MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[CẬP NHẬT] Bộ trưởng Công an Tô Lâm "đăng đàn" trả lời chất vấn

13-08-2018 - 14:16 PM | Xã hội

Người đứng đầu ngành Công an sẽ trả lời chất vấn về công tác đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh, phòng, chống tội phạm...

Thông tin phiên trả lời chất vấn được cập nhật từng phút...

14h: Trước khi bước vào chất vấn, trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm được chủ tọa dành cho 5 phút để báo cáo khái quát về các vấn đề liên quan.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thời gian vừa qua, bên cạnh thuận lợi, công tác đảm bảo an ninh Quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, hoạt động cộng khai manh động.

Theo chương trình, từ 14h hôm nay, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham gia "chia lửa" với Thượng tướng Tô Lâm còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và nhiều trưởng ngành, Bộ trưởng.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ có hơn 2 giờ (14 giờ đến 16 giờ 35 phút) để trả lời chất vấn.

Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn trong một ngày và vẫn áp dụng hình thức đổi mới từ kỳ chất vấn tại phiên họp lần thứ 22. Theo đó, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút mỗi lần. Sau đó, người được chất vấn sẽ trả lời ngay câu hỏi của ĐBQH.

Trong trường hợp ĐBQH chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận như tại phiên chất vấn ở QH, thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên.

Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai này.

Tiếp tục cập nhật...

 [CẬP NHẬT] Bộ trưởng Công an Tô Lâm đăng đàn trả lời chất vấn - Ảnh 1.

Đồ họa: Mạnh Quân

Trước đó, trong báo cáo gửi Ủy ban TVQH, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ, tình hình vi phạm, tội phạm về kinh tế, tội phạm về chức vụ vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân.

Phương thức, thủ đoạn của tội phạm kinh tế, tham nhũng được phản ánh là rất đa dạng và tinh vi.

"Trong đó, nổi lên tình trạng thông đồng móc ngoặc giữa các đối tượng thoái hoá, biến chất trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư dưới các hình thức như thành lập các công ty "sân sau", "công ty gia đình", dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của Nhà nước...

Sự móc nối giữa hai khu vực đã tạo thành chu trình khép kín cho loại tội phạm này hoạt động, gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn", báo cáo nêu.

Để đưa ra ánh sáng, thời gian qua Bộ Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ, tăng cường nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tội phạm về chức vụ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm.

Qua điều tra các vụ án, Bộ đã kiến nghị các ngành khắc phục nhiều sơ hở thiếu sót không để tội phạm hoạt động.

Người đứng đầu ngành Công an cũng nêu ra thực tế, 6 tháng đầu năm 2018 phát hiện 3.110 đối tượng tội phạm là trẻ vị thành niên, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2017.

Điều này cho thấy tội phạm ngày càng có xu hướng trẻ hóa, trong đó có nhiều vụ phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Hầu hết các đối tượng phạm tội có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục con cái, dẫn đến bị dụ dỗ, lôi kéo, sa ngã, bỏ nhà sống lang thang…

Ngoài ra, ở nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người, theo Bộ trưởng Bộ Công an, từ năm 2016 đến nay, trung bình 1 năm xảy ra gần 100 vụ giết người cướp tài sản; 1.000 vụ giết người do nguyên nhân tâm lý, xã hội...

Theo Hoàng Đan

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên