Cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh: Cần hành động đến cùng
Việc đề xuất cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương, giới chuyên gia cho rằng mới giải quyết một nửa vấn đề, vấn đề còn lại nằm ở cải cách hệ thống quy định hành chính về kinh doanh, kiểm soát việc đặt ra giấy phép "con".
- 22-09-2017Bộ Công Thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh: Mới chỉ đi được 1/3 chặng đường
- 21-09-2017Cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công thương
- 16-09-2017Bộ Công Thương: Sẽ cắt giảm khoảng 600 điều kiện kinh doanh
-
Doanh nghiệp của ta yếu, mà mặt bằng lãi suất cao như thế thì làm cho doanh nghiệp Việt Nam khó lớn được
Quyết định 3610 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ban hành được coi là quyết định lịch sử khi đã đề xuất cắt giảm tới con số kỷ lục với 675 điều kiện kinh doanh, chiếm 55,5% tổng các điều kiện kinh doanh. Ông Tuấn Anh nhấn mạnh: "Đây không phải phiêu lưu chính trị, phiêu lưu về công tác chuyên môn mà là một định hướng rõ ràng, gắn với hiệu quả quản lý nhà nước".
Động thái mạnh mẽ
Không thể phủ nhận tinh thần quyết liệt và dũng cảm của Bộ Công Thương, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng đề xuất cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh là động thái mạnh mẽ nhất, thể hiện sự gương mẫu trong thực hiện cam kết với Chính phủ.
Dù đã cải thiện nhưng doanh nghiệp vẫn than phiền về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạoẢnh: NGỌC TRINH
Chuyên gia kinh tế - TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, đánh giá: "Điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương nhiều nhất, trước đó chúng tôi đã nghĩ sẽ phải đề xuất phương án cắt giảm nhưng không nghĩ phương án cắt tới 50%. Thực sự tôi thấy cảm phục. Điều này là thể hiện sự tôn trọng doanh nghiệp (DN)".
Tuy nhiên, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), phản ánh với Báo Người Lao Động là rất nhiều lĩnh vực còn tồn tại các điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Đơn cử, thủ tục khai báo hóa chất đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương cam kết bãi bỏ từ cuối năm 2016 nhưng đến nay thủ tục trái luật này vẫn còn. Hiện nay, DN vẫn phải đợi giấy xác nhận khai báo và điều này thể hiện độ "vênh" giữa quyết tâm và thực hiện.
Ngoài ra, thủ tục kiểm tra hiệu suất năng lượng cũng bị DN phản ánh là một rào cản rất lớn của Bộ Công Thương. "Số đơn vị được Bộ Công Thương chỉ định làm nhiệm vụ kiểm tra hiệu suất năng lượng cho DN rất ít. Chỉ 1 đơn vị kiểm tra về động cơ và đặt ở Hà Nội. DN nhập khẩu phía Nam phải chuyển hết những mặt hàng đó ra Hà Nội kiểm định, chi phí cao, thủ tục phiền hà. Chưa kể, hàng mẫu chuyển ra để kiểm tra ban đầu thì phải thực hiện kiểm tra "phá hủy", tức là mất luôn cả mẫu" - bà Thảo nêu lại bức xúc từ phía DN.
Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh cũng cho hay mới nhận được thông tin từ phía các DN cho rằng thủ tục dán nhãn năng lượng dù đã được Bộ Công Thương bãi bỏ thông qua Thông tư 36 nhưng thực tế, Tổng cục Năng lượng vẫn yêu cầu phải có số tiếp nhận thì DN mới được lưu thông hàng hóa. "Tưởng chừng đơn giản cho DN nhưng chỉ bỏ trên văn bản, còn thực tế thì không phải như vậy. Quyết tâm là rất lớn nhưng làm sao việc thực hiện hiệu quả thì cần có sự giám sát chặt chẽ hơn với quá trình thực thi bên dưới" - bà Thảo đề xuất.
Về điều kiện kinh doanh gạo, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia độc lập về chính sách công, ông Nguyễn Quang Đồng, cho rằng cải cách của Bộ Công Thương vẫn chưa triệt để, nửa vời, cần tiếp tục thực hiện, nhất là điểm mấu chốt về yêu cầu kho bãi. "Trong dự thảo Nghị định sửa Nghị định 109 về kinh doanh gạo, Bộ Công Thương vẫn muốn DN xuất khẩu phải có kho chuyên dùng. Như thế là vẫn tiếp tục vi phạm quyền tự chủ của DN vì DN không có kho thì có thể đi thuê. Yêu cầu về dự trữ bắt buộc để bảo đảm an ninh lương thực cũng không hợp lý vì dự trữ lương thực là nhiệm vụ của nhà nước, việc này phục vụ cho lợi ích của 90 triệu dân, không thể bắt riêng DN xuất khẩu gạo phải gánh trách nhiệm đó. Sòng phẳng mà nói, nếu muốn DN gánh nhiệm vụ đó, nhà nước phải thuê DN làm" - ông Đồng chỉ ra điểm bất cập.
Nhiều chuyên gia, DN cũng chỉ ra còn rất nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cản trở, gây tốn kém cho DN. Chẳng hạn, nên cho DN sử dụng ít hóa chất được tự xây dựng biện pháp đề phòng, không phải thẩm định công phu như hiện nay bởi chi phí lớn.
Cần giám sát khâu thực thi
Chuyên gia độc lập Nguyễn Quang Đồng nhìn nhận việc cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương mới chỉ giải quyết một nửa vấn đề. Nửa vấn đề còn lại nằm ở cải cách hệ thống quy định hành chính về kinh doanh và đây mới là điểm quan trọng, bởi "cắt" mà không cải cách thể chế đi kèm thì nguy cơ "tái mọc" rất cao.
"Bây giờ mới chỉ giải quyết được vấn đề về số lượng giấy phép nhưng vấn đề chất lượng thì chưa đụng đến nơi. Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm, đó là vào năm 2007, Chính phủ có tham vọng dùng một nghị định bỏ tất cả điều kiện kinh doanh. Để thực hiện, từ năm 2000, theo quy định, chỉ có Chính phủ, Quốc hội mới được ban hành điều kiện kinh doanh. Nhưng sau đó, các bộ ngành lại thoải mái ban hành, không ai cắt. Như vậy, nếu lượng mà không đi kèm chất thì sẽ không thành hiện thực. Tương tự, bây giờ, chúng ta mới bỏ được số lượng nhưng chưa bàn đến chất lượng, như vậy mới làm được 1/3 chặng đường" - ông Đồng phân tích.
Về động thái tích cực của Bộ Công Thương, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đánh giá để DN được thụ hưởng những thay đổi, phải sửa đổi các nghị định liên quan. Đồng thời, cần có cơ chế, giám sát thúc đẩy kế hoạch này để nó được thực thi chứ không phải kế hoạch "treo". Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng hơn là kiểm soát việc đặt ra các điều kiện kinh doanh.
Thủ tướng gửi lời khen Bộ Công Thương
Tại buổi làm việc của Tổ Công tác của Chính phủ do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì với Bộ Công Thương về kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu sáng 22-9, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chuyển lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi Bộ Công Thương 3 vấn đề.
