Hơn 70 năm qua, nhà sách Hòa Bình vẫn nằm yên vị bên trong căn nhà 2 tầng ở số 1 khu Hòa Bình, bao quanh là bức tường cũ kỹ còn nguyên những nét vẽ nguệch ngoạc của dân graffiti đường phố. Nơi đây trở thành một trong những điểm nhấn nhuốm màu thời gian ở trung tâm Đà Lạt. Đơn vị chủ quản của nhà sách không cho bất kỳ doanh nghiệp nào thuê mặt bằng để buôn bán bởi đây là công ty cổ phần có vốn nhà nước. Thế nhưng vào tháng 4 năm 2017, một chàng trai Đà Lạt sau 3 tháng miệt mài đàm phán đã lấy được vị trí đắc địa ở nơi này để kinh doanh.
Giữ lại một phần hiệu sách theo thỏa thuận để bảo tồn giá trị truyền thống của Đà Lạt, phần còn lại, anh chàng mở tiệm bánh và sơn mới bức tường với màu vàng độc nhất. Cái màu vàng được tô điểm bởi logo màu đỏ và font chữ thiết kế theo phong cách retro những năm 90s đã gây sốt không chỉ ở Đà Lạt mà khiến bao du khách từ khắp nơi tò mò. Chỉ sau 1 tháng ra mắt, bức tường của tiệm bánh mang tên Cối Xay Gió như trở thành một "biểu tượng" của Đà Lạt mà bất kỳ du khách nào ghé đến thành phố này cũng muốn check-in tại đây một lần.
Kể từ sau năm 1945, Cối Xay Gió là cửa hàng đầu tiên đạt được thỏa thuận với Công ty CP Sách - TBTH Lâm Đồng để thuê lại mặt bằng này.
Chỉ chưa đầy 6 tháng, Cối Xay Gió đã có 4 cửa hàng khác nhau ở Đà Lạt và sẽ có thêm 3 cửa hàng nữa trong năm 2018. Khách du lịch tò mò về người đứng sau bức tường vàng nổi tiếng này, nhưng người dân Đà Lạt thì còn ai xa lạ gì - đó là Nguyễn Đăng Phong. Ở Đà Lạt, người ta gọi anh là Phong Windmills, không phải vì cái tên Phong cũng trùng hợp mang nghĩa là gió, mà bởi trước khi nổi tiếng với Cối Xay Gió, Phong cùng các cộng sự đã mở 5 cửa hàng cafe mang tên Windmills Coffee ở Đà Lạt và Nha Trang. Hiện anh cũng là chủ nhà hàng Vuông Pizza và Yolo Hostel, quản lý hơn 250 nhân sự, trong đó có nhiều người từ Sài Gòn chuyển lên Đà Lạt sinh sống và làm việc . Những chuỗi cửa hàng, cafe của anh đều có một đặc điểm: Tọa lạc tại vị trí đắc địa ở Đà Lạt với giá thuê đắt đỏ, và lúc nào cũng đông nghịt khách.
Để đạt được tất cả những điều ấy, Phong cũng đã bao lần chới với trên chính hướng gió mà mình đã chọn.
Tháng 5/2017, trên Facebook và Instagram, rất nhiều bạn trẻ đã chia sẻ bức ảnh chụp với bức tường màu vàng, bên trên là dòng chữ "Tiệm bánh Cối Xay Gió". Không ai biết cửa tiệm này từ đâu xuất hiện, có người còn hình dung đây hẳn là một tiệm bánh to oành nằm ngoài trung tâm Đà Lạt và có một chiếc cối xay gió giữa vùng thảo nguyên. Thế rồi mọi người rủ nhau lên Đà Lạt để check-in với bức tường vàng và ngạc nhiên nhận thấy thực chất chỉ là tiệm bánh nhỏ xinh, vừa được mở cửa tại vị trí suốt hàng chục năm qua là Nhà sách Hòa Bình.
Bức tường vàng chưa bao giờ hết "hot" ở Đà Lạt.
Bao bì, giấy gói của Cối Xay Gió được thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của thực khách
"Bức tường vàng", "bánh mì", "cối xay gió", "check-in"... trở thành những từ khóa hot nhất thời điểm đó (và cho đến tận lúc này). Từ sáng đến tối, lúc nào cũng có đám đông người trẻ xếp hàng chờ chụp ảnh với bức tường. Sự cuốn hút từ màu vàng này cũng khiến nhiều thực khách tò mò muốn thử thêm vị bánh mì, dùng thêm cafe, sữa gạo và các sản phẩm ăn vặt khác được bán trong quán. Chỉ trong khoảng nửa năm đầu, Cối Xay Gió đã trở thành địa điểm được chụp ảnh nhiều nhất của khách du lịch, số lượng bánh mì bán ra mỗi ngày của các cửa hàng lên đến gần 1.000 ổ. Nhờ những thành công đáng nể ấy, Cối Xay Gió đã trở thành 1 trong 10 quán ăn được yêu thích nhất ở Hạng mục Đời sống giới trẻ trong khuôn khổ Giải thưởng WeChoice Awards 2017.
Dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng chỉ sau nửa năm, Cối Xay Gió đã vinh dự nhận giải thưởng quán ăn được yêu thích nhất năm 2017 của WeChoice Awards.
Kể từ khi nổi tiếng, bức tường vàng cũng bắt đầu xuất hiện nhiều phiên bản ăn theo ở các tỉnh thành khác như Mỹ Tho, Bình Dương. Vào tháng 2/2018, bức tường "tử nạn" sau một đêm bị ai đó vẽ bậy hình chú cá mập, dù đã được sơn lại nhưng dường như cái màu vàng ấy vẫn gây khó chịu cho một bộ phận người kém ý thức, và họ lại tiếp tục bôi bẩn bức tường bằng chính chữ ký graffiti của mình. Nhưng anh vẫn bình thản viết trên Facebook: "Tường bị "cá mập" cạp, sự việc nhỏ xíu hà, tận hưởng chút, mai sơn lại!".
Bức tường bị bôi bẩn có lẽ chỉ là một trong hàng triệu những vấn đề mà anh Phong cùng đội ngũ nhân viên của mình phải đối mặt hàng ngày, vậy nên anh mới có thể bình thản như thế.
Phong nói, anh rất thích một câu ngạn ngữ của người Hoa: "When the wind of change blows, some people build walls, others build windmills", nghĩa là "Khi cơn gió đổi hướng, vài người sẽ xây bức tường chắn, những người khác sẽ xây cối xay gió". Riêng Phong, anh xây cả bức tường và cả Cối Xay Gió.
Dù bận rộn với những công trình đang rốt ráo thực thi, Phong vẫn dành thời gian chia sẻ với tôi câu chuyện của Cối Xay Gió, của chính anh - về cuộc phiêu lưu từ chàng sinh viên bỏ ngang Đại học đến ông chủ lần đầu mang thương hiệu Windmills Coffee đến với Đà Lạt vào năm anh tròn tuổi 23.
Chào Đăng Phong, trước khi nói về sức hút của bức tường vàng "huyền thoại", hãy bắt đầu với những cửa hàng cafe và tiệm bánh trong chuỗi thương hiệu của anh: Cần bao nhiêu liều lĩnh để Phong có thể giành được những mặt bằng đáng-mơ-ước ở Đà Lạt như thế?
Trước nhất, tôi xác định khi mở một dự án kinh doanh nào thì địa điểm là điều quan trọng nhất. Vì thế tôi chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để thuê được những mặt bằng đẹp nhất ở Đà Lạt. Đa phần những địa điểm mà tôi đàm phán thành công đều không phải là mặt bằng đang cho thuê để kinh doanh, thậm chí có mặt bằng vẫn còn hợp đồng cho thuê nhưng tôi thấy thích, và tôi đi hỏi. Được hay không thì tính sau, nhưng vẫn cứ phải hỏi đã!
Chẳng hạn như mặt bằng 4 tầng ở số 7A đường 3/2, tôi phải mất nhiều năm để thuê từ tầng 2, lên tầng 3 và cuối cùng là lấy được tầng 1 bên dưới sau khi một ngân hàng chuyển đi. Trong những năm ấy, tôi giao tiếp với chủ nhà liên tục, update cho họ rằng tôi đang làm gì, lợi nhuận ra sao, mong mỏi của tôi thế nào và cuối cùng tôi đã lấy được toàn bộ mặt bằng ở đây để vừa làm văn phòng chính của công ty, vừa là tổ hợp của 3 cửa hàng: Vuông Pizza, Windmills và Cối Xay Gió.
Ở Đà Lạt có nét văn hóa dễ thương với dân xây dựng, kinh doanh đó là tất cả những cô bán chè, bán xôi xung quanh đều rất thân thiện. Trước khi mở cửa hàng, tôi đích thân đi làm quen với các cô chú ở khu vực đó và nói rằng con sắp mở quán, có gì cô chú góp ý, nhân viên của con có ồn ào, khách có phàn nàn gì, cô chú cứ nói con biết. Vì thế những thông tin như ngân hàng nào sắp chuyển đi, mặt bằng nào sắp trả lại... thì tôi đều có hết.
Nằm ngay trung tâm thành phố Đà Lạt, tổ hợp cafe - nhà hàng của Phong là điểm lui tới thường xuyên của khách du lịch và cả người dân địa phương.
Tôi không nghĩ mình quá liều lĩnh bởi trước khi bắt tay vào một dự án, tôi đã nghiên cứu rất kỹ và có những con số đo lường cụ thể. Tôi biết chắc địa điểm đó sẽ mang lại lợi nhuận thì mới làm, và tất nhiên để chọn địa điểm giỏi hơn thì tôi cũng đã rất nhiều lần chọn sai địa điểm nên phải đóng cửa, từ đó có kinh nghiệm hơn. Cười!
Thế còn tiệm bánh và bức tường vàng "check-in" ở nhà sách Hòa Bình (cũ), dường như anh là người đầu tiên có thể mở cửa tiệm kinh doanh ở vị trí này? Anh đã đi con đường nào để đạt được thỏa thuận cuối cùng với công ty cho thuê?
Tôi đi đường... Nguyễn Văn Cừ (cười), văn phòng công ty của họ nằm ở đó và trong 2 tháng đầu, tôi cứ đi đi về về, đến đấy gặp họ để thuyết phục. Trong những tháng đầu tiên, kết quả là con số 0 với quyết định cuối cùng luôn được đưa ra là: "Hiện tại công ty chưa có cho thuê, em về đi!", "Chắc không cho thuê đâu em ơi "...
Tôi thỏa thuận dựa trên sự chân tình và nhiệt thành của chính mình, tôi tính toán thiệt cho mình một tí để có thể lấy được mặt bằng nơi này vì tôi thực sự thích nó..
Một khi tôi thấy "dấu hiệu" họ bắt đầu suy nghĩ, nghĩa là tôi có cơ hội, vì thế tôi không từ bỏ. Mỗi tuần tôi lại thoả thuận với họ 1 chút, sau vài tháng, tôi ký được hợp đồng. Đến hiện tại, Cối Xay Gió ở khu Hòa Bình đã tròn 9 tháng tuổi.
Lúc thuê được mặt bằng, anh có xác định sẽ biến nơi đây thành điểm "check-in" nổi tiếng của Đà Lạt? Anh mất bao lâu để đưa ra được tông màu bắt mắt này?
Thẳng thắn mà nói, thành công của một dự án không chỉ nằm ở việc nhiều người biết đến, nhắc về nó, chụp ảnh với nó, mà còn là những trải nghiệm về dịch vụ và sự thỏa mãn với sản phẩm. Kể cả khi sản phẩm của bạn thắng thì chưa chắc dự án đã thắng hết mà còn phải thắng về mặt marketing, về chiến lược giá, địa điểm, có đủ tài chính để vận hành tốt chưa, đội ngũ đủ người để phục vụ tốt nhất cho khách hàng chưa. Cần đến 10 điểm thắng, để nói lên thành công của một chiến lược.
Bức tường vàng chỉ là một phần trong kế hoạch phát triển cửa tiệm của chúng tôi và quả thật tôi không nghĩ nó lại có sức lan tỏa đến thế. Lúc đầu, tôi chọn màu vàng của phố cổ Hội An, nhưng khi sơn lên tường thì cảm giác tông màu bị lạnh. Thời tiết Đà Lạt vốn đã lạnh rồi nên chúng tôi quyết định cho màu vàng ấm áp hơn một chút bằng cách chọn tông màu đậm hơn, mạnh mẽ hơn. Phải sơn đi sơn lại rất nhiều lần để ra được màu vàng ưng ý này. Vàng - đỏ cũng là màu cờ Việt Nam và nó phù hợp với sản phẩm bánh mì truyền thống Việt Nam, thức ăn đường phố quen thuộc của chúng ta và được người ngoại quốc yêu thích.
Bức tường từng được sơn màu của phố cổ Hội An nhưng vì thời tiết lạnh ở Đà Lạt mà màu vàng được tăng độ đậm lên để tạo sự ấm áp.
Khi chốt xong màu tường thì cũng là lúc phải định hướng lại cả màu của logo và màu cho tất cả sản phẩm, bao bì. Nói về font chữ của Cối Xay Gió thì chúng tôi có nhận được phản ánh từ một bạn thiết kế cho rằng đây là font chữ do bạn ấy vẽ ra và chúng tôi phải trả tiền bản quyền để được sử dụng nó. Thật ra chúng tôi nghĩ rằng font chữ này có chút khác biệt nhưng phí bản quyền cũng không đáng bao nhiêu để đi đến tranh cãi, chúng tôi chấp nhận trả phí.
Trước khi thành công với Windmills và Cối Xay Gió, Đăng Phong của những ngày còn trên ghế nhà trường đã nuôi mộng kinh doanh như thế nào?
Ngày trước, gia đình tôi cũng khá khó khăn. Hàng ngày phải đạp xe 4,5km đến trường. Sau giờ học, tôi xuống vườn nhà phụ mẹ buôn bán hoa, nông sản, đóng hàng gửi các khu vực Miền Trung, Sài Gòn. Nhà tôi thuần nông và từ nhỏ đã có truyền thống kinh doanh nên niềm đam mê này lớn theo tôi từng ngày. Nhất là những ngày buôn bán cùng mẹ, cảm giác thân thiện với những "bạn hàng", hiểu được thuận mua thì vừa bán, cứ tôn trọng khách hàng thì sẽ nhận lại được sự xác tín và yêu mến của họ.
Từ nhỏ tôi đã có một thói quen là đã thích cái gì thì dù không đủ tiền vẫn phải tìm cách để có được nó. Chẳng hạn tôi thích một chiếc xe, thì tôi sẽ mua xe cũ về, rồi dùng tiền tiết kiệm, mỗi ngày "độ" xe một ít cho đến mấy năm sau thì có được chiếc xe như mong đợi. Tiền tiết kiệm thì có thể kiếm bằng đủ mọi cách, lúc bé, tôi từng nhận công việc dán tem cho các gói trà Atiso, để tiết kiệm tiền mua hồ dán, tôi chỉ cần nấu bột lọc với nước để thành keo và dán, chi phí giảm đáng kể.
18 tuổi, tôi cũng như bao sinh viên khác, khăn gói lên Sài Gòn học. Những năm học ở Đại học Mở cũng có nhiều điều thú vị, tôi vừa học vừa làm nghiên cứu thị trường cho 3,4 công ty khác nhau. Những dịp lễ lạt thì góp vốn cùng bạn bè bán hoa, gấu bông kiếm thêm thu nhập. Đến năm 2 thì tôi đã có công việc ổn định đủ nuôi sống bản thân. Sang năm 3, tôi quyết định rời bỏ giảng đường để tập trung nghiêm túc cho dự án riêng của mình.
Bắt đầu giữa năm 2011, tôi trở thành nhà cung cấp hoa. Tháng 1 năm 2012, tôi dừng việc bán hoa để kinh doanh cafe, cùng 2 người bạn nữa mở Windmills Coffee đầu tiên trên đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt.
Lần đầu khởi nghiệp chắc hẳn có muôn vàn khó khăn, anh đã vượt qua bằng cách nào?
Quả thật chúng tôi phải đối diện với rất nhiều thứ, cửa hàng cafe liên tục lỗ suốt 3 tháng đầu. Tôi nhận ra mình đơn giản là chỉ "làm liều", không biết gì về kinh doanh thực tiễn, những kiến thức ở trường không ứng dụng được trên thực tế. Tôi không biết làm báo cáo, không biết dùng phần mềm kế toán, không biết quản lý tài chính, trong túi không còn đồng xu nào mà vẫn không biết vì sao. Chiến lược vực dậy Windmills lúc đó thực chất dựa trên sức chịu đựng của chính bản thân tôi và những cộng sự.
Sau đó, tôi chú tâm học về cách giúp cho tôi cân đối tiền bạc, cách sử dụng nguồn tiền hợp lý. Chúng tôi thẳng thắn nói về những bất đồng giữa BQT Windmills, và rồi hồi sinh cửa hàng với slogan "Be the dream inside you" (Hãy theo đuổi giấc mơ trong bạn).
Sau vài năm, Windmills đi vào ổn định, tôi mở thêm các cửa hàng khác ở Đà Lạt, Sài Gòn.
Những cửa hàng anh mở vẫn ổn định đến bây giờ?
Đó là điều không thể, tôi đã phải đóng cửa 2 quán Windmills ở Sài Gòn, trên đường Ngô Thời Nhiệm và Đặng Dung do gặp khó khăn về phí thuê bãi giữ xe. Khởi nghiệp được 6 năm thì tôi cũng đã phải đóng 5 cửa hàng lớn, số tiền lỗ không hề nhỏ, nhưng thời điểm đó tôi có sự cân bằng về tài chính, những mô hình còn lại đủ lời để bù đắp qua được nên tôi cũng không lo lắng.
Tôi nghĩ, biết rút lui đúng thời điểm cũng là một thành công. Dừng lại để giữ uy tín của chính mình, để vẫn còn động lực gây dựng nên dự án khác trước khi lỗ càng sinh thêm lỗ.
Trên thực tế, có nhiều người khởi nghiệp dù biết lỗ nhưng vẫn kiên trì với mô hình kinh doanh của mình bởi họ tin rằng vẫn còn hy vọng. Phong nghĩ sao về việc này?
Trong kinh doanh, tôi không dùng từ "hy vọng", bởi làm gì cũng phải có bài toán và con số đo lường cụ thể. Chẳng hạn nếu tìm ra được 4 giải pháp A-B-C-D, thì phải bắt đầu tính toán, nếu kết quả vẫn không ổn cho cả 4 thì phải ngưng ngay lập tức, không thể ngồi đó mà hy vọng vào phép màu nào cả. Hoặc, bạn có thể đặt ra mục tiêu trong 3 tháng phải quật lại được sản phẩm, và sau 3 tháng vẫn không làm được thì mạnh dạn đóng cửa. Đó là cách để đảm bảo cho chính bạn và cho các anh em cộng sự của bạn nữa.
Tôi quản lý nhiều cửa hàng nên hiểu, có 10 quán lời nhưng chỉ cần 1 quán bị lỗ thì cũng đã chiếm hết thời gian xử lý của tôi rồi, tốt nhất là dứt bỏ nó và phải học cho được tại sao mình thất bại.
Chỉ còn 1 năm nữa là Phong có thể lấy được tấm bằng Đại học, vì sao anh vẫn quyết định bỏ ngang? Gia đình anh tiếp nhận việc này như thế nào?
Tôi nghĩ mình biết điều gì tốt nhất cho bản thân ở từng thời điểm. Không phải vì tôi chán học và cổ xúy cho việc này, chỉ vì tôi cảm thấy riêng bản thân mình đã học được đủ những kiến thức bổ ích nơi Giảng đường rồi và tôi muốn bắt đầu thử thách mình với trải nghiệm thực tế ngoài xã hội.
Tất nhiên tôi vấp phải áp lực rất lớn từ cả nhà nội lẫn nhà ngoại vì trong họ hàng có rất nhiều anh chị, cô chú học lên đến thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều người có bằng cấp nước ngoài. Nhưng ba mẹ tôi luôn tôn trọng quyết định của con cái, thời điểm khởi nghiệp, tôi cũng đã có những thành quả nhất định và có định hướng rõ ràng cụ thể để thuyết phục ba mẹ trao niềm tin cho mình. Vài năm sau khi các chuỗi cửa hàng đi vào ổn định, mẹ tôi mới thú thật rằng thời điểm tôi nghỉ học để kinh doanh, bà lo lắm nhưng giờ thì yên tâm nhiều rồi.
Tôi nghỉ học không phải vì chán nản, mà vì tôi quen học theo cách của mình hơn. Tôi thường tự mày mò nghiên cứu các case study từ nước ngoài. Tôi cập nhật những thương hiệu mới nổi trên thị trường rồi phân tích sự thành công của họ: Họ đi theo xu hướng gì, họ làm gì với logo, cách marketing như thế nào, cách vận hành ra sao. Bản thân mô hình Cối Xay Gió cũng tham khảo từ nước ngoài, nhưng thay vì làm hambuger, tôi bán bánh mì Việt.
Phong quản lý và đánh giá nhân sự của mình dựa trên tiêu chí nào? Khi nào anh buộc phải chia tay nhân viên của mình?
Ở công ty, trong vòng 1 quý sẽ có một cuộc họp rất lớn với những leader cấp cao, buổi họp có khi sẽ kéo dài suốt 24 giờ nếu tôi chưa nhận được giải pháp cụ thể từ các cấp quản lý. Tôi cũng sẽ đưa ra mong đợi của mình và các bạn dựa vào đấy để nỗ lực đạt được. Nếu không đồng ý với target tôi đưa ra, họ có thể rời khỏi phòng họp ngay lập tức và xin thôi việc.
Đây cũng là cuộc họp mà từng bộ phận phải đưa ra được kế hoạch trong quý tới với những con số cam kết cụ thể và tôi sẽ đo lường, đánh giá khả năng thực thi trên con số đó qua từng ngày, từng tuần. Trong vòng 1 tháng, nếu 3 lần liên tục các nhân sự không đạt được cam kết thì chắc chắn sẽ bị đuổi, hầu như không có ngoại lệ.
Tiếp đó, mỗi tuần chúng tôi họp đúng 45 phút để review lại kết quả. Buổi họp đó chỉ đơn giản là đưa ra kết quả trong tuần: đạt đủ KPI hay chưa, được bao nhiêu %, nếu chưa thì phải có giải pháp ngay lúc đó, khi họ đã có giải pháp rồi thì ok, kết thúc buổi họp. Tôi sẽ ngồi lại với từng nhóm nhỏ để bàn sâu hơn về giải pháp mà họ đưa ra. Nguyên tắc làm việc của tôi đó là buổi họp nào thì chỉ bàn đúng vấn đề của buổi họp đó mà thôi. Họp review toàn team một ngày, họp giải quyết vấn đề trong ngày khác với những team liên đới trực tiếp, không lan man, sa đà làm tốn thời gian của mọi người.
Tôi rất thích 1 con người có sự nỗ lực, nên thỉnh thoảng tôi sẽ thử thách các bạn. Trong quá trình làm việc cùng nhau, tôi thường đặt những câu hỏi được cho là hơi... vô duyên, lúc thì hỏi lắt léo để xem các bạn trả lời như thế nào, có thực sự hiểu về những gì các bạn phải làm không. Có những nhân sự tôi nói đuổi việc, nhưng thực chất chỉ muốn thử thách họ, và trông đợi một phản ứng như: "Em không muốn nghỉ việc như thế này, em muốn rời bỏ trong vinh quang của em, em sẽ nghỉ việc khi tạo được thành tựu gì đó cho công ty". Đó là điều tôi mong chờ từ những nhân sự có năng lực.
Có bao giờ Phong vì quá tức giận mà đã đưa ra quyết định sai lầm với nhân viên của chính mình?
Điều đó đã từng xảy ra, và tôi uớc gì mình đã đủ bình tĩnh và kiên nhẫn với họ hơn. Tôi học được bài học đó nên hiện tại, nhiều buổi họp khi không đạt được kết quả khiến tôi tức giận thì tôi xin phép mọi người cho mình được ra ngoài nửa tiếng, điều chỉnh cảm xúc trước khi quay lại phòng họp để tiếp tục thẳng thắn "chửi" nhau.
Các nhân sự lâu năm hiểu được tính cách này nên trong lúc tôi bỏ ra ngoài, họ gấp rút bàn bạc và giải được các bài toán tôi yêu cầu.
Đa phần các nhân sự trong công ty đều là nhân sự tay ngang, được huấn luyện từ dưới lên trên chứ tôi không tuyển những nhân sự giỏi về. Tôi sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để nhân viên học được một bài học. Chẳng hạn, có 1 dự án mà tôi chỉ cần 1 tháng có thể làm xong, nhưng tôi vẫn đưa cho nhân viên của mình dù bạn đó mất 2 tháng để làm và mất rất nhiều tiền của công ty. Tôi biết mình mất tiền, nhưng đổi lại, tôi có được một nhân sự vững vàng để làm việc cho mình về sau. Bạn ấy hiểu điều đó nên đã cảm ơn tôi vì "anh đã kiên nhẫn với em". Đó cũng là giá trị văn hóa mà tôi muốn tạo ra cho công ty của mình.
Anh có nghĩ mình sẽ chạy đường dài được với những mô hình kinh doanh hiện tại? Nhu cầu của khách hàng thường xuyên thay đổi theo thời cuộc, làm sao để cung ứng vừa ý tất cả?
Chúng tôi lường được những điều đó. Khi chúng tôi bước vào một ngành kinh doanh bán lẻ đã có nhu cầu từ trước thì xác định là phải có lời. Nhưng nếu đặt kế hoạch cho quãng đường 10 năm sắp tới, thì phải chấp nhận trích ra một phần chi phí để "mua thói quen mua sắm mới "của khách hàng. Có thể mình sẽ lỗ vào thời điểm ban đầu nhưng sẽ là người tiên phong tạo ra nhu cầu mới, lấy được thói quen mới của những khách hàng để họ tiếp tục gắn bó với mô hình kinh doanh đã được đổi mới của mình.
Để phủ sóng thương hiệu ra thị trường và các tỉnh thành khác, vì sao anh vẫn chưa nghĩ đến việc nhượng quyền thương hiệu?
Có rất nhiều người đặt vấn đề về việc nhượng quyền thương hiệu Windmills và Cối Xay Gió, nhưng tôi chưa có đủ sự tin tưởng với các đối tác để nhượng quyền cho họ. Tôi rất nguyên tắc và làm việc dựa trên uy tín, cam kết bền vững, tôi cần sự tôn trọng và giữ cam kết với nhau nhưng nhiều đối tác đã làm mất nó. Với tôi, chỉ cần hôm nay tôi hứa với một người thợ là tôi sẽ trả tiền công cho họ, thì tôi nhất định sẽ trả. Trong trường hợp tôi quá bận không thể gặp anh ấy để đưa tiền, thì tôi phải là người nhấc máy thông báo với anh về việc đó.
Có thể chậm cam kết trong vòng 1,2 ngày, nhưng cuộc gọi thông báo nhất định phải được xảy ra.
Cuối cùng, đích đến của Cối Xay Gió cũng như các thương hiệu của anh sẽ xa đến đâu?
Mục tiêu của tôi là có thể "phủ sóng" cửa hàng Cối Xay Gió khắp Việt Nam và cả nước ngoài.
Nhưng trước khi làm lớn thì phải có mô hình kinh doanh tốt cái đã. Việc phải tập trung sắp tới sẽ có thêm 3 cửa hàng Cối Xay Gió có mô hình cải tiến hơn tại Đà Lạt.
Trí thức trẻ