MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cắt giảm sản lượng là có lý do, Nga muốn mình phải là người ở thế 'chủ động' kiểm soát thị trường thay vì 'bị động' theo châu Âu

13-02-2023 - 15:13 PM | Thị trường

Cắt giảm sản lượng là có lý do, Nga muốn mình phải là người ở thế 'chủ động' kiểm soát thị trường thay vì 'bị động' theo châu Âu

Nga đang cảm thấy bị đe dọa mất vị thế và doanh thu khi ngày càng có nhiều quốc gia bắt đầu tìm cách sử dụng cơ chế trần giá. Nước này cần phải hành động thật nhanh để đưa giá dầu tăng lên mức mà mình mong muốn.

Cắt giảm 500.000 thùng dầu/ngày là động thái phản ứng mạnh tay đầu tiên của Moscow đối với một loạt biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên hoạt động giao dịch dầu Nga trên thị trường toàn cầu thời gian gần đây.

Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London và giá dầu WTI giao sau tại New York đã tăng hơn 2% trong phiên ngày thứ Sáu sau khi quyết định của Moscow được công bố.

Theo tờ NYT, tăng giá chính là điều mà Nga đang mong muốn. Nga - nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới - đã buộc phải bán dầu thô với mức giá thấp hơn nhiều so với thị trường, ước tính có lúc chiết khấu tới 50%, để thu hút người mua ở khu vực châu Á, bù đắp cho việc mất khách hàng phương Tây sau khi bị áp trừng phạt.

Động thái cắt giảm sản lượng dầu của Nga được công bố bởi Phó thủ tướng Alexander Novak - người phụ trách vấn đề năng lượng trong Chính phủ Nga. Tuyên bố mà ông Novak đưa ra trước các nhà báo một lần nữa khẳng định quan điểm của các nhà lãnh đạo nước này là “chúng tôi sẽ không bán dầu cho những ai trực tiếp hay gián tiếp tuân thủ các nguyên tắc về mức giá trần” mà phương Tây đưa ra.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng có vẻ như Nga, đang duy trì được sản lượng khai thác dầu tương đối ổn định trong những tháng gần đây, đã bắt đầu lo ngại về khả năng mất doanh thu do các biện pháp hạn chế mà phương Tây đặt ra đối với giao dịch dầu mỏ Nga.

“Nga đang cảm thấy bị đe dọa khi ngày càng có nhiều quốc gia bắt đầu tìm cách sử dụng cơ chế trần giá”, nhà phân tích Felix Todd của công ty dữ liệu Argus Media phát biểu. Hoặc, các nhà phân tích cho rằng Nga đang tìm giải pháp tốt nhất để chuẩn bị cho tình huống xấu.

“Nếu Nga buộc phải cắt giảm sản lượng, dù chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, họ sẽ hành động thật nhanh và cố gắng tạo ra một ấn tượng rằng họ chọn cách làm như vậy và đang ở thế kiểm soát tình hình, thay vì bị các biện pháp của phương Tây ép buộc”, ông Richard Bronze, trưởng bộ phận địa chính trị của công ty nghiên cứu Energy Aspects nhận định.

Cắt giảm sản lượng là có lý do, Nga muốn mình phải là người ở thế chủ động kiểm soát thị trường thay vì bị động theo châu Âu - Ảnh 1.

Nga đang cảm thấy bị đe dọa khi ngày càng có nhiều quốc gia bắt đầu tìm cách sử dụng cơ chế trần giá.

Phó thủ tướng Novak nói rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ “đóng góp vào việc thiết lập lại các mối quan hệ thị trường”. Ông cũng tỏ ra phản bác ý kiến rằng Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm khách mua dầu. “Hiện nay, chúng tôi đang bán hết toàn bộ số dầu sản xuất ra”, thông tấn Nga Interfax dẫn lời ông Novak.

Trong vòng 5 năm qua, Nga cùng với Saudi Arabia giữ vai trò đồng lãnh đạo của OPEC+. Nếu Nga thực sự giảm sản lượng, số dầu mà nước này sản xuất ra có thể sẽ ít hơn tới 1 triệu thùng/ngày so với hạn ngạch mà Nga được phân bổ trong OPEC+, vì sản lượng hiện tại của Nga vốn dĩ đã ít hơn 500.000 thùng/ngày so với hạn ngạch. Còn trên phạm vi thị trường toàn cầu, nửa triệu thùng dầu mỗi ngày mà Nga tuyên bố giảm sản lượng tương đương khoảng 0,5% tổng sản lượng dầu thế giới.

Tuần trước, OPEC+ tuyên bố giữ nguyên kế hoạch giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày mỗi tháng trong thời gian còn lại của năm nay. Các nhà phân tích cho rằng việc Nga tuyên bố giảm sản lượng sẽ không dẫn tới bất kỳ thay đổi nào trong lập trường của OPEC+.

Theo dữ liệu từ Argus Media, trong những tuần gần đây, nguồn cung dầu Nga trở nên dồi dào, tạo điều kiện cho khách mua được hưởng mức chiết khấu lên tới 40 USD/thùng đối với dầu Urals - loại dầu xuất khẩu chủ lực của Nga. Bằng cách cắt giảm sản lượng, Nga có thể sẽ đẩy giá bán dầu lên mức mong muốn. Nếu lượng dầu Nga cung cấp ra thị trường ít đi, người mua có thể sẽ buộc phải chấp nhận mức giá ít chiết khấu hơn.

“Lượng dầu Nga dư thừa là lớn, nên Nga phải giảm mạnh giá bán dầu để thu hút lực cầu”, nhà nghiên cứu Craig Kennedy thuộc Davis Center for Rusian and Eurasian Studies thuộc Đại học Harvard nhận định.

Tham khảo: NYT

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên