MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông

28-10-2022 - 14:53 PM | Lifestyle

Việc sử dụng giày chứa đựng ý nghĩa về mặt văn hóa, ám chỉ đến phong tục treo giày của người đã khuất bên ngoài nơi ở của họ.

Bên bờ sông Danube ở Budapest, cách tòa nhà Quốc hội Hungary khoảng 300m, có 60 đôi giày sắt rỉ sét ngổn ngang, mẫu mã thuộc những năm 1940. Chúng nằm rải rác bên bờ sông kéo dài 40m, bị lãng quên, như thể chủ nhân của chúng vừa cởi ra và bỏ lại nơi đó.

Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 1.
Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 2.
Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 3.
Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 4.
Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 5.

Đây là tác phẩm đài tưởng niệm được biết đến với cái tên "Những đôi giày bên sông Danube" (The Shoes on the Danube Promenade), do đạo diễn Can Togay và nhà điêu khắc Gyura Bauer phối hợp sáng tạo để tưởng nhớ những người Do Thái bị bắn bên bờ sông Danube vào mùa đông năm 1944-1945.

Nạn nhân, bất kể già trẻ gái trai, bị ép đứng hướng về phía sông, cởi giày, tiếng súng nổ lên rồi thả xác xuống dòng nước chảy vô định.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, giày là một mặt hàng có giá trị. Những tên hung thủ có thể sử dụng chúng hoặc buôn bán trên thị trường chợ đen.

Theo ý tưởng của đạo diễn Can Togay, bản thân mỗi chiếc giày là một tác phẩm nghệ thuật, tượng trưng cho mỗi số phận bỏ mạng dưới nòng súng.

Nhà điêu khắc Gyura Bauer tỉ mỉ tạo ra mỗi chiếc giày sắt. Ông tưởng tượng ra chủ nhân của đôi giày này: “Có lẽ đây là một người phụ nữ đảm đang”, “Anh ấy có phải là công nhân xây dựng?”, “Anh ta có thói quen đi đường nhón gót đúng không?”... Từ đó tạo ra những đôi giày sắt mang sắc thái khác nhau, đại diện cho những con người không giống nhau.

Nhìn tác phẩm của mình, Gyura Bauer vô cùng đau xót cho số phận của những người buộc phải cởi giày, đứng bên dòng sông băng giá, run rẩy, đối mặt với dòng chảy lạnh tanh, phía sau là nòng súng không biết khi nào bóp còi.

Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 6.
Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 7.
Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 8.
Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 9.

Những đôi giày giúp chúng ta tưởng tượng ra khuôn mặt chủ nhân của chúng - những người đã bị xóa sổ khỏi thế giới. Chúng nhắc nhở chúng ta, mỗi đôi giày lẻ loi bên bờ sông đó là một con người từng tồn tại.

Du khách ghé thăm đến đây đều dành ra 1 phút để tưởng niệm những người đã khuất. Nếu có thời gian, du khách có thể đọc tấm bảng giải thích về tác phẩm những đôi giày sắt bên sông được thể hiện bằng 3 ngôn ngữ (tiếng Do Thái, tiếng Anh, tiếng Hungary).

Tác phẩm bên bờ sông Danube ở Budapest không phải đài tưởng niệm duy nhất dành cho những số phận biến mất khỏi thế giới.

Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 10.
Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 11.
Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 12.
Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 13.

Tác phẩm của nhà nghệ thuật Colombia, Doris Salcedo tập trung vào hậu quả bạo lực chính trị gây ra cho con người. Tác phẩm của cô bắt nguồn từ quá trình nghiên cứu sâu rộng và điều tra thực địa tại các cộng đồng nông thôn ở quê hương Colombia, đặc biệt là các cuộc phỏng vấn với nạn nhân trong cuộc đàn áp.

Doris Salcedo đã thu thập những đôi giày từ các gia đình biến mất: chủ yếu là phụ nữ, đã "biến mất" khỏi nhà của họ một cách bí ẩn. Đây là phương pháp kiểm soát xã hội những năm 1980 thường được sử dụng ở Colombia trong cuộc xung đột nội bộ giữa lực lượng bán quân sự và du kích.

Giờ đây, những đôi giày đã bị vứt bỏ. Sự biến mất của chúng là một phép ẩn dụ cho việc “con người bốc hơi một cách trắng trợn”. Đau đớn nhất là người ta biến mất không tăm tích, không tội danh, không biên bản bắt giữ, không tìm thấy thi thể. Cái chết có thể được thương tiếc, nhưng sự biến mất để lại nỗi trống trải không thể nguôi ngoai.

Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 14.
Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 15.
Câu chuyện đằng sau những đôi giày sắt bên bờ sông - Ảnh 16.

Tác phẩm “Untitled” gồm 440 đôi giày phụ nữ, phản ánh thực trạng phụ nữ bị mưu sát ngày càng gia tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà nghệ thuật Thổ Nhĩ Kỳ, Vahit Tuna đã quyết định tạo ra một tác phẩm sắp đặt trực quan theo mạng lưới đều đặn trên hai bức tường. Số lượng những đôi giày là số người phụ nữ bị đàn ông sát hại ở Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2018.

Việc sử dụng giày chứa đựng ý nghĩa về mặt văn hóa, ám chỉ đến phong tục treo giày của người đã khuất bên ngoài nơi ở của họ, châm ngòi dư luận để lên án sự bất công của xã hội và đòi lại quyền lợi của phụ nữ.

Quá khứ đen tối cùng tội ác đẫm máu khiến chúng ta không khỏi rùng mình và ý thức được những gì đã thật sự xảy ra.

Nguồn: Thepaper

Theo Trung Hạ

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên