MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện chuỗi giá trị và nghịch lý xuất khẩu ở Hàn Quốc, Đài Loan

28-03-2017 - 14:33 PM | Tài chính quốc tế

Với những thị trường xuất khẩu tương tự nhau, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tăng trưởng 5,3%/năm trong giai đoạn 2010 – 2016, trong khi mức tăng trưởng của Đài Loan chỉ là 1,4%.

Ở Hàn Quốc, chi phí nhân công đang tăng nhanh hơn so với tất cả các nền kinh tế khác trong khu vực. Sức mạnh của các tập đoàn khổng lồ (chaebol) đang bị thử thách, hối thúc các nhà lãnh đạo phải thực hiện một cuộc cải cách kinh tế thực sự nghiêm túc và sâu rộng. Nhưng ở nền kinh tế này vẫn có 1 điểm sáng: xuất khẩu bùng nổ.

Trong khi đó, ở đảo Đài Loan (Trung Quốc), người ta nhìn thấy một thực trạng trái ngược: chi phí nhân công ở đây khá rẻ, tỷ giá cạnh tranh. Nhưng xuất khẩu của Đài Loan đang giảm tốc.

Mới đây Oxford Economics vừa công bố báo cáo thể hiện rõ mâu thuẫn này. Với những thị trường xuất khẩu tương tự nhau, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tăng trưởng 5,3%/năm trong giai đoạn 2010 – 2016, trong khi mức tăng trưởng của Đài Loan chỉ là 1,4%.

Theo Oliver Salmon, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Oxford Economics, nguyên nhân của sự khác biệt này là do các công ty Hàn Quốc đã thăng tiến trên chuỗi giá trị, tạo ra được các thương hiệu tầm cỡ toàn quốc, đặc biệt phải kể đến hàng điện tử và xe hơi.

Trong khi đó Đài Loan là nơi nhiều công ty công nghệ (chủ yếu là sản xuất chip bán dẫn và đồ điện tử) đặt nhà máy, nhưng số thương hiệu thực sự lớn mạnh là không nhiều.

Một lý do khác là Hàn Quốc đang tham gia vào nhiều thỏa thuận, hiệp định tự do thương mại. Theo tính toán của Oxford Economics, kể từ khi ký thỏa thuận với Mỹ, trung bình mức thuế mà hàng hóa Hàn Quốc phải chịu khi xuất khẩu đã giảm từ 3,8% trong năm 2011 xuống chỉ còn 0,4% trong năm 2015. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng trung bình 3,4% mỗi năm. Ngược lại, kim ngạch của Đài Loan giảm 1,7% trong cùng kỳ.

Khảo sát của Oxford Economics cũng cho thấy Đài Loan là một trong những nền kinh tế ở châu Á bị thiệt hại nhiều nhất từ khủng hoảng tài chính 2008. Hầu hết các nền kinh tế trong nhóm này đều khá phát triển (gồm Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore) và đã để mất hoạt động sản xuất vào các đối thủ trong khu vực bởi chi phí nhân công tăng cao trong khi năng năng suất hay mức độ sáng tạo không thể bù đắp.

Singapore đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử sụt giảm 1/3 kể từ năm 2010 đến nay. Một phần nguyên nhân là do chính sách kiểm soát chặt hơn các lao động nhập cư được áp dụng kể từ năm 2010, khiến tiền lương danh nghĩa tăng 20%. Trong khi chi phí nhân công tăng, năng suất lại không có nhiều tiến triển.

Trong khi đó Malaysia và Philippines tận dụng tốt dòng vốn đầu tư nước ngoài và chi phí thấp. Ấn Độ được hưởng lợi từ nguồn lao động giá rẻ dồi dào.

Thái Lan cũng đã phải cố gắng thích nghi với tình trạng ngày càng phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nước trong khu vực, đặc biệt là nhóm Campuchia, Myanmar, Lào và Việt Nam.

Vậy tương lai sẽ ra sao? Oxford Economics dự đoán thương mại thế giới sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm nay và 4% từ nay đến 2020. Cả hai con số đều thấp hơn mức gần 5% trung bình dài hạn. Do đó, cuộc cạnh tranh giành thị phần được cho là sẽ ngày càng khốc liệt.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên