP HCM. Ảnh: Ngọc Dương

Tính đến tháng 8/2020, dự án gồm 11 gói thầu xây lắp có sản lượng thi công đạt khoảng 78% tổng giá trị các hợp đồng, không bao gồm dự phòng, thuế. Đoạn phía Tây sử dụng vốn từ khoản vay của ADB gồm 5 gói thầu (A1, A2-1, A2-2, A3 và A4), khối lượng thi công đạt khoảng 87%. Đoạn tuyến này đang không có vốn để tiếp tục thi công do Hiệp định vay đã đóng vào ngày 30/6/2019, thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu đã hết, chưa được gia hạn.

Đoạn sử dụng vốn từ khoản vay JICA gồm 3 gói thầu J1, J2 và J3 cũng đang thi công dang dở. Mặc dù thời gian hiệu lực của Hiệp định vay JICA đến tháng 7/2024, nhưng các gói thầu đang tạm dừng do các dự án của VEC chưa được giao vốn nước ngoài theo Nghị quyết số 71 của Quốc hội, theo đó vốn nước ngoài chưa được cấp cho VEC từ tháng 1/2019.

3 gói thầu còn lại (A5, A6 và A7) thuộc đoạn phía Đông sử dụng vốn từ khoản vay ADB có khối lượng thi công đạt 38,6%. Các gói thầu vẫn đang trong thời gian thực hiện hợp đồng của hiệp định vay (tháng 12/2020) nhưng thi công cầm chừng do không được thanh toán khối lượng đã nghiệm thu từ sau thời điểm kết thúc thời gian thực hiện dự án theo quyết định đầu tư (ngày 30/6/2019). Hiệp định vay này cần được gia hạn đến ngày 31/12/2023 để có đủ vốn hoàn thành đầu tư. Bộ Tài chính đang làm việc với phía ADB để gia hạn thỏa thuận khoản vay còn lại này thêm 3 năm, vào cuối 2023.

Đồng thời, việc giải phóng mặt bằng cũng gặp khó khăn. Theo chủ đầu tư, dự án vẫn còn vướng giải tỏa ở nhiều hộ dân tại TP HCM và Đồng Nai bởi một số hộ đang khiếu nại đơn giá bồi thường chưa hợp lý. Có hộ mặt tiền ở Quốc lộ 51 đề nghị tăng thêm một suất tái định cư... Chưa kể, dự án không được giao vốn đối ứng nên các địa phương không thể bồi thường giải tỏa cho 49 hộ dân còn lại tại TP HCM và Đồng Nai (chiếm hơn 1% số hộ cần giải tỏa) nên kế hoạch thông xe 20 km đầu tiên cũng "đứng hình". Theo VEC, nhu cầu vốn cấp bách cho đền bù giải tỏa khoảng 130 tỷ đồng.

Theo cập nhật mới nhất từ VEC, ngày 13/10, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo về vốn đối ứng cho công tác giải phóng mặt bằng theo cam kết trong hiệp định vốn vay. Tuy nhiên đến 22/10, VEC vẫn chưa nhận được phản hồi nên kiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng để sớm thống nhất quan điểm áp dụng về việc giao vốn đối ứng cho công tác đền bù giải tỏa.

Mới đây, vào ngày 23/10, VEC lại một lần nữa gửi một loạt văn bản đến các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Kiểm toán nhà nước đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do thiếu vốn trầm trọng ở dự án này. VEC cho biết nhu cầu cần có vốn cho dự án trong năm 2020 là 17 triệu USD, năm 2021 là 87,7 triệu USD, 2022 là 53,2 triệu USD và năm 2023 là 54,13 triệu USD. Do đó, VEC đang đợi vốn từ đợt gia hạn của ADB để thanh toán cho các nhà thầu thi công trở lại.

Theo Lê Xuân (tổng hợp)

Người đồng hành

Trở lên trên