Thứ nhất, bộ đã tiên phong trong vấn đề đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn theo chỉ đạo của Thủ tướng và giảm được 5 đầu mối. Thứ hai, biểu dương Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài. Thứ ba, khen ngợi quyết định phê duyệt phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tương đương 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng nêu thực trạng hiện nay một mặt hàng kiểm tra chuyên ngành nhưng lại bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản. Do đó, việc sửa đổi tới đây là làm sao để một mặt hàng bị điều chỉnh ít văn bản nhất. "Cần đổi mới phương thức kiểm tra trên cơ sở là nếu mặt hàng nào để DN hay địa phương công bố tiêu chuẩn, thì nên để DN và địa phương tự công bố" - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG (Viện trưởng CIEM):
Không có lý do gì mà các bộ khác không làm được
Trong một rừng quy định về điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương tuyên bố "cắt xoẹt gần 700 điều kiện kinh doanh" là hành động dũng cảm. Phải vượt lên chính mình mới có thể ra được quyết định lịch sử như Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Theo quan sát của tôi, nhiều bộ trưởng muốn làm như vậy nhưng cấp vụ chần chừ thì bộ trưởng không có cách gì làm được. Vì thế, nhiều bộ muốn thông qua báo chí, chuyên gia kinh tế để tạo áp lực trong nội bộ. Cho nên hành động của Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể coi là tấm gương cho những người muốn cải cách, đồng thời là áp lực cho người còn chần chừ.
Cũng có ý kiến nghi ngại đây mới chỉ là tuyên bố của bộ trưởng, còn thực thi thì chưa biết thế nào. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mới giữ chức vụ được 2 năm nhưng đã làm được nhiều việc, như giải quyết các vấn đề liên quan đến formaldehyde, dán nhãn năng lượng, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, kinh doanh khí. Đây là những vấn đề trước đây, doanh nghiệp (DN) phản ánh nhiều đến mức chán không nói nữa, thấy vô vọng mỗi khi đặt vấn đề với Bộ Công Thương. Để làm được như vậy, Bộ Công Thương cũng phải đấu tranh trong nội bộ với nhau, chứ không thể dễ dàng.
Điều quan trọng là việc tiên phong của Bộ Công Thương trong cắt giảm điều kiện kinh doanh vô lý, đem đến thông điệp không có lý do gì mà các bộ khác không làm được. Vấn đề là phải thay đổi tư duy, từ mang nặng tiền kiểm, sở hữu, kiểm soát, kìm nén, chỉ cho DN làm những gì trong phạm vi quản được chuyển sang điều tiết, thúc đẩy, hỗ trợ, kiểm soát đầu ra sản xuất và chất lượng dịch vụ. Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm không có nghĩa là buông quản lý. Tiền kiểm chỉ giữ lại ở một số rất ít lĩnh vực như y tế, mức độ nào đó với giáo dục, ngân hàng.
Lâu nay, chúng ta tập trung vào tiền kiểm. Đây là cách dễ dàng cho người quản lý nhưng DN phải đến xin, quỳ lụy… Còn hậu kiểm, cơ quan quản lý phải chủ động thu thập thông tin đánh giá, thậm chí phải ra thị trường lấy mẫu về kiểm định để xem DN làm đúng không. Như thế, cán bộ quản lý ít tiếp xúc với DN hơn, việc xin - cho như lâu nay ta vẫn thấy cũng giảm đi. Hơn nữa, DN tuân thủ tốt thì có lợi về chi phí và được vinh danh. Còn tiền kiểm thì không DN nào hơn DN nào, tốt xấu như nhau.
Hậu kiểm thực ra rất đơn giản. Trước hết, phải có hệ thống thông tin quản lý, phải biết đối tượng quản lý là ai, họ làm gì. Cơ quan chức năng có công cụ quản lý là công nghệ thông tin để phân tích mức độ rủi ro và mức độ tuân thủ của đối tượng quản lý. Chẳng hạn, một số sản phẩm qua quá trình theo dõi thấy mức độ rủi ro của nó cho xã hội rất ít thì không phải kiểm tra. Hay DN trong 7-8 năm nộp thuế đầy đủ, không vi phạm luật pháp, sản phẩm được thị trường chấp nhận thì không phải dành nhiều thời gian cho quản lý những DN như thế. Thay vào đó, cơ quan quản lý tập trung giám sát vào đối tượng có nhiều rủi ro, như Formosa thì phải giám sát 24/24 bởi nhiều cơ quan và trong nhiều năm liền. Đến khi DN này tuân thủ tốt quy định thì có thể giảm dần giám sát, để họ tự khai báo, tự giám sát.
Người lao động