MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2012: Chuồn là thượng sách

07-12-2012 - 11:19 AM |

Năm 2012 là một năm đầy biến động của các đại gia, song trong 36 kế của Binh pháp tôn tử, đa số các đại gia chọn kế thượng sách nhất là chuồn.

Càng xoay, càng lún

Hàng loạt các công ty liên tục công bố những ‘tin buồn’ về tình hình tài chính.

Mới đây, Công ty cổ phần Viglacera Đông Triều (DTC) cho biết, công ty này đang chuẩn bị cho cuộc họp hội đồng quản trị bất thường năm 2012 để bàn phương án hủy niêm yết tự nguyện; phương án đăng ký giao dịch UPCOM.

Tính từ thời điểm quý IV/2011 cho tới nay, công ty này liên tục thua lỗ hàng chục tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận chưa phân phối tới cuối quý III/2012 là - 55,27 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ 40 tỷ đồng của DN.

Tính tới cuối quý III/2012, tổng tiền mặt và các khoản tương đương tiền của DTC chỉ còn 803 triệu đồng, giảm mạnh so với con số gần 9,8 tỷ đồng hồi đầu năm. Hàng tồn kho khá nhiều với hơn 36 tỷ đồng và chiếm phần lớn của tài sản ngắn hạn (55 tỷ đồng) nhưng thấp hơn nhiều so với nợ ngắn hạn (lên tới 202 tỷ đồng).

Trong một nỗ lực duy trì hoạt động trong những tháng đầu năm nay, DTC đã phát hành 2 triệu cổ phiếu để huy động vốn nhưng để phát hành thành công DTC cũng phải cầu viện đến sự hỗ trợ của Tổng công ty Viglacera, mua nốt hơn 651.000 cổ phần bị ế.

Đại gia HT1 của Công ty Cổ phần Xi Măng Hà Tiên lũy kế 9 tháng/2012, HT1 lỗ gần 30 tỷ đồng. Hiện tổng nợ của HT1 lên tới trên 11.000 tỷ đồng, cao gấp gần 6 lần so với vốn chủ sở hữu. Nợ ngắn hạn cũng lên tới trên 4.300 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với tài sản ngắn hạn. Nguyên nhân lỗ của HT1 được xác định phần lớn do chi phí lãi vay cao, với con số lũy kế cho 9 tháng năm 2012 lên tới gần 600 tỷ đồng.

Phương án lựa chọn cho số phận của công ty này là quyết định giải thể, chấm dứt hoạt động một chi nhánh là Xí nghiệp Xây dựng Hà Tiên 1 hồi giữa tháng 8/2012 của HT1.

Đại gia thủy sản Phương Nam tại Sóc Trăng hiện đang có dự nợ liên quan đến các ngân hàng tới thời điểm đầu tháng 11 lên đến trên 1.600 tỷ đồng, trong đó có tới hơn 1.450 tỷ đồng là vốn vay ngắn hạn.

Với số nợ trên gấp gần 5 lần vốn điều lệ của công ty, trong khi tài sản thế chấp được đánh giá là không tương ứng và DN chỉ còn quan hệ tín dụng ở mức thấp với một ngân hàng để mua nguyên liệu hoạt động cầm chừng.

Phương Nam gần như ngừng hoạt động, tiền không có và đã khiến cơ quan điều tra, ngân hàng phải vào cuộc để tìm phương hướng tái cơ cấu.

Lên xe và rời khỏi cuộc chơi

Sự bế tắc của Công ty chế biến thủy sản Phương Nam cũng khiến ông Lâm Ngọc Khuân – Chủ tịch Công ty ‘đổ bệnh’ theo và bỏ ra nước ngoài chữa bệnh. Khi đi ông còn viết bức thư cáo lỗi chủ nợ là các ngân hàng và chưa hẹn ngày trở về.

Không chỉ riêng ông Lâm Ngọc Khuân - bỏ ra nước ngoài trị bệnh trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp thủy sản lao đao, thời gian qua, tại Việt Nam không ít việc ông, bà chủ của các doanh nghiệp cũng đổ bệnh và tìm đường ra nước ngoài với lý do chữa bệnh.

Trước đó, đại gia Diệu Hiền, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty thủy sản Bianfisco cũng đột nhiên đổ bệnh và phải chọn kế 36 để sang nước ngoài.

Rồi đến đại gia Đặng Thành Tâm, cũng lấy lý do sức khỏe đã ra nước ngoài để trị bệnh.

Theo các chuyên gia về tài chính, khi công việc còn thuận lợi, các đại gia cứ nhắm mắt vay tiền và đổ dồn vào các ngành kinh doanh không cần chiến lược cụ thể. Ví dụ, doanh nghiệp thủy sản cũng có thể kinh doanh cả bất động sản để hòng kiếm lời. Song với kiểu làm ăn chụp giật, không chiến lược bài bản, khi thị trường gặp khó khăn các doanh nghiệp đồng loạt đổ theo hiệu ứng domino.

Quá khó khăn, không thể cầm cự, các đại gia chọn kế thoát thân, lùi là thượng sách.

Theo Bích Ngọc 
Báo Đất Việt

tanhoa

Trở lên trên