MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện du lịch nhìn từ kỳ vọng biến Huế thành "kinh đô ẩm thực" của Việt Nam

Ẩm thực cung đình Huế là có một không hai, theo nhận xét của ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Văn hoá ẩm thực Việt Nam.

Festival Huế 2018 đã có một số hoạt động lớn liên quan đến ẩm thực. Như chia sẻ với báo giới, Ban tổ chức không giấu đi kỳ vọng từng bước "biến" Huế thành "kinh đô" ẩm thực của Việt Nam.

Ông Lê Tân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Văn hoá ẩm thực Việt Nam, nhấn mạnh ẩm thực cung đình Huế có một không hai. Bởi lẽ, như các đánh giá của chuyên gia, nơi đây hội tụ những của ngon vật lạ tiến vua. Những tinh hoa này được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tạo thành giá trị riêng biệt, độc đáo. 

Câu chuyện du lịch nhìn từ kỳ vọng biến Huế thành kinh đô ẩm thực của Việt Nam - Ảnh 1.

Bữa cơm cung đình tại Tịnh Gia Viên - Huế

Theo đó, nhiều ý kiến đóng góp đã được tập hợp lại, đồng thời, nhiều tư vấn cũng được định hướng để đề nghị Chính phủ công nhận vùng đất này trở thành kinh đô ẩm thực.

Từ thực tế, ông Tân cho biết trước nay Huế đang "lãng quên" thế mạnh ẩm thực của mình trong phát triển du lịch. Với việc xây dựng, phát triển thương hiệu ẩm thực, nhiều người kỳ vọng sẽ thành lập được các chuỗi nhà hàng mang phong cách cung đình, tổ chức chương trình ẩm thực đúng chuẩn mực ngày xưa. Tham vọng cũng không dừng tại đó, theo ông Tân, mà tiến đến hình thành các nhà hàng trên toàn quốc và các nước trên thế giới.

Ẩm thực cần trở thành một sản phẩm du lịch

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền ẩm thực phong phú, độc đáo. Đã có ý kiến cho rằng ẩm thực Việt là một trong ba nền ẩm thực được ưa chuộng  trên thế giới, bên cạnh Trung Quốc và Pháp.

Tuy nhiên, ngược với tiềm năng, du lịch ẩm thực Việt kém phát triển khi so sánh với nhiều nước.

Chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Vương Xuân Tình, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng để đẩy mạnh du lịch ẩm thực, nếu chỉ có sự năng động của doanh nghiệp tư nhân, hệ thống nhà hàng và hiệp hội là chưa đủ.  Ông nhấn mạnh cần sự điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đồng thời chuẩn bị xây dựng chiến lược tiếp theo mà ở đó, du lịch ẩm thực cần trở thành một loại hình du lịch quan trọng của Việt Nam.

Theo ông, ngoài 3 trung tâm ẩm thực lớn là Hà Nội – Huế - Sài Gòn, cần quan tâm đến giá trị của ẩm thực vùng kết hợp với ẩm thực tộc người và tôn giáo để xây dựng kế hoạch phát triển du lịch ẩm thực thích hợp.

Bên cạnh đó, du lịch ẩm thực không chỉ trong khung khổ món ăn, thức uống mà còn cần lưu ý cả về nguồn gốc thực phẩm, việc sản xuất, các vấn đề về lịch sử, nghi lễ, ứng xử… liên quan đến món ăn đó.

PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cũng từng đưa ra ý kiến tương tự. Sản phẩm của một tour du lịch ẩm thực không chỉ là ăn uống mà còn là đến học, đến nấu. Du lịch ẩm thực, theo ông còn là bán văn hoá, bán câu chuyện.

Đơn cử như làm bánh chưng, khi hướng dẫn khách gói bánh, cũng nên giới thiệu cho họ căn minh lúa nước qua sản phẩm đó. "Khi người ta biết văn hóa đấy, người ta ăn sẽ thấy ngon hơn", ông nói và cho biết nếu không có câu chuyện văn hóa, các món ngon chỉ là món ăn ngon đơn thuần.

Hội Lữ hành ẩm thực thế giới cho biết hiện có khoảng 25% du khách quan tâm đến ẩm thực du lịch. Trong khi đó, báo cáo toàn cầu lần thứ hai về du lịch ẩm thực lại cho rằng có 87% số tổ chức được điều tra xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến. 82% cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch, du lịch ẩm thực là chất xúc tác cho kinh tế địa phương và nhìn chung ẩm thực là nguyên nhân thứ 3 chỉ sau yếu tố văn hoá, điều kiện tự nhiên ảnh hưởng quyết định đến điểm đến của du khách.

Do đó, trong tương lai, Việt Nam cần thiết phải nâng cao nhận thức xã hội về du lịch ẩm thực, trong đó chú trọng nghiên cứu, đào tạo và truyền thông mà có thể, những bước đi đối với ẩm thực cung đình Huế gần đây là những khởi đầu tốt.  

Hà Thu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